Ngày 21/7/2021, với sự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế cho Hệ thống bầu cử (IFES), Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập Hà Nội tổ chức buổi họp báo nhằm chia sẻ thông tin và kết quả buổi Hội thảo “Chia sẻ thông tin về việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Asean 2025 với mục tiêu lồng ghép quyền của người khuyết tật” ngày 13/7/2021. Buổi họp báo cũng là cơ hội để giới truyền thông gặp gỡ với đại diện Việt Nam tại ASEAN và các tổ chức của người khuyết tật và cập nhật việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 trong điều kiện của Việt Nam.
Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập Hà Nội chủ trì buổi họp báo trực tuyến
Phát biểu khai mạc buổi họp báo, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội chia sẻ: ngày 13/7/2021, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cùng Trung tâm Sống độc lập Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ thông tin về việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Asean 2025 với mục tiêu lồng ghép quyền của người khuyết tật” với sự tham dự của đại diện các bộ ban ngành như Bộ LĐTB&XH, Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Quốc hội… và đại diện các tổ chức của và vì người khuyết tật, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ. Ông Thanh cũng cho biết nội dung thảo luận tại buổi Hội thảo tập chung vào các nội dung tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật, một số nội dung trong kế hoạch tổng thể, các vấn đề liên quan đến quyền của người khuyết tật, hòa nhập và tiếp cận đối với người khuyết tật…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng cung cấp thêm các dữ liệu liên quan đến chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật; các kế hoạch, chương trình trợ giúp đối với người khuyết tật; một số kết quả đã đạt được từ việc thực hiện Công ước, chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật. Ông Đặng Văn Thanh khẳng định, trong những năm qua, người khuyết tật luôn nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước được thể hiện bằng hệ thống chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật; quyền của người khuyết tật từng bước được hiện thực hóa; khả năng tiếp cận của người khuyết tật trên mọi mặt của đời sống xã hội đã được cải thiện; người khuyết tật tự tin hơn để hòa nhập… từ đó đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật đã được cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên quá trình thực hiện chính sách pháp luật đối với người khuyết tật vẫn còn một số hạn chế. Do vậy, Ông Thanh mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan truyền thông đặc biệt là cơ quan thông tấn báo chí, những phóng viên, biên tập viên quan tâm nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về người khuyết tật. Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam tin tưởng rằng nếu được các cơ quan khi được truyền thông nhiều hơn, sâu rộng hơn, nhận thức của cộng đồng xã hội và người khuyết tật sẽ được nâng cao; người khuyết tật được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ hơn và việc thực hiện chính sách pháp luật sẽ hiệu quả hơn nhất là Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, cũng như Kế hoạch Tổng thế Asean 2025 và các chương trình trợ giúp người khuyết tật của Chính phủ.
Bà Hà Thị Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Bộ LĐTB&XH, Đại diện Hội nghị Quan chức cấp cao Asean về Phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD) chia sẻ tại buổi họp báo
Đại diện Hội nghị Quan chức cấp cao Asean về Phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD), bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Bộ LĐTB&XH đã cung cấp cho buổi họp báo tựu đạt được trong việc hỗ rợ NKT có liên quan đến những hành động ưu tiên trong Kế hoạch Tổng thể. Bên cạnh đó, bà Đức cũng chia sẻ một số chính sách và chương trình liên quan đến hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật.
Thay mặt Ban Tổ chức, ông Đặng Văn Thanh và bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập cũng đã giải đáp một số câu hỏi phỏng vấn của các phóng viên liên quan đến vấn đề việc làm, dạy nghề đối với người khuyết tật và cung cấp thêm một số nội dung liên quan đến y tế, giáo dục, tư pháp đối với người khuyết tật.
Chia sẻ bên lề họp báo về các dự định, kế hoach trong thời gian sắp thời liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể Asean 2025 lồng ghép quyền của người khuyết tật, bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập Hà Nội cho biết: “Trong thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập Hà Nội, với sự hỗ trợ tích cực từ IFES, vẫn sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam tiếp tục triển khai các nội dung liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật, đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Kế hoạch Tổng thể đã đề ra, cũng là mục tiêu của các chương trình hành động của chính phủ Việt Nam để hiện thực hoá quyền của NKT, để không ai bị bỏ lại phía sau.”
Thông tin chung về Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật: Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật đã được các nguyên thủ quốc gia ASEAN ký thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 15/11/2018 và được Ủy ban liên quốc gia ASEAN về Nhân quyền (AICHR) chính thức công bố ngày 03/12/2018, tại Bangkok, Thái Lan. Việc xây dựng Kế hoạch này có sự đóng góp của các Chính phủ, tổ chức của người khuyết tật và các bên liên quan khác thông qua các cuộc tham vấn khu vực của Nhóm công tác với Diễn đàn Người khuyết tật ASEAN (ADF), Trung tâm Phát triển Người khuyết Tật Châu Á-Thái Bình Dương (APCD) và các chuyên gia về quyền của người khuyết tật. Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật hướng tới việc bổ sung và cụ thể hóa Tầm nhìn tới 2025, lồng ghép quyền của người khuyết tật trên cả 3 trụ cột An ninh – Chính trị, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội của Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy sự cam kết của các quốc gia thành viên hướng tới một cộng đồng hòa nhập. Kế hoạch tổng thể về lồng ghép các quyền của người khuyết tật tuân thủ các nguyên tắc chung của Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật (CRPD), một công cụ về nhân quyền chung cho tất cả các Quốc gia thành viên ASEAN, cụ thể là: a. Tôn trọng phẩm giá vốn có, quyền tự chủ cá nhân bao gồm quyền tự do tự mình lựa chọn cũng như quyền độc lập của con người; b. Không phân biệt đối xử; c. Tham gia và hòa nhập toàn diện và hiệu quả trong xã hội; d. Tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận người khuyết tật như một phần của sự đa dạng và tính nhân văn của con người; e. Bình đẳng về cơ hội; f. Khả năng tiếp cận; g. Bình đẳng giữa nam giới và nữ giới; h. Tôn trọng khả năng phát triển của trẻ em khuyết tật và tôn trọng quyền giữ gìn bản sắc của trẻ em khuyết tật. Kế hoạch tổng thể bao gồm 76 điểm hành động ưu tiên, đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật vào đời sống chính trị cũng như trong quá trình xây dựng chính sách của nhà nước; thúc đẩy và bảo vệ quyền của người khuyết tật, các quyền tự do cơ bản và công bằng xã hội để đảm bảo họ sống có phẩm giá, trong hòa bình, hòa hợp và thịnh vượng. Cùng với Chiến lược Incheon, bản Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của NKT là “công cụ” hữu ích để thúc đẩy việc thực hiện Công ước Quốc tế về quyền của NKT (CRPD) ở các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Kế hoạch cũng quy định rõ vai trò của các bên liên quan trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về việc lồng ghép quyền của người khuyết tật. |
Hải Phong