Linh hoạt giải pháp giảm nghèo

Từ năm 2022, chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội được nâng lên, nên cần thêm nguồn lực để hỗ trợ giảm nghèo. Tạo động lực, điểm tựa để người nghèo vươn lên, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai linh hoạt các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ quận Bắc Từ Liêm trao hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Còn nhiều khó khăn

Theo chuẩn nghèo mới của thành phố Hà Nội, áp dụng từ năm 2022, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có mức thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn và từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị. Như vậy, tiêu chí để xác định chuẩn nghèo mới của Hà Nội cao hơn nhiều so với giai đoạn trước và cao hơn chuẩn chung của cả nước.

Tính theo chuẩn mới, thời điểm đầu năm 2022, Hà Nội còn 3.612 hộ nghèo, bằng 0,16%; còn 30.176 hộ cận nghèo, bằng 1,38% tổng số hộ dân. So với chuẩn cũ, Hà Nội tăng hơn 2.700 hộ nghèo. “Chuẩn nghèo tăng, số lượng hộ nghèo, cận nghèo tăng, đòi hỏi nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo tăng lên. Đó là bài toán không dễ tìm lời giải cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác giảm nghèo”, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh.

Số hộ nghèo, cận nghèo hiện tập trung chủ yếu ở vùng xa trung tâm, vùng khó khăn, nên mục tiêu giảm nghèo bền vững càng khó thực hiện. Là địa phương còn nhiều hộ nghèo nhất thành phố với 619 hộ nghèo, gần 3.284 hộ cận nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, cách tốt nhất để giảm nghèo bền vững là đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, bảo đảm cho người dân có thu nhập đều đặn. Tuy nhiên, đa số hộ nghèo còn lại trên địa bàn huyện không đủ khả năng tự thoát nghèo. Giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho người dân cũng không dễ thực hiện, vì nhiều nơi thiếu đất canh tác và bản thân các hộ không có sinh kế làm điểm tựa vươn lên.

Tương tự, huyện Phúc Thọ còn hơn 527 hộ nghèo, 2.088 hộ cận nghèo; huyện Mỹ Đức còn 415 hộ nghèo và 1.941 hộ cận nghèo… Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Nghìn cho hay, do nguồn lực địa phương còn hạn chế nên việc hỗ trợ người nghèo vươn lên cần sự giúp sức của cộng đồng. Song, ở thời điểm này, việc huy động nguồn lực xã hội cũng không dễ thực hiện…

Người có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ưu đãi tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì.

Đa dạng các hình thức hỗ trợ

Kiên trì mục tiêu giảm nghèo bền vững, dù khó khăn, năm 2022, Hà Nội phấn đấu giảm ít nhất 723 hộ nghèo; tiếp tục giảm số hộ cận nghèo, hạn chế tối đa hộ nghèo phát sinh, không để tái nghèo. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố giao các sở, ngành, địa phương ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, hộ không có khả năng lao động, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao… Trên tinh thần đó, các cơ quan chức năng triển khai linh hoạt giải pháp giảm nghèo.

Ở khu vực xa trung tâm, các địa phương xây dựng kế hoạch giảm nghèo gắn liền với chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, các địa phương cần tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi, tự tạo việc làm… Được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng làm kinh tế, chị Đỗ Thị Mai Hương (thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn) chia sẻ: “Tôi dùng số vốn vay để chăn nuôi lợn, gà, tăng gia sản xuất… Chăm chỉ làm ăn, gia đình tôi dần có nguồn thu nhập đều đặn”.

Tại khu vực đô thị, cận đô thị, ngoài chính sách chung, các quận, huyện, thị xã duy trì, nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả. Chẳng hạn như mô hình “Tổ tương trợ” hỗ trợ hộ khó khăn ở quận Tây Hồ; mô hình “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo” ở quận Thanh Xuân… Đối với các hộ gặp khó khăn đột xuất, các đơn vị, địa phương chủ động huy động nguồn lực xã hội để kịp thời hỗ trợ.

Không để ai bị ở lại phía sau, từ năm 2022, các bên liên quan còn quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 của HĐND thành phố Hà Nội về “Quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ cho một số trường hợp đặc biệt để người dân có mức sống trên mức chuẩn nghèo; hỗ trợ hằng tháng mức 440.000 đồng/tháng cho người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân…

Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ, các giải pháp giảm nghèo đang được thành phố Hà Nội triển khai linh hoạt, đa dạng, bao phủ đến nhiều nhóm đối tượng, phù hợp đặc thù của từng khu vực, địa phương. Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) Lăng Văn Hà tin tưởng, thông qua việc ưu tiên giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2022, xã Ba Vì sẽ cơ bản không còn hộ nghèo (hiện nay còn 11 hộ nghèo), thu nhập của người dân tăng lên. Còn Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho rằng: “Khi tất cả các bên cùng vào cuộc, tôi tin người nghèo trên địa bàn thành phố tiếp tục có điểm tựa, động lực để vươn lên”.

Theo Báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

20

Nam Định: Nhân lên các lợi thế và chiến lược thu hút đầu tư FDI

123

Phê duyệt chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

pct

Nam Định: Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh đạt 100% phiếu tín nhiệm cao

av1

Thanh Hoá: Hà Trung tăng tốc về đích huyện nông thôn mới năm 2023

D30094

Nam Định: Khởi công dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và Nam Định

D18091

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò các chủ thể trong mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang