Lắng nghe dân để lựa chọn người tài, đức

Bằng tình cảm, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước, đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ, mong muốn lớn nhất ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ tài, đủ đức tiếp tục đảm đương vai trò lãnh đạo đất nước, đáp ứng kịp thời trước những thách thức đặt ra. Do đó, trong công tác cán bộ phải biết lắng nghe dân để lựa chọn người tài, đức.

Nhân sự trẻ nhưng đều được đào tạo, trưởng thành

– Đến nay, Đảng bộ thành phố Hà Nội và các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 theo Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Đồng chí cho biết đánh giá của mình về kết quả này?

– Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: Tác động tiêu cực của dịch Covid-19; nhiều tỉnh, thành phố phải hứng chịu thiên tai, bão lũ chưa từng có; tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp… Mặc dù vậy, Trung ương vẫn quyết tâm chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp đúng tiến độ như các kỳ đại hội trước đây.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, có lúc nhiều người băn khoăn, không biết liệu chúng ta có tổ chức đại hội đúng thời gian, đúng tiến độ nhiệm kỳ hay không. Đến giờ này đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là 67/67 đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các đại hội nhìn chung đã đạt được cả hai yêu cầu xây dựng văn kiện và công tác bầu cử.

Với Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Báo cáo chính trị được xây dựng với chất lượng tốt nhất; đã tranh thủ ý kiến đóng góp rộng rãi của các cấp, các cơ quan của thành phố và Trung ương. Có thể nói tất cả các kênh của thành phố đều được xin ý kiến.

Công tác nhân sự cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Mặc dù trước đại hội nhân sự lãnh đạo chủ chốt có biến động, nhưng không làm ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị. Một điểm rất đáng chú ý là đội ngũ cán bộ được bầu vào các cơ quan lãnh đạo đảng bộ các cấp có sự thay đổi khá lớn, nhất là cấp thành phố, từ Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND thành phố đến Ban Thường vụ Thành ủy có nhiều nhân sự mới, trẻ hơn, nhưng đều là cán bộ có kinh nghiệm nhờ đã làm việc, công tác nhiều năm ở Hà Nội, có khả năng nắm bắt, xử lý những vấn đề đặt ra.

Kết quả đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã thành công tốt đẹp. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện nghị quyết sao cho hiệu quả.

– Là thế hệ cán bộ lãnh đạo đi trước, đồng chí mong muốn, kỳ vọng như thế nào với đội ngũ cán bộ trẻ vừa được bầu vào cấp ủy các cấp vừa qua?

– Tôi luôn chia sẻ với những khó khăn, thách thức của bối cảnh, tình hình mới, song luôn mong và đặt niềm tin lớp cán bộ sau phải hơn những người đi trước. Đội ngũ cán bộ trẻ hiện nay được đào tạo tốt. Nói là trẻ, nhưng đồng chí nào cũng có nhiều năm công tác, cống hiến; đều có năng lực. Nay là lúc các đồng chí được thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và sự gương mẫu. Hơn lúc nào hết, tình hình ngày càng đòi hỏi cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo phải có ý thức rèn luyện, tránh xa mọi cám dỗ, tác động hằng ngày, hằng giờ. Cần phải giữ vững bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức từ trong công tác đến đời sống sinh hoạt, khắc phục tư tưởng chọn việc, lựa việc có lợi cho bản thân mới làm, không có lợi thì không làm.

Người dân hiểu biết về cán bộ rất sâu, rất kỹ

– Không còn lâu nữa Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) sẽ diễn ra, đồng chí có mong muốn và góp ý gì với Trung ương về công tác cán bộ, nhất là những mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ về lĩnh vực này trong giai đoạn mới?

– Đối với Đại hội XIII của Đảng, cá nhân tôi cũng như mọi người đều mong đại hội sẽ bầu ra được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ tầm cao trí tuệ, có năng lực nắm bắt tình hình, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán; vừa kế thừa được những thành quả hiện tại, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế để đưa đất nước tiến lên, đạt được những thành tựu mới.

Không phải chúng ta tự khen mà trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam trong mọi giai đoạn đều được khẳng định trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và được thế giới thừa nhận. Thực tế diễn ra  gần đây trong việc chống dịch Covid-19 và phòng, chống thiên tai, bão lũ cũng đang chứng minh điều đó. Việt Nam là một dân tộc kiên cường, đoàn kết, thông minh, càng trong khó khăn, càng làm bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp hiếm có. Người có tài, có đức trong Đảng, trong dân lúc nào cũng có. Cho nên mọi người đều trông mong đại hội sẽ bầu chọn ra được những đồng chí tiêu biểu, xứng đáng nhất vào cơ quan lãnh đạo để đảm đương những vị trí chủ chốt.

Trong công tác cán bộ, chúng ta thường nói nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn người, nhưng xét cho cùng thì mỗi cán bộ xứng đáng được chọn cần phải có hai phẩm chất cơ bản là đức và tài.

Tài là khả năng nắm bắt xử lý tình hình; là năng lực tổ chức thực hiện; đức là một lòng vì dân, vì nước, toàn tâm toàn ý vì mục tiêu lý tưởng của Đảng và nhân dân. Việc gì có lợi cho dân thì ra sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.

Trong quá trình chuẩn bị công tác cán bộ, ngoài quy trình đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ, tôi cho rằng, phải rất quan tâm lắng nghe dư luận nhân dân. Trong xã hội cởi mở, dân chủ như hiện nay, người dân hiểu biết về cán bộ rất sâu, rất kỹ. Do đó, nếu phát huy dân chủ, tin tưởng, tạo cơ hội cho người dân tham gia nhiều hơn nữa trong nhận xét, đánh giá cán bộ thì công tác cán bộ của Đảng sẽ ngày càng hoàn thiện. Thay vì chỉ giao cho các cơ quan chuyên trách làm công tác tổ chức, cán bộ, nay cần có thêm kênh đánh giá, nhận xét của nhân dân.

– Về lâu dài, phải làm gì để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), xây dựng thành công đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, thưa đồng chí?

– Để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có rất nhiều việc phải làm: Đào tạo, bồi dưỡng, giao việc, thử thách… Để có được những cán bộ ưu tú ở cấp chiến lược phải coi trọng công tác cán bộ từ bên dưới, từ cơ sở. Nghĩa là phải “xây nhà từ móng”, phải từ cấp xã, phường, quận, huyện từng bước mà đi lên. Đại hội bên dưới có chọn lựa được người tốt thì đại hội cấp trên mới chọn được người tốt, đại hội toàn quốc mới chọn được người tài, đức, giỏi nhất của đất nước.

Các cấp ủy Đảng phải đặc biệt chú trọng khâu sàng lọc cán bộ, phải chọn đúng người, phân công đúng việc; hạn chế chọn sai, vừa bố trí xong lại phải thi hành kỷ luật. Trong quá trình chuẩn bị đại hội các cấp, việc một số đồng chí nằm trong dự kiến quy hoạch nhưng bầu không trúng cũng cần được phân tích, đánh giá thật cụ thể. Có trường hợp do không hiểu cán bộ hoặc do mất đoàn kết nội bộ, nhưng cũng có trường hợp việc chuẩn bị chưa tốt. Đại biểu dự đại hội sáng suốt không chọn người đó lại là việc tốt. Do đó như nói ở trên, cấp ủy Đảng phải lắng nghe dư luận nhân dân đánh giá về cán bộ để chọn được người tài, đức, vì tai mắt nhân dân rất tinh tường.

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang