(ĐHVO). Lòng nhân ái chính là tình yêu thương của con người với con người, là sự giúp đỡ, sẻ chia trong khó khăn, hoạn nạn. Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại xã hội phát triển, đời sống tinh thần và vật chất của con người ngày một nâng cao, thì việc quan tâm giúp đỡ những người còn nghèo khó, là việc làm hết sức cần thiết. Bởi lẽ, lòng nhân ái là truyền thống, là phẩm chất tốt đẹp quý giá nhất, của con người Việt Nam.
Xã hội còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều những hoàn cảnh rất đáng thương cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Nhiều người ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đang sống trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn. Biết bao trẻ em, người già không có nổi manh áo, tấm chăn vào những ngày giá rét; các gia đình sống trong những mái nhà tranh không đảm bảo che mưa che, nắng; trẻ em không được đến trường không nhận được tình yêu thương chăm sóc của người thân. Đặc biệt những những người khuyết tật không có khả năng lao động, nhiều người yếu thế tàn tật sống bằng trợ cấp của Nhà nước, họ gặp nhiều khó khăn hơn nữa, do vậy, cần lắm những tấm lòng nhân ái, hỗ trợ tinh thần vật chất cho họ. Tình người ấm áp tạo thêm niềm tin và động lực để hướng cuộc sống tới những điều tươi đẹp hơn. Trong cuộc sống, tình yêu thương, nhân ái, sẻ chia của những tấm lòng thiện nguyện luôn là truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Đó là một trong những tình cảm tốt đẹp, đẫm tính nhân văn gắn kết những trái tim lại với nhau, thể hiện trách nhiệm và tình cảm mà chúng ta trao cho nhau với tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng. Những tấm gương về “lòng nhân ái” và các chương trình hỗ trợ làm cho chúng ta cảm động, tự hào về con người Việt Nam, bình dị mà trong sáng biết bao.
Ảnh Internet
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu (77 tuổi ở phường 4, thành phố Vĩnh Long) người đã được tôn vinh “Sống đẹp” trong “Lễ trao Giải thưởng KOVA” lần thứ 17 năm 2019. Bà là người thành lập cơ sở phục hồi chức năng và hỗ trợ điều trị miễn phí cho gần 5.000 trẻ bại não. Từ năm 2004, sau khi về hưu, bà đem toàn bộ tiền dành dụm của mình thành lập “Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu”. Thời gian đầu, còn khó khăn, thiếu thốn nên cơ sở chỉ hỗ trợ được 5 – 10 người/ngày, đến nay cơ sở đã tiếp nhận, hỗ trợ điều trị miễn phí cho gần 7.000 người; trong đó có hơn 5.000 trẻ bại não, nhiễm chất độc da cam và gần 1.000 người lớn. Bà đã điều trị cho bệnh nhi bằng cả tình thương, lòng nhân ái, mà nhân dân nơi đây gọi bà với cái tên kính trọng thân thương “Bà ngoại”. Với bà: “…Tôi chỉ mong muốn đem niềm vui cho các em và xoa dịu đi một phần nỗi đau của gia đình, góp một phần nhỏ công sức của mình để giảm đi gánh nặng cho xã hội”.
Cô giáo Nguyễn Thị Ái Vân (Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái) đã gắn bó với các em khuyết tật 16 năm. Bất chấp công việc ở trường hết sức khó khăn, gian khổ; song sau mỗi năm, nhiều học sinh đã rời ngôi trường đặc biệt này, có một cuộc sống tốt đẹp hơn và tìm được công việc phù hợp, đó chính là miền hạnh phúc của cô, cô là tấm gương thật đáng trân trọng về lòng nhân ái của con người.
Đến “Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh” – (Cơ sở 1 quận Thanh Khê Tp.Đà Nẵng), ta được chứng kiến các “thầy cô giáo”, họ là người khuyết tật về thể xác nhưng chưa bao giờ khuyết tật về tâm hồn. Bằng nghị lực sống phi thường, họ vượt qua mặc cảm, đầy nghị lực vươn lên bằng chính đôi tay gầy cho những học trò bất hạnh. Nhắc về cuộc đời, số phận họ bao giờ cũng bắt đầu bằng những nụ cười, với họ“Trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo, nên hãy cứ sống như những đóa hoa, tỏa hương thơm cho đời”. Hơn 10 năm qua gắn bó với Trung tâm, họ trở thành những tấm gương, để những em bị di chứng chất độc da cam, khuyết tật vươn lên trong cuộc sống khó khăn, gian khổ. Đó là “Thầy Phương”, “Thầy Dũng”, “Cô Thanh”… Khi được hỏi về nghị lực nào khiến anh vươn lên trở thành người có ích cho cộng đồng, “Thầy Phương” cười: “Chúng ta sinh ra không ai có quyền được lựa chọn số phận, nhưng có quyền được lựa chọn tương lai. Vì thế, nếu số phận đã kém may mắn thì có một lựa chọn duy nhất là mạnh mẽ bước về phía trước, để đón nhận tương lai tươi sáng hơn. Trong mỗi giờ học tôi vẫn luôn nhắn nhủ như vậy với các học trò giúp các em tự tin, bước qua mặc cảm”. Hiện nay, Trung tâm có 52 em bị chất độc da cam, khuyết tật đang được nuôi dưỡng. Trong đó, các em được dạy kỹ năng sống; văn hóa và học nghề. Các thày cô giáo ở đây dù mức thu nhập không cao, nhưng họ vẫn tình nguyện gắn bó, với mong muốn được dìu dắt các em hòa nhập với cộng đồng. Các em đã coi họ như cha mẹ của mình; điều này đã nói lên tất cả và minh chứng cho những tấm lòng nhân ái, đáng trân trọng của các “thầy cô” ở Trung tâm này.
Nghệ sĩ Nguyễn Thành Trung (65 tuổi, Tp.Bảo Lộc, Lâm Đồng) sau 3 năm ông đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng và vận động quyên góp từ bạn bè, người thân xây dựng được 15 căn nhà tình thương cho người nghèo (trị giá từ 30 – 60 triệu đồng/căn). Căn nhà đầu tiên được tặng cho gia đình anh K’Tôi (xã Đạ P’Loa, huyện Đạ Huoai); căn nhà xây dựng hoàn thành cuối tháng 11/2019 tặng gia đình ông K’Rôm (thôn 16, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm). Ông là chiếc “cầu nối” của những tấm lòng nhân ái. Với ông, đơn giản chỉ là “…Mong ước có được những ngôi nhà ở ấm áp khi mùa mưa tới, khi gió lạnh về cho đồng bào”. Ông Bùi Công Hiệp (Quận 9, Tp.Hồ Chí Minh) đã hiến tặng cả gia tài gồm một ngôi nhà và 2.500m2 đất trị giá hơn 100 tỷ đồng để xây mái ấm cho những trẻ bị bỏ rơi. Điểm phát bánh mì, cơm hộp miễn phí của ông Phùng Ngọc Diệp (P.5, Tp.Vĩnh Long) trở thành điểm đến quen thuộc của người nghèo. Theo ông, chi phí cho mỗi lần phát cơm, bánh mì khoảng 2 triệu đồng trích từ tiền của gia đình. Ông và con gái đi đặt mua mỗi lần 150 hộp cơm hoặc từ 150 – 200 ổ bánh mì. Với ông chỉ đơn giản là“Thấy nhiều người cơ cực, mình làm ăn cũng được nên san sẻ cho bà con…”.
Đến cổng Bưu điện Hương Khê (Hà Tĩnh) chúng ta được thấy “Tủ bánh mỳ miễn phí” và nước uống dành cho người nghèo, được đặt cố định nơi đây để tất cả người nghèo, người có nhu cầu đến lấy sử dụng. Trên các đường phố Tp.Hồ Chí Minh người ta luôn bắt gặp những điểm cung cấp cơm hộp, nước uống, những tiệm sửa chữa, bơm xe… miễm phí cho khách thập qua đường. Từ những ngày đầu mùa đông năm nay, trên các tuyến phố ở Hà Nội (Chùa Láng, Thái Hà, Tây Sơn, Bà Triệu…) xuất hiện những chiếc tủ đầy ắp quần áo miễn phí với thiết kế gọn gàng, sạch sẽ. Với phương châm “Ai thừa thì cho, ai thiếu thì nhận”, tủ quần áo miễn phí đã đem lại niềm vui cho cả người cho đi và người nhận được.
Thật cảm động khi chúng ta được biết trong năm qua có nhiều lá đơn xin thoát nghèo. Cụ Đỗ Thị Mơ 83 tuổi (Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) dù còn khó khăn xong cụ xin thoát nghèo và còn giúp cho nhiều người, có những hoàn cảnh khó khăn hơn bằng việc nuôi gà, bán rau… Cụ Lang Văn Tần 81 tuổi (Bản Liên Sơn, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) xin thoát nghèo để nhường cho hộ nghèo hơn. Bản Xiềng, xã Môn Sơn Con Cuông, Nghệ An năm qua có 19 hộ dân viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo, tiêu biểu là như bà La Thị Tín, chị Hà Thị Nhàn là gia đình nghèo nhất bản. Riêng huyện Con Cuông đã có 383 lá đơn xin thoát nghèo. Ở Tân Kỳ, Nghệ An cũng có hàng chục hộ viết đơn xin thoát nghèo để trao “món quà” này cho những người khốn khó hơn mình…
Cán bộ, chiến sĩ (Đoàn KT-QP 379) đã và đang giúp đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Điện Biên phát triển kinh tế cho gần 40 xã (ở các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và một phần huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu) đã có mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi, ổn định đời sống, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biên cương. Đến nay 100% cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Bộ Quốc phòng đều tham gia hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo”. Trong 5 năm (2015-2019) các đơn vị trong Quân đội đã tham gia hơn 7 triệu ngày công; tu sửa, làm mới đường nông thôn, kênh mương thủy lợi, lớp học; tặng 8.000 “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đại đoàn kết”… Tặng hàng chục nghìn con bò giống; đỡ đầu hàng nghìn em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cấp thuốc, trang thiết bị y tế cho bệnh xá các xã vùng sâu, vùng xa và đồng bào các tỉnh biên giới…
Mới đây truyền hình “Lễ kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – 2019” tổ chức tại Hà Nội, chúng ta được chứng kiến 500 thương binh nặng tiêu biểu, đại diện 1,2 triệu thương binh trên cả nước. Mặc dù với thương tật suốt đời, chịu nhiều đau đớn, nhưng họ luôn phấn đấu vươn lên bằng ý chí nghị lực phi thường, tham gia tích cực các hoạt động xã hội và sản xuất, giúp đỡ con cháu tiếp tục cống hiến đất nước. Họ là những bông hoa tỏa sắc hương muôn đời, những tấm gương lay động lòng người, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó cho cộng đồng, xã hội.
Tính đến tháng 9/2019 đã có 877 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo 2019”. Thời gian tới “Quỹ vì người nghèo” tập trung hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo; người có khó khăn do thiên tai, bệnh tật và chăm lo cho người nghèo đón Tết Nguyên Đán – 2020. Đây là một trong những công việc rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng như vậy mới có thể thành công.
Còn rất nhiều những tấm gương, người tốt, việc tốt trên khắp mọi miền Tổ quốc. Bởi lẽ, đó là truyền thống tốt đẹp mà Bác Hồ là biểu tượng cao đẹp về lòng yêu thương con người của Dân tộc. Tấm lòng nhân ái, bao dung đã làm nên giá trị tinh thần to lớn và sâu sắc trong tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính lòng nhân ái đã tạo nên sức mạnh, tình đoàn kết Dân tộc trong các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, chiến thắng với thiên tai khắc nghiệp ở Việt Nam và nó đã tạo ra được những điều tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày; mang hạnh phúc đến với mọi người, là sợi dây bền chắc, thiêng liêng kết nối con người với con người.
Những ngày qua, trên khắp phố phường, làng quê ngõ xóm, chúng ta lại được thấy sắc cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay cùng với tiếng hát vang lên, tràn đầy sức trẻ và cảm hứng về tình yêu quê hương, đất nước, con người với miềm tự hào sức mạnh của Dân tộc, thắp sáng lên hy vọng cho tương lai:“…Giữa đất nước này, niềm tin luôn căng tràn. Đừng lo lắng, cười lên.… Từ nơi đồng xanh thơm hương lúa. Từ nơi đảo xa mênh mông sóng. Về nơi đồi cao bay mây trắng. Một vòng tay nối trọn Việt Nam. Bao la đất trời, quê hương xanh ngời. Bao nhiêu con người, chung tay xây đời. Niềm tin nơi một Việt Nam sáng tươi. Việt Nam hỡi! Việt Nam ơi! Tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi!…”
Lòng nhân ái của người Việt Nam sẽ tiếp tục và mãi mãi đi cùng thời gian, giúp cho chúng ta xích lại bên nhau, gắn kết bền chặt với tinh thần của một Dân tộc yêu hòa bình, quyết tâm đoàn kết bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, mang lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người.
Trần Văn Chương