(ĐHVO). Ngày 15/04/2022, tại Melia Hà Nội, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) và Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/04 với chủ đề “Hòa nhập và Thích ứng – Định hình Tương lai” với sự tài trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sự chỉ đạo của Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) – Chủ dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”. Sự kiện hướng tới chào mừng Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/04.
Toàn cảnh Buổi Lễ
Tham dự sự kiện có TS. Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường; bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật; bà Lê Hà Vân – Trưởng bộ phận hỗ trợ người khuyết tật, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Trần Vũ Hoàng, Giám đốc Dự án, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng; bà Vũ Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện CBM tại Việt Nam; đại diện Trung tâm giáo dục đặc biệt quốc gia, phòng Phục hồi chức năng và Giám định; cùng các đại biểu đến từ các tổ chức phi chính phủ; các tổ chức, các câu lạc bộ của và vì người khuyết tật, các cơ quan thông tấn báo chí…. Sự kiện được tổ chức bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
NGND TS. Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội phát biểu diễn văn khai mạc Buổi lễ
Phát biểu khai mạc và diễn văn chào mừng Buổi Lễ, NGND, tiến sỹ Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết: Ngày 18/4 là ngày hội của NKT, nhiều tổ chức, tập thể, cá nhân đã hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần, góp phần thúc đẩy, đảm bảo hòa nhập bình đẳng, đầy đủ của người khuyết tật vào cộng đồng và xã hội. Năm nay, ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/04/2022) diễn ra trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo cả nước thực hiện các giải pháp để thích ứng với đại dịch Covid-19 nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Hưởng ứng tinh thần này, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã chọn chủ đề “Hòa nhập và Thích ứng – Định hình Tương lai” để các Hội địa phương phấn đấu. Đồng thời, Liên hiệp hội phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức lễ kỷ niệm ngày hôm nay của năm 2022. Hy vọng rằng, người khuyết tật Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh sự hỗ trợ từ cộng đồng và xã hội cũng cùng các nhà hảo tâm để người khuyết tật nào cũng được ấm lòng sau đại dịch. Từ đó, người khuyết tật cũng sẽ tích cực chủ động tham gia, tìm kiếm các giải pháp và xây dựng kế hoạch để thích ứng và hòa nhập với mọi sự thay đổi cho bản thân cũng tức là góp phần cùng xã hội. Cũng nhân sự kiện này, Chủ tịch Liên hiệp hội cũng gửi lời cảm ơn đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân, những nhà hảo tâm luôn đồng hành cùng người khuyết tật và gửi lời chúc tốt đẹp đến toàn thể người khuyết tật Việt Nam.
ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Naccet phát biểu tại Buổi Lễ
Đại diện cho Naccet chia sẻ tại buổi Lễ, ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường nhấn mạnh: trong những năm qua Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc với nhiều Chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động cụ thể, các chính sách trợ giúp….
Ông Hùng cũng cho biết thêm: Bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, trong thời gian qua, có nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng hết sức quan tâm và có nhiều hoạt động cụ thể để trợ giúp người khuyết tật Việt Nam. Đặc biệt là Chính phủ Hoa kỳ đã dành nhiều nguồn lực và những hoạt động tích cực, thể hiện trách nhiệm hàn gắn vết thương sau chiến tranh, trong đó Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” được triển khai tại 8 tỉnh: Quảng Nam, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Kom Tum, Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai là một minh chứng cho việc khép lại quá khứ, hướng đến tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Phó Tổng Giám đốc Naccet cũng chia sẻ thêm một số thông tin liên quan đến hoạt động của Dự án.
Thay mặt Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường, ông Trần Đức Hùng gửi lời chúc toàn thể cộng đồng người khuyết tật luôn mạnh mẽ, vượt qua nghịch cảnh và đạt được nhiều thành quả trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để mọi người tiếp tục quan tâm và đồng hành cùng người khuyết tật, với tình cảm, trách nhiệm, tình yêu thương, sự chia sẻ để cùng hòa nhập, thích ứng và xây dựng một tương lai tươi sáng, ấm áp hơn… – ông Hùng chia sẻ thêm.
