Lồng ghép quyền và hoà nhập người khuyết tật trong phòng chống dịch Covid-19

Theo ước tính, có khoảng 690 triệu người khuyết tật trong khu vực Châu ÁThái Bình Dương. Người khuyết tật thường phải đối mặt với nhiều rào cản khi muốn tham gia đầy đủ và hiệu quả trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khuyết tật khi tương tác với các đặc điểm khác, bao gồm giới tính, tuổi tác, dân tộc, thu nhập và nơi cư trú, thì càng gặp nhiều hạn chế trong quá trình hoà nhập.

Nhiều người khuyết tật là người nghèo và có việc làm không ổn định nếu không được bảo trợ xã hội đầy đủ. Nghiên cứu của ESCAP (Uỷ ban kinh tế xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) chỉ ra rằng: sự khác biệt về tỷ lệ nghèo giữa người khuyết tật và dân số nói chung có thể lên tới 20,6% và người khuyết tật có khả năng được tuyển dụng ít hơn hai đến sáu lần so với người không khuyết tật. Những hoàn cảnh khó khăn này khiến người khuyết tật dễ bị tổn thương hơn trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là những người có tình trạng sức khỏe không ổn định.

Hiện tại, một số biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 bao gồm: hạn chế tiếp xúc, tự cách ly, có thể dẫn đến những khó khan cho người khuyết tật. Chẳng hạn: người khuyết tật có thể cần sự giúp đỡ của người hỗ trợ cá nhân để đáp ứng các yêu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc giám hộ đối với những trường hợp có khuyết tật trí tuệ. Sinh kế của người khuyết tật cũng có nguy cơ nghiêm trọng do suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra vì phần lớn người khuyết tật làm việc trong lĩnh vực phi chính thức (không được ký hợp đồng lao động, công việc thời vụ…).

Trước sự bùng phát của dịch Covid-19, các chính phủ có trách nhiệm lồng ghép khuyết tật vào các biệnpháp phòng chống đại dịch để đảm bảo rằng các quyền, lợi ích và hoà nhập của người khuyết tật được bảo đảm. Uỷ ban kinh tế xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương khuyến nghị các chính phủ:

1. Đảm bảo tất cả các phản ứng về đại dịch đều tính đến yếu tố khuyết tật, bao gồm cả tham vấn và hợp tác với người khuyết tật thông qua tổ chức của người khuyết tật.

Tất cả các phản ứng chính sách đối với dịch Covid-19 phải bao gồm khuyết tật, từ các biện pháp ngăn chặn và y tế công cộng đến các gói kích thích kinh tế và đánh giá tác động kinh tế xã hội. Do khuyết tật đa dạng và đặc thù, các chính sách đưa ra cần có sự tham gia tư vấn của các tổ chức người khuyết tật trong suốt quá trình thiết kế và thực thi để đảm bảo nhu cầu của người khuyết tật được đáp ứng đầy đủ. Hơn nữa, đây cũng là một sựhợp tác giữa chính quyền với các tổ chức người khuyết tật vì các tổ chức của người khuyết tật có thể làm đối tác cung cấp dịch vụ để giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực khi hỗ trợ người khuyết tật trong đại dịch này.

Ảnh minh hoạ.

2. Đảm bảo việc tiếp cận đối với tất cả các hàng hóa và dịch vụ, bao gồm các dịch vụ hỗ trợ dành riêng cho người khuyết tật, cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người khuyết tật

Trong tình huống chuỗi cung ứng bị phá vỡ, tình trạng thiếu các mặt hàng thiết yếu và thành phố, khu dân cư bị phong toả, người khuyết tật có thể không có đủ nguồn lực để có được nhu yếu phẩm hàng ngày như thực phẩm, đồ dùng vệ sinh và thuốc men cũng như chất khử trùng tay, khẩu trang… Do đó, các cơ chế, bao gồm các lựa chọn giao hàng tận nhà, nên được thiết lập để đảm bảo rằng người khuyết tật có nguồn cung cấp đầy đủ và liên tục các mặt hàng cần thiết này.

Chính quyền các cấp cũng cần đảm bảo: người khuyết tật tiếp tục tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ các nhân và phục hồi chức năng. Cần xây dựng các cơ chế để đảm bảo người khuyết tật tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo an sinh, cuộc sống dựa vào cộng đồng, sự độc lập và tự quyết của họ không bị xáo trộn khi những người chăm sóc/hỗ trợ cá nhân thường xuyên của họ bị cách ly, bị bệnh hoặc không thể tiếp tục cung cấp hỗ trợ trong giai đoạn này, đặc biệt đối với người khuyết tặt đặc biệt nặng, người tự kỷ và khuyết tật tuệ/tâm lý xã hội.

3. Cung cấp thông tin dưới dạng tiếp cận được cho tất cả mọi người, dễ truy cập và tôn trọng các đặc điểm của các nhóm dân cư, kể cả người khuyết tật

Để nâng cao tinh thần tự chủ và chủ động của người khuyết tật tự bảo vệ mình trước đại dịch, điều quan trọng là chính phủ cần phổ biến thông tin ở các dạng có thể tiếp cận được. Điều này bao gồm việc có ngôn ngữ ký hiệu và chú thích thời gian tại các cuộc họp báo và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; các tài liệu truyền thông công cộng ở dạng âm thanh, chữ nổi, và các định dạng dễ hiểu; việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số có thể truy cập; và việc tuân thủ các tiêu chuẩn tiếp cận đối với thông tin dựa trên các trang điện tử.

4. Các chính sách quy trình y tế, kiểm dịch có thể tiếp cận được và lồng ghép khuyết tật

Các cơ sở y tế được chỉ định, bao gồm các trung tâm kiểm tra và kiểm dịch, có thể tiếp cận được, để người khuyết tật tìm kiếm hỗ trợ y tế khi được yêu cầu. Việc cung cấp y tế cần có cả ngôn ngữ ký hiệu, bao gồm việc sử dụng các dịch vụ ngôn ngữ ký hiệu trực tiếp hoặc phiên dịch từ xa thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh và công nghệ video. Nếu cần, chính phủ nên phân bổ những người được đào tạo công tác xã hội/người hỗ trợ cá nhân để hỗ trợ nhu cầu của người khuyết tật trong kiểm dịch bên cạnh nhân viên y tế. Trong suốt quá trình, thái độ của các nhân viên y tế khi chăm sóc sức khỏe cần tôn trọng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật.

5. Bảo vệ an ninh thu nhập và sinh kế của người khuyết tật

Để người khuyết tật có thể tiếp tục làm việc trong khi giảm tiếp xúc xã hội nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, chính phủ nên khuyến khích người sử dụng lao động đưa ra các biện pháp chỗ ở hợp lý, như tăng cường sắp xếp làm việc linh hoạt và nghỉ có lương. Khi nhân viên khuyết tật làm việc tại nhà, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chủ sử dụng lao động, bao gồm các công cụ và tài liệu làm việc liên quan, nên được truy cập để nhân viên không gặp phải rào cản ảnh hưởng đến kết quả công việc. Chính phủ cũng nên xem xét các chính sách nhằm hạn chế việc sa thải nhân viên là người khuyết tật trong giai đoạn này.

Về mặt bảo trợ xã hội, cần đảm bảo rằng những người nhận trợ cấp khuyết tật tiếp tục nhận được hỗ trợ đúng hạn. Chính phủ cũng nên xem xét việc cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung, nếu cần, để giảm chi phí sinh hoạt cho người khuyết tật xuất phát từ tình trạng đại dịch, như chi phí giao nhận hàng tại nhà hoặc thuê người hỗ trợ cá nhân do dịch vụ công cộng bị hạn chế hoặc ngừng hoạt động.

Đỗ Thị Huyền

Hội Người khuyết tật TP Hà Nội

(Lược dịch)

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang