(ĐHVO). Theo thống kê của Tổng cục Thống kê đầu năm 2019, tính đến năm 2016 Việt Nam có khoảng 6.2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên trong đó có trên 60% NKT trong độ tuổi lao động. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, người khuyết tật càng gặp nhiều khó khăn hơn trong vấn đề việc làm và tìm kiếm việc làm. Kymviet – một doanh nghiệp xã hội đặc biệt do người khuyết tật làm chủ, qua các sản phẩm từ chính đôi tay của những người khuyết tật, mang lại giá trị lớn lao cho cộng đồng, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Từ đôi tay đến khát vọng cống hiến
Thành lập từ 2013, Kymviet là một doanh nghiệp xã hội kinh doanh và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ do những người khuyết tật sáng lập để tạo việc làm cho người khuyết tật. Không khỏi ngỡ ngàng khi biết Kymviet được xây dựng nên từ hai bàn tay của người khuyết tật Phạm Việt Hoài, hiện tại đang là Giám đốc Kinh doanh của Kymviet. Không may mắn bị dạng khuyết tật vận động lúc 7 tuổi, nhưng với nỗ lực vươn lên bằng kinh nghiệm kinh doanh tích lũy từ trước đó, ông Phạm Việt Hoài đã tự tin đưa sản phẩm của người khuyết tật ra thương trường.
Trải qua nhiều khó khăn ban đầu, từ 3 cho đến có tới 30 nhân viên với 3 cơ sở, Kymviet đã trở thành cái tên được nhiều người biết đến thông qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được thiết kế khéo léo, công phu và đẹp mắt. Nhìn vào những sản phẩm, nhận ra được nghị lực sống, những năng lượng sống tích cực của con người nơi đây qua từng sản phẩm.
Kymviet là ngôi nhà chung gắn bó con người tràn đầy nghị lực sống. Tạo hóa đã lấy đi của họ giọng nói, tai nghe, nhưng họ vẫn có thể sẻ chia yêu thương bằng ngôn ngữ ký hiệu. Số phận đã mang đến cho họ sự khiếm khuyết về cơ thể nhưng lại bù đắp cho họ những khiêm khuyết về tâm hồn. Đúng như tên gọi “Kym” trong từ “Kim khâu”, “Việt trong tên Tổ quốc – Việt Nam. Kymviet mang trong mình những khát khao bình dị, là ước vọng mang niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt vươn mình ra thế giới. Cho dù có muôn vàn khó khăn nhưng sự nỗ lực, quyết tâm từ những người luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của con người Việt Nam, người khuyết tật luôn khẳng định họ đang có một sức sống mãnh liệt và luôn tự hào là con người Việt Nam.
Trong quá trình 9 năm phát triển, Kymviet đã đồng hành, hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần cho người khuyết tật. Kymviet đã chung tay cùng xã hội để tạo dựng hệ sinh thái bền vững, hòa nhập và phát triển vì cộng đồng người khuyết tật và người yếu thế.
Ông Phạm Việt Hoài (bên phải)- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kymviet
Nhìn vào doanh nghiệp, nhiều người luôn suy nghĩ doanh nghiệp là sự gắn kết cộng đồng xã hội, sự gắn kết này được xem là trách nhiệm xã hội của họ. Với Kymviet, vai trò và trách nhiệm với cộng đồng xã hội của họ thật bình dị mà cao quý- gắn liền với ước mơ và sự phát triển của người khuyết tật. Ông Phạm Việt Hoài- chủ tịch Hội đồng Quản trị Kymviet cho biết: “Thấu hiểu khó khăn của người khuyết tật, chúng tôi có mong muốn đem lại cho người khuyết tật cơ hội việc làm, có mức lương ổn định, giúp những người khuyết tật có cuộc sống đầy đủ, tốt hơn. Những người khuyết tật trong công ty khi được đưa vào quy trình cụ thể, họ đã biến sự khiếm khuyết thành hoàn hảo, sống như những gì vốn có, để khẳng định bản thân mình.”. Trải qua nhiều khó khăn, mạnh dạn chọn lối đi riêng mang ý nghĩa nhân văn cao cả, ông Hoài cho biết người khuyết tật dù ở dạng khuyết tật nào, nhưng vô hình chung trong họ luôn có áp lực và suy nghĩ rằng mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội, cho dù gia đình, người thân của họ luôn yêu thương, bao bọc. “Nhưng ở Kymviet, những người khuyết tật vẫn ngày ngày đang thầm lặng cống hiến cho xã hội. Hãy nhìn người khuyết tật theo góc độ khác.” Ông Hoài xúc động nói.
Bằng sự nhạy cảm, khéo léo, tài hoa, những người khuyết tật ở đây đã đưa những giá trị nhân văn và văn hóa vào chính sản phẩm. Họ đã học được cách vượt qua gian khổ, vượt lên chính mình. Mỗi mẫu thủ công là những mảng màu họa tiết mang đậm nét tâm hồn Việt, mỗi con thú dễ thương ẩn chứa những tình cảm, nỗi niềm, tin yêu mà không dễ cất lên thành lời.
Những sản phẩm công phu được làm từ đôi bàn tay của những người khuyết tật ở Kymviet
Với khát vọng cống hiến, Kymviet đã đưa những sản phẩm chinh phục trong nước và quốc tế với nhiều giải thưởng. Trong 2 năm liên tiếp (2015 & 2016) Kymviet được nhận nhiều Giải thưởng về các mẫu sản phẩm thiết kế thủ công mỹ nghệ; Giải thưởng doanh nghiệp xã hội có yếu tố hòa nhập cao 2016 do Hội đồng Anh trao tặng; Giấy chứng nhận hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích 2017-2018. Đặc biệt, sản phẩm Kymviet cũng đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn làm quà tặng cho các đối tác quốc tế.
Không dừng lại ở đó, Kymviet còn kết hợp giữa giáo dục và thực tiễn xã hội. Đây cũng là điểm đến mang lại không gian, cầu nối liên kết, giáo dục trải nghiệm cho các bạn trẻ. Chương trình “Giáo dục trải nghiệm-Tay trong tay-Gắn kết cộng đồng” mang ý nghĩa, giúp học sinh trải nghiệm và hiểu hơn về cuộc sống, công việc của người khuyết tật, được chia sẻ trải nghiệm những tình huống khó khăn của người khuyết tật; Hay “Kymviet chơi” cùng là chương trình độc đáo được xây dựng bởi Kymviet cùng các chuyên gia giáo dục uy tín, dành cho đối tượng học sinh. Tích hợp kiến thức xã hội, kỹ năng mềm, kết nối cộng đồng và trải nghiệm thực tế, các chương trình trải nghiệm đã bồi đắp lòng nhân hậu, ý thức sẻ chia và tinh thần cộng cảm của thế hệ trẻ.
Từ xưởng sản xuất đến giá trị sản phẩm-tự tay người khuyết tật dày công làm ra chứ không phải gia công. Đến trải nghiệm và sử dụng sản phẩm, ai cũng sẽ cảm nhận được chất lượng dịch vụ để yêu thích sản phẩm, mà không phải là sự cảm thông hay thương hại. Dường như, đằng sau điều đó là sự hi sinh, “dấn thân” rất lớn của những con người ở đây. Làm việc và gắn bó lâu năm với người khuyết tật, anh Kiều Tuấn – phụ trách chuỗi hệ sinh thái Kymviet cho biết: “Từ xưởng sản xuất, Kymviet đã tạo ra không gian làm việc và môi trường hòa đồng với người khuyết tật. Kymviet là mô hình tiên phong của người khuyết tật và vì người khuyết tật. Kymviet không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm, mà chứa đựng cả văn hóa Việt trong đó. Chúng tôi đào tạo trực tiếp người khuyết tật, giúp họ làm ra sản phẩm và sản phẩm đó mang nhiều giá trị, trong đó nâng cao đời sống của chính họ. Phải có sự thấu hiểu về người khuyết tật mới có thể kiến tạo một môi trường làm việc hệ sinh thái khép kín. Quy trình khép kín đó đã khiến cho những người khuyết tật ở đây tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc. Họ rất muốn gắn bó với nơi này.”
Thay đổi nhận thức của cộng đồng
Ngày 1/11/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Năm 2020, Thủ tướng chính phủ cũng ban hành quyết định 1190 về chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2021 đến 2030, trong đó có nội dung nâng cao hiệu quả các các phong trào chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật; tăng cường quan hệ phối hợp trong các hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
Không nằm ngoài tinh thần đó, Kymviet đã góp phần thay đổi nhận thức xã hội, chung tay dỡ bỏ rào cản, tạo cho người khuyết tật tâm thế tự tin, vượt qua mặc cảm. Những sản phẩm được làm ra và bày bán từ đôi bàn tay khéo léo của những người khuyết tật Kymviet đã đi xa hơn, mang ý nghĩa quảng bá giá trị văn hóa dân tộc trong và ngoài nước.
