Làm từ thiện – dễ hay khó?

(ĐHVO). Có lẽ chưa bao giờ chủ đề “Từ thiện” lại xuất hiện nhiều trong cuộc sống của chúng ta như thời điểm hiện tại. Từ các cuộc họp của Quốc hội, Chính phủ, các trang báo chí, phương tiện truyền thông cho đến câu chuyện “làm quà” của những bác hàng xóm. Đi đâu người ta cũng nói về anh này đi làm từ thiện, chị kia cứu giúp đồng bào chịu ảnh hưởng của lũ lụt miền trung, rồi câu chuyện yêu cầu công khai sao kê tài khoản ngân hàng,… Cứ như thế, tất cả vội vã, sục sôi, không ngừng bàn tán, chỉ để làm rõ “Thế nào là từ thiện đúng cách?”

Từ thiện là hoạt động trợ giúp những đối tượng là người yếu thế trong xã hội như người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo,… thông qua các hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm nhằm mục đích cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe,… Nhà nước luôn khuyến khích người dân chung tay góp sức, đồng lòng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách” và tất yếu xã hội, cộng đồng đề cao ý nghĩa các hoạt động từ thiện. Đó cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt trước bạn bè quốc tế.

Làm từ thiện - Khó hay dễ

(Nguồn ảnh: internet)

Khi nghệ sĩ làm từ thiện

Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng nhất định đến công chúng, nhất là trong thời đại công nghệ số như hiện nay với sự phát triển của truyền thông thì tiếng tăm của các nghệ sĩ được nhiều người biết đến là điều tất yếu. Chính từ sức lan tỏa, kết nối cộng cồng của nghệ sĩ khiến các hoạt động kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho người yếu thế dấy lên sự thương cảm, chia sẻ ngọt bùi của đông đảo các nhà hảo tâm nên sẵn sàng đồng lòng và ủng hộ cho hoạt động làm từ thiện của nghệ sĩ. Chính vì thế, thông qua các nghệ sĩ, việc kêu gọi quyên góp từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người cần giúp đỡ sẽ được thực hiện nhanh chóng, có sức ảnh hưởng lớn đến đông đảo người dân, đặc biệt là những người yêu mến, tin tưởng nghệ sĩ. Họ không chỉ tin tưởng vào danh tiếng của các nghệ sĩ, mà họ còn tin tưởng vào cái tâm của nghệ sĩ mà mình gửi quà từ thiện. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển nên mỗi một hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ đều được cập nhật lên mạng xã hội, các mạnh thường quân có thể nhìn thấy những giá trị mà mình ủng hộ đang được đưa đến giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà mình muốn gửi gắm.

Tuy nhiên, ranh giới giữa niềm tin và sự thất vọng cũng rất mong manh. Khi một người chuyển tiền, quà cho một người khác đi làm từ thiện, thứ họ trao đi không chỉ là vật chất mà còn là niềm tin đối với người làm từ thiện và khi niềm tin này mất đi, điều còn lại chắc chắn là sự thất vọng. Đó là câu chuyện khi có những nghệ sĩ đã chưa thực hiện đúng lời hứa của mình với công chúng, với những người đã ủng hộ mình. Có những người khi đã nhận sự ủy thác của các mạnh thường quân nhưng lại chậm trễ trong việc triển khai các hoạt động từ thiện kịp thời, cũng có người chưa thực hiện tốt việc công khai trước công chúng các con số, tài liệu chứng minh mình nhận được bao nhiêu tiền ủng hộ và số tiền này đã được sự dụng như thế nào,… Hàng loạt nghi vấn được đặt ra, niềm tin của công chúng với những nghệ sĩ này dần bị lung lay, và khi đó, một trào lưu mà tác giả tạm gọi là “làn sóng sao kê” bùng nổ. Công chúng bắt đầu yêu cầu các nghệ sĩ phải công khai sao kê tài khoản ngân hàng nhận tiền từ thiện để thể hiện rõ việc nhận được bao nhiêu tiền, cũng như số tiền đó đã được giải ngân đúng lúc, đúng chỗ hay chưa. Tuy việc sao kê ngân hàng chưa đủ để chứng minh được việc một nghệ sĩ đã thực hiện tốt vai trò là người kêu gọi từ thiện hay chưa, nhưng nó cũng phần nào thể hiện sự công khai, minh bạch của người nghệ sĩ, phần nào trả lời câu hỏi mà công chúng đặt ra.