Đại diện nhà tài trợ, Giám đốc USAID tại Việt Nam phát biểu tại Buổi Lễ
Đại diện cho USAID tại Việt Nam, bà Ann Marie Yastishork kêu gọi mọi người ngừng tập trung vào những khiếm khuyết mà tập trung vào người khuyết tật và khả năng của họ. USAID sẽ hỗ trợ để mọi thứ trở lên công bằng hơn và đảm bảo tiếng nói của nhóm yếu thế. USAID cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ để tăng cường năng lực cho các đối tác. Trong 30 năm hoạt động tại Việt Nam, USAID đã hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam với kinh phí lên đến hơn 160 triệu USD tập trung nhiều vào các hoạt động thiết yếu như giáo dục, nâng cao năng lực… cũng như đặt tính hòa nhập lên hàng đầu, giúp người khuyết tật tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội. Tính riêng năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng đã có hơn 16.000 người khuyết tật được hỗ trợ. Nhân sự kiện, bà Ann Marie Yastishork đã tôn vinh những người bạn, người khuyết tật và những đồng nghiệp đã luôn đồng hành trong suốt thời gian qua. Cuối cùng, đại diện nhà tài trợ nhấn mạnh, sự kiện đã nâng tầm quan trọng sự tham gia của NKT nhất là trong bối cảnh thích ứng để chung sống với đại dịch và gửi lời chúc tới người khuyết tật Việt Nam.
Có thể nói, đây là một trong những sự kiện quan trọng có ý nghĩa thiết thực, nhất là trong giai đoạn thế giới đã và đang thay đổi một cách nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tất cả đều đòi hỏi sự thích ứng cao của con người. Điều này dẫn đến một thách thức là những người yếu thế, trong đó có người khuyết tật không thể theo kịp xu hướng. Vì vậy, cộng đồng và xã hội cần định hình xây dựng một tương lai hòa nhập cho tất cả, trong đó bao gồm người khuyết tật, nhằm đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau” như các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã cam kết.
Và với chủ đề “Hòa nhập và Thích ứng – Định hình Tương lai” của Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 do Liên hiệp hội công bố, mong muốn đây sẽ là dịp để Chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, các tổ chức của người khuyết tật quan tâm hơn đến những hoạt động vì người khuyết tật. Từ đó khuyến khích sự tham gia của người khuyết tật vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm nâng cao chất lượng sống và đảm bảo sự hòa nhập – bình đẳng cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Viện ACDC trao giải thưởng cuộc thi sáng kiến “Hòa nhập và thích ứng với Covid-19”
Đặc biệt, tại buổi lễ diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi sáng kiến “Hòa nhập và thích ứng với Covid-19”. Cuộc thi đã được phát động từ ngày 03/12/2021 với mục đích tìm kiếm những sáng kiến, ý tưởng, những dự án sáng tạo với giải pháp tập trung vào các lĩnh vực: Giáo dục, y tế và giao thông tiếp cận để thúc đẩy hòa nhập và sự tham gia hiệu quả, bình đẳng của người khuyết tật trong cộng đồng. Kể từ khi phát động, chương trình đã nhận được nhiều hồ sơ sáng kiến gửi đến từ các tổ chức trên toàn quốc. Trải qua các vòng đánh giá minh bạch và công tâm, 9 giải thưởng sẽ được trao cho những sáng kiến ấn tượng, đột phá và khả thi nhất.
ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu bế mạc Buổi Lễ
Bế mạc chương trình, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của các đơn vị tài trợ, đơn vị đồng hành phối hợp tổ chức thành công sự kiện này. Thay mặt Liên hiệp hội, ông Thanh cũng gửi lời chúc tốt đẹp đến các đại biểu tham dự cũng như hơn 6,2 triệu người khuyết tật Việt Nam.
Tin tưởng rằng, với thành công của buổi Lễ sẽ góp phần không nhỏ trong việc từng bước thúc đẩy việc hiện thực hóa quyền của người khuyết tật cũng như sự hòa nhập bình đẳng và đẩy đủ của người khuyết tật vào xã hội.
Một số hình ảnh khác tại Buổi lễ:
Tuệ Lâm