(ĐHVO). Nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy tiếp cận giáo dục và chăm sóc y tế đối với trẻ em gái, trẻ em khuyết tật tại 2 tỉnh Hòa Bình và Nghệ An” của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam do Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (JIFF) tài trợ, ngày 23/4/2021, tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức buổi Hội thảo chia sẻ những kết quả từ khảo sát theo nghiên cứu về những rào cản về tiếp cận giáo dục, y tế đối với trẻ em gái và trẻ em khuyết tật được thực hiện tại một số huyện tại địa bàn tỉnh Nghệ An và Hòa Bình với sự tham dự của gần 100 sinh viên ngành công tác xã hội từ năm nhất đến năm ba đang theo học tại Học viện Phụ nữ.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến chính sách đối với trẻ em gái và trẻ em khuyết tật như Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Trẻ em, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, luật người khuyết tật… Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đánh giá cao về vai trò, tầm quan trọng của ngành công tác xã hội đặc biệt là trong các hoạt động liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương mà cụ thể ở đây là nhóm trẻ em gái và trẻ em khuyết tật. Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng mong muốn thông qua Hội thảo, các sinh viên ngành công tác xã hội sẽ có thêm những góc nhìn, thông tin thực tế liên quan đến nhóm đối tượng này cũng như qua thảo luận sẽ có những ý kiến góp ý cho bản báo cáo để Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam hoàn thiện báo cáo và gửi các cơ quan chức năng.
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Như Trang đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ kết quả khảo sát
Đại diện cho nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Như Trang và Tiến sỹ Nguyễn Trung Hải đã chia sẻ một số kết quả chính của nhóm nghiên cứu như: Vấn đề bất bình đẳng giới đã được thu hẹp, việc đầu tư cho trẻ em gái đã được quan tâm nhiều hơn, mức độ tiếp cận y tế và giáo dục đối với trẻ em gái và trẻ khuyết tật đã có nhiều cải thiện đáng kể… Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những rào cản đối với hai nhóm đối tượng này trong việc tiếp cận y tế và giáo dục như: định kiến xã hội về trẻ em khuyết tật, trẻ em gái; vẫn còn sự phân biệt giữ trẻ em gái và trẻ em trai khi cần phải có sự lựa chọn nên dành sự đầu tư cho ai; cơ sở vật chất, khả năng tiếp cận về giao thông, công trình công cộng còn nhiều hạn chế; năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ ở các trung tâm y tế còn thấp; giáo viên cũng chưa được đào tạo chuyên môn hay chưa được hưởng các chế độ khi dạy trẻ khuyết tật; nhận thức của gia đình và xã hội trong việc tiếp cận giáo dục và y tế của trẻ em gái và trẻ khuyết tật…
Tiến sỹ Nguyễn Trung Hải đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ kết quả khảo sát
Để làm rõ hơn các vấn đề báo cáo chỉ ra, Hội thảo đã cùng nhau thảo luận 3 nội dung: 1. Những khuyến nghị giải pháp nâng cao năng lực nhân viên CTXH tronh lĩnh vực trợ giúp NKT; 2. Những giải pháp tăng nguồn lực, cơ sở dịch vụ trợ giúp NKT; 3. Những khuyến nghị giải pháp chính sách, cơ chế đảm bảo cơ hội tiếp cận quyền của trẻ em gái và trẻ khuyết tật. Qua đó, đã đưa ra được một số giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến nhóm đối tượng này cùng các phương pháp truyền thông thù hợp; đào tạo cũng như nâng cao chất lượng, năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên, sinh viên ngành công tác xã hội; Tổ chức nhiều hoạt động thực tế đối với sinh viên ngành công tác xã hội; vận động nguồn lực xã hội bên cạnh nguồn lực từ Nhà nước; đảm bảo năng lực cho cán bộ thực hiện công tác đối với nhóm đối tượng đặc thù; bổ sung, hoàn thiện dịch vụ phù hợp đối với các nhóm đối tượng này; tăng cường lực lượng nhân viên chuyên trách cũng như có chế độ phù hợp; đảm bảo cơ sở vật chất, hạ tầng; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan cũng như đảm bảo cơ chế thực hiện chính sách….
Toàn cảnh Hội thảo
Tin tưởng rằng, với những vấn đề được các bạn sinh viên ngành Công tác xã hội Học viện Phụ nữ nêu ra tại Hội thảo đã được nhóm nghiên cứu tháo gỡ cùng những ý kiến trao đổi thảo luận với ba nội dung chính, Liên hiệp hội về người khuyết tật có thể tham khảo bổ sung vào báo cáo trước khi hoàn thiện gửi các cho quan chức năng. Đồng thời, bằng những kiến thức thực tế, kết quả khảo sát cụ thể mục tiêu hướng tới sự điều chỉnh về tài liệu, phương pháp giảng dạy để đào tạo ra những nhà thực hành CTXH trong tương lai hiệu quả trong làm việc với trẻ em gái và trẻ em khuyết tật, góp phần đưa ra đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy cơ hội tiếp cận y tế và giáo dục cho trẻ em gái và trẻ em khuyết tật.
Huy Văn