Gần đây nhất, Kymviet tham gia dự án nhằm tăng cường sức chống chịu và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và giới của COVID-19 đối với các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái (ISEE-COVID) do Liên Hợp Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức. Trước tình hình phức tạp của Covid-19, điều này tiếp tục khẳng định sự trợ giúp của Kymviet cho nhiều người khuyết tật hơn nữa, giảm gánh nặng của họ cho gia đình và xã hội.
Những người lao động tại xưởng sản xuất Kym Việt là những người khuyết tật vận động, điếc, thiểu năng … là những người bị thiệt thòi trong cuộc sống. Trong đại dịch, một số người khuyết tật ở đây vẫn là trụ cột gia đình. Tuy nhiên, họ đã vượt qua mọi khó khăn và làm nên những sản phẩm chất lượng, tinh tế, mang tâm tư, tình cảm của họ tới khách hàng. Quan sát cách họ làm việc, lặng nhìn nụ cười của họ, lại càng thêm trân quý họ và trân trọng mỗi món quà mang trong nó sự sáng tạo tinh tế, đậm sắc màu văn hóa Việt Nam. Đó là sự công phu của nghệ thuật thủ công và sự nhiệt tâm của những người khuyết tật nơi đây.
Các sản phẩm của Kymviet là các câu chuyện được kể bởi đôi bàn tay và khoảng không gian tĩnh lặng của các cô gái điếc, những người khuyết tật muốn sống ý nghĩa cho đời. “Chúng tôi mong muốn cùng sự chung tay của xã hội để tạo dựng hệ sinh thái bền vững, hòa nhập và phát triển vì cộng đồng người khuyết tật và người yếu thế. Chào đón Nhâm Dần 2022, Kymviet đã hoàn thiện được sản phẩm mới – Hổ Cường Trí – được lấy cảm hứng từ hình tượng con Hổ trong tranh dân gian, trong hình tượng linh vật Việt và họa tiết trang trí truyền thống, kết hợp hình khối cách điệu khỏe khoắn và hiện đại. “Cường” chỉ sự mạnh mẽ, có sức lực, cứng cỏi, kiên cường không dễ bị khuất phục trước bất cứ một việc nào khó khăn. “Trí” là trí tuệ, thông minh, giỏi giang, tài trí. Sản phẩm mang thông điệp có sức khỏe có trí tuệ chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, thử thách và vực dậy sau đại dịch.” Nhà thiết kế Nguyễn Viết Dũng – Thành viên Hội đồng Quản trị Kymviet chia sẻ.
Nhà thiết kế Nguyễn Viết Dũng bên sản phẩm Hổ Cường Trí – Đạt giải Nhì cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2021
Kymviet Space (Không gian kết nối) – là nơi trưng bày hệ thống các sản phẩm thủ công của Kymviet, kết nối người khuyết tật và cộng đồng. Với giá trị cốt lõi, Sáng tạo – Chất lượng – Nhân văn – Hợp tác – Văn hoá, đồ thủ công Kymviet không đơn thuần chỉ là sản phẩm, mà còn là giải pháp nhân văn khi giúp xóa đi mặc cảm của người khuyết tật trong cộng đồng, tạo cầu nối và môi trường để người khuyết tật chủ động vươn lên, bình đẳng, hoà nhập với cộng đồng. Được biết, trong thời gian tới, Kymviet có định hướng nhân rộng mô hình phát triển tại Đà nẵng và TP. Hồ Chí Minh, mở trung tâm đào tạo nghề và việc làm cho người khuyết tật,…
Kymviet – doanh nghiệp xã hội đang vượt qua khó khăn hiện tại để phát triển chính từ các sản phẩm và dịch vụ của mình, luôn đồng hành và hướng tới các hoạt động của người khuyết tật, đặc biệt trong và sau đại dịch Covid 19. Kymviet đã góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy công ước Liên Hợp Quốc về Người Khuyết tật, nâng cao quyền của người khuyết tật trong các hoạt động kinh doanh, vì mục tiêu phát triển bền vững./
Xuân Phương