Lợi dụng dịch Corona, “hét giá” khẩu trang bị phạt nặng!

(ĐHVO). Giá khẩu trang y tế đang tăng chóng mặt từng giờ theo diễn biến của dịch virus Corona. Hành vi tăng giá bất hợp lý khẩu trang so với giá niêm yết có thể bị phạt nặng.


Cơ quan quản lý vào cuộc kiểm tra, giám sát (Ảnh: Sưu tầm)

Bắt buộc niêm yết công khai giá bán

Để nắm rõ hơn về quy định pháp luật về giá bán khẩu trang trong tình hình giá khẩu trang liên tục “leo thang”, Luật sư Đinh Thị Nguyên – Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp cho biết, theo khoản 1 Điều 11 Luật Giá 2012 các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo Điều 19 Luật Giá và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi năm 2014, khẩu trang y tế không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Do đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nghĩa vụ niêm yết giá theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết (điểm b khoản 5 Điều 12 Luật Giá).

Trong đó, niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách: “In, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.”

Như vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế phải niêm yết giá mua, bán bằng các hình thức in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì khẩu trang hoặc hình thức khác mà khách hàng có thể dễ dàng quan sát, nhận biết và không được mua, bán cao hơn giá này.

Giá một đằng, bán một nẻo – Phạt tới 10 triệu đồng

Khoản 3 Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định, giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 01 – 03 triệu đồng.

Đặc biệt, phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện (khoản 3 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP).

Ngoài ra, hành vi kinh doanh hàng nhái, hàng giả là khẩu trang y tế cũng sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP.

Xử lý nghiêm việc tăng giá bán khẩu trang bất hợp lý

Đây là nội dung đáng chú ý tại Công văn 149/TCQLTT-CNV về tăng cường phòng chống dịch nCoV được ban hành ngày 31/01/2020.

Theo đó, để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trang thiết bị y tế, khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế dùng cho việc phòng chống dịch nCoV, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo:

– Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi:

+ Lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe;

+ Xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh.

– Phải quan tâm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho cán bộ, công chức, người lao động của lực lượng QLTT trong thực thi công vụ, chống nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Tuy vậy, bên cạnh một số điểm hét giá bán khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn thì trên địa bàn đã có nhiều nhiều cá nhân, đơn vị, cửa hàng, tiệm thuốc Tây… tiến hành phát, tặng khẩu trang miễn phí cho người dân và du khách.

Nhằm chung tay phòng, chống dịch Corona phát tán, mọi người dân đặc biệt là các cơ sở kinh doanh khẩu trang cần có ý thức hơn. Trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Phạm Vân

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang