(ĐHVO). Ở lớp học này, những thành viên không nhìn thấy nhau, không nhìn thấy các động tác cần học nhưng họ vẫn nhảy bằng tất cả sự cảm nhận với âm nhạc và bằng sự giúp đỡ tận tình từ cô giáo Hồ Thị Nhung.
Được biết, thời điểm đầu tiên có ý định mở lớp dạy nhảy cho người khiếm thị, Huấn luyện viên sức khỏe Hồ Thị Nhung đã tham khảo ý kiến của rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dạy nhảy và tìm hiểu các tài liệu về người khiếm thị để tìm ra phương pháp dạy phù hợp cũng như gắn kết được bản thân với những thành viên “đặc biệt” của mình.
Lớp học nhảy của cô giáo Hồ Thị Nhung, nguồn ảnh Internet
Ý định dạy nhảy của chị nảy sinh khi được tiếp xúc với những Hội viên thuộc Hội người mù quận Thanh Xuân, Hà Nội. Niềm đam mê âm nhạc cùng sự thương cảm, yêu quý những con người ở đây đã khiến chị bùng lên khao khát được truyền tải niềm đam mê của mình tới họ, giúp họ làm những việc mà họ chưa từng làm. Và rồi, sau những nỗ lực, vất vả, cuối năm 2019, lớp học nhảy đã có những thành viên đầu tiên, mở ra những ngày tháng tươi vui, sôi động cho những người mà chúng ta từng nghĩ “không thể học nhảy”.
Những buổi tập đầu tiên có thể nói là khó khăn khi giữa cô giáo và học viên cần nhiều thời gian để tương tác một cách phù hợp với nhau cũng như tìm ra được “tiếng nói chung” để tất cả mọi người đều hiểu. Với người bình thường khi tập nhảy đều cần đứng trước gương và nhìn theo người hướng dẫn nhưng với những người khiếm thị, họ tập bằng sự cảm nhận âm nhạc và bằng sự hướng dẫn tận tâm từ cô giáo của mình. Điều đó không phải dễ dàng và có thể ngày một, ngày hai làm được.
Có như vậy ta mới thấy hết được sự nỗ lực của cả cô và trò, không ngừng tập luyện, không ngừng tạo ra cho mình niềm vui, niềm yêu thích âm nhạc. Mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng tất cả học viên ở đây đều cố gắng hết mình, họ nhảy trên tinh thần rất yêu thích, rất đam mê và đến thời điểm hiện tại việc nhảy đối với họ đã trở nên dễ dàng. Thậm chí, có những thành viên trong lớp đã đi thi và đạt giải cao trong cuộc thi nhảy cấp quận và cấp thành phố.
Anh Nguyễn Đình Chính trên một chương trình truyền hình đã chia sẻ cảm nghĩ của bản thân khi tham gia lớp học đặc biệt này, anh cho biết qua lớp học nhảy anh cảm thấy cuộc sống tích cực hơn rất nhiều, tinh thần thoải mái, tránh được những suy nghĩ tiêu cực bởi vì bản thân người khiếm thị rất hay suy nghĩ và cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác. Từ khi tham gia lớp học, không những tinh thần của anh tốt lên mà sức khỏe cũng ngày một tốt.
Một lớp học nhỏ bé nhưng lại mang đến tiếng cười cho rất nhiều người. Đó không chỉ là lớp học nhảy bình thường, đó còn là lớp học gắn kết những con người với nhau bằng âm nhạc, giúp người khiếm thị nhận ra khả năng của bản thân. Có thể họ không được chọn cách mình sinh ra nhưng họ chọn được cách mình sống, những con người ấy vẫn đang từng ngày tìm kiếm niềm vui và niềm hạnh phúc của riêng mình.
Lan Phương