Đi cùng với câu chuyện này, nhiều người lo ngại các nghệ sĩ sẽ có tâm lý e ngại, thậm chí không muốn tiếp tục làm từ thiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan. Khi các nghệ sĩ kêu gọi ủng hộ để thực hiện từ thiện, nghệ sĩ dựa trên niềm tin của khán giả dành cho mình, tất cả đều mong muốn giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, cần sự trợ giúp của cộng đồng. Và việc nghệ sĩ công khai, minh bạch đối với hoạt động từ thiện của mình không chỉ đáp lại sự tin tưởng của mạnh thường quân, khán giả mà còn củng cố hình ảnh của người nghệ sĩ trong mắt công chúng. Có thể nhiều nghệ sĩ thực hiện từ thiện với vai trò cá nhân nên còn để xảy ra một vài sai sót, hoạt động chưa được chuyên nghiệp, nhưng trên tất cả, nếu mọi việc xuất phát từ cái tâm của người làm từ thiện và lòng trung thực của một người “nhận ủy thác từ mạnh thường quân” thì nghệ sĩ sẽ dần thực hiện tốt hơn vai trò của mình. Những yêu cầu, góp ý của công chúng cũng chỉ để các nghệ sĩ khắc phục những thiếu sót của mình, từ đó hoạt động từ thiện được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản hơn. Vì vậy, không cần phải lo ngại vấn đề các nghệ sĩ sẽ có tâm lý e ngại, không muốn tiếp tục làm từ thiện.

Làm từ thiện, câu chuyện không của riêng ai

Truyền thống dân tộc lá lành đùm lá rách, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế từ lâu vẫn luôn được duy trì và phát triển. Các hoạt động từ thiện, kêu gọi từ thiện để giúp đỡ những đối tượng này là việc làm cần tôn vinh và giữ gìn, góp phần nâng cao giá trị nhân văn.

Đảng và Nhà nước luôn đề cao, chú trọng trong công tác an sinh xã hội, ban hành các văn bản, chính sách nhân đạo, tạo điều kiện giúp đỡ người yếu thế hòa nhập cộng đồng cũng như đảm bảo bình đẳng quyền và lợi ích trong xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì các chính sách an sinh xã hội một lần nữa được nhân rộng, trợ giúp kịp thời cho người dân trong hoàn cảnh hết sức khó khăn này.

Các cá nhân, tổ chức làm tự thực hiện hoạt đông từ thiện, kêu gọi từ thiện để giúp đỡ các đối tượng người yếu thế cũng là một cách để giảm bớt gánh nặng cho nhà nước khi thực hiện chức năng này. Tuy nhiên, các hoạt động từ thiện của cá nhân, tổ chức hiện nay còn mang tính tự phát, chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, ràng buộc nên việc phát sinh những hành vi sai trái, biến tướng, về lâu về dài sẽ tạo ra sự vô tâm, vô cảm trong xã hội.

Cần ban hành các quy định pháp luật đối với hoạt động từ thiện

Trước mắt, cần sửa đổi Nghị định 64/2008/NÐ-CP ngày 14/5/2008 về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Các quy định cần được sửa theo hướng chặt chẽ hơn, để vừa huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia từ thiện; vừa bảo đảm việc quản lý, giám sát các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các quy định cũng cần xây dựng quy chế quản lý rõ ràng, minh bạch tránh việc lợi dụng vận động quyên góp, cứu trợ để trục lợi, đánh bóng tên tuổi hay thực hiện các mục đích khác gây mất an toàn, an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ngày 25-12-2020, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 64 trên Cổng thông tin của Bộ để thu thập ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Theo thông tin từ Ban soạn thảo Bộ Tài chính thì hiện Ban soạn thảo đang tiếp thu và chỉnh lý dự thảo.

Dù một số hoạt động từ thiện có dấu hiệu biến tướng, sai trái, đáng lên án nhưng mỗi người trong chúng ta có quyền tin tưởng rằng, các hoạt động từ thiện sẽ ngày một được lan tỏa, đến khi nào vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn, cần sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng, đến khi đó vẫn còn những trái tim “sục sôi”, những tấm lòng trắc ẩn tham gia giúp đỡ. Quản lý hoạt động từ thiện không chỉ là câu chuyện của nhà nước, đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Mọi người làm từ thiện cần làm từ cái tâm, để từ thiện được lan tỏa, mở rộng nhưng vẫn không mất đi giá trị ban đầu là “làm việc tốt từ lòng yêu thương”.

Nguyễn Khương

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang