(ĐHVO). Ngày 22/06/2022, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và Trung tâm Sống độc lập Hà Nội đã có buổi họp, trao đổi cùng Cục khám chữa bệnh Bộ Y tế.
Tham dự buổi họp có ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục khám chữ bệnh; ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Phục hồi chức năng và Giám định; bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Trưởng phòng Phục hồi chức năng và Giám định; ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội; chuyên gia, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội…
Khung cảnh buổi họp
Tại buổi làm việc, ông Đặng Văn Thanh cho biết: Thông qua những hoạt động giám sát việc thực thi Luật cùng đoàn giám sát của UBQG về người khuyết tật Việt Nam, UB các vấn đề xã hội của Quốc hội tại các bộ ngành và địa phương, nhận thấy Bộ Y tế là một trong các bộ ngành rất quan tâm đến việc thực thi chính sách đối với NKT. Nhất là trong các nội dung như quản lý ca, khám chữa bệnh ban đầu, phát hiện sớm can thiệp sớm, phục hồi chức năng… Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định như thiếu ngôn ngữ trong khám chữa bệnh đối với người khiếm thính; vấn đề dụng cụ trợ giúp, tiếp cận cơ sở y tế…
Cũng tại buổi trao đổi, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng chia sẻ những nội dung góp ý liên quan đến Luật Khám chữa bệnh sửa đổi đã có văn bản gửi Bộ Y tế trước đây để Cục Khám chữa bệnh có thêm thông tin, tham khảo và nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật. Ông Thanh cho biết thêm, nội dung buổi họp, trao đổi với Cục khám chữ bệnh cũng nhằm mục đích có thêm tài liệu, tư liệu để bổ sung vào báo cáo độc lập CRPD mà Liên hiệp hội đang thực hiện.
Đại diện cho Trung tâm Sống độc lập Hà Nội, Bà Nguyễn Hồng Hà cũng trao đổi thêm thực trạng một số khó khăn khi đi khám chữa bệnh như: Một số trung tâm, bệnh viện đa khoa chưa đảm bảo tiếp cận để NKT khám chữa bệnh, một số nơi phải chuyển từ khám BHYT sang khám theo yêu cầu để đảm bảo tiếp cận tại tầng 1; NKT gặp nhiều khó khăn trong đợt dịch Covid-19 khi nhiều NKT chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời; cần có phác đồ điều trị hậu Covid-19; chưa có dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà đối với NKT; NKT nhẹ chưa được hỗ trợ cấp thẻ BHYT…
Bà Nguyễn Hồng Hà trao đổi công việc tại buổi họp
Trên cơ sở những khó khăn và thực trạng nêu ra, đại diện Liên hiệp hội và Trung tâm Sống độc lập cũng đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến sửa đổi Luật Khám chữa bệnh và các vấn đề liên quan đến y tế của người khuyết tật. Đặc biệt nhấn mạnh đến các nội dung: Cần có kênh tư vấn trực tuyến về sức khỏe, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà cho NKT nhất là NKT nặng và đặc biệt nặng là việc rất bức thiệt; có giải pháp về ngôn ngữ đối với nhóm đối tượng khiếm thính (vừa là bệnh nhân, vừa là thân nhân bệnh nhân, người chăm sóc); cần đảm bảo tiếp cận đối với NKT tại các Trung tâm y tế, các công trình bệnh viện đã cũ chưa được cải tạo….
Đại diện cho Cục khám chữa bệnh, ông Cao Hưng Thái và ông Trần Ngọc Nghị tiếp thu đồng thời giải đáp một số vấn đề Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và Trung tâm Sống độc lập nêu ra như: Những khuyến nghị của Liên hiệp hội và Trung tâm Sống độc lập thì Bộ đã, đang và sẽ nghiên cứu và thúc đẩy triển khai; chia sẻ một số nội dung sửa đổi trong Luật Khám chữa bệnh; chia sẻ và cung cấp kênh thông tin về phác đồ điều trị hậu Covid-19 để NKT có thể tiếp cận và thực hiện việc hỗ trợ điều trị… Cùng với đó, đại diện Cục khám chữa bệnh cũng chia sẻ một số nội dung và hướng giải pháp trong thời gian tới như: Giao Phòng PHCN nghiên cứu, những vấn đề nào giao đơn vị nào thì cần báo cáo Bộ để chỉ đạo; Nghiên cứu phân chia cụ thể hơn mức độ khuyết tật; cần có thêm chế tài để đảm bảo việc thực hiện vì hiện nay nhiều nội dung mới chỉ dừng lại ở khuyến khích; đã có chiến lược đào tạo sau này là đề án để nâng cao chuyên môn cho y bác sỹ trong việc điều trị; sẽ xây dựng tài liệu hướng dẫn cho NKT khi đi khám và cho cán bộ y tế sẽ hỗ trợ… Trong đó, đại diện Cục nhấn mạnh hơn về việc đề nghị tăng cường sự tham gia của các tổ chức hội NKT trong các sự kiện cũng như Liên hiệp hội về người khuyêt tật Việt Nam có thể trực tiếp đăng ký làm việc với Bộ Y tế; nghiên cứu chương trình phối giữa Bộ Y tế và Liên hiệp hội về chia sẻ thông tin và phổ biến rộng rãi…
Tin tưởng rằng, với các vấn đề đã được trao đổi tại buổi họp giữa Cục Khám chữa bệnh và Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cùng Trung tâm Sống Độc lập Hà Nội, các vấn đề liên quan đến y tế của NKT nhất là trong việc khám chữa bệnh sẽ ngày được quan tâm nhiều hơn, NKT sẽ được tiếp cận và thụ hưởng nhiều hơn các chính sách như mong muốn của Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam khi chia sẻ một trong số lý do tại buổi trao đổi.
PV