Kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2020)

Ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định chính thức lấy ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó, ngày 20-11 hàng năm đã trở thành ngày hội của các thầy cô giáo, là ngày để toàn xã hội tôn vinh sự học, tôn vinh những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

1. Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học và “Tôn sư trọng đạo”, người Thầy luôn được xã hội kính trọng, tôn vinh. Trong xã hội xưa, thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo trở thành người có đức, có nhân, có tài để đứng ra giúp nước. Trong ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội xưa “Quân – Sư – Phụ” thì người thầy chỉ đứng sau vua, người được xã hội, nhân dân đặc biệt coi trọng và tôn vinh, là người mà nhân dân gửi gắm niềm tin để giúp con em họ học hành thành tài. Có nhiều câu tục ngữ, ca dao xưa mang ý nghĩa răn dạy con người về vai trò của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Trọng thầy mới được làm thầy”…

Nói tới vị trí xã hội và vai trò người thầy giáo, Nguyễn Trãi đã viết: “Người thầy giáo không những dạy chữ mà còn dạy đạo lý làm người”. Đó là đào luyện tâm hồn, đào tạo lớp lớp thế hệ trẻ, lớp sau kế tiếp lớp trước bước vào đời, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng nói về vấn đề này, Tago – nhà hiền triết và thi hào của Ấn Độ viết: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy giáo thì được một thế hệ”. Có lẽ câu nói này đúng với mọi dân tộc, mọi quốc gia và mọi thời đại.

Nhà giáo được vinh danh là kĩ sư tâm hồn, nghề giáo được đánh giá là “Nghề cao quí nhất trong tất cả các nghề cao quí.”

Ca ngợi nghề giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế – văn hoá”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo.

Lịch sử dân tộc đã lưu danh những bậc thầy “đức cao vọng trọng” – tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và được lưu truyền mãi mãi. Các thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc,… đều là những tấm gương tiêu biểu về nhân cách sáng ngời của người thầy mẫu mực, tài giỏi, ngay thẳng, cương trực, không màng danh lợi. Nhà giáo Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Ngọc Ký,… và biết bao tấm gương người thầy đã trở thành thần tượng, làm rung động triệu triệu trái tim, khối óc các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài nước.

Lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã từng dạy học ở trường Dục Thanh – Phan Thiết. Dù thời gian thầy Thành dạy học ở đây rất ngắn nhưng đã khai sáng tâm hồn học trò về đạo lý, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc qua mỗi bài giảng. Người cũng chính là người thầy đầu tiên truyền lý tưởng cộng sản, con đường cứu nước giải phóng dân tộc theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đến các thanh niên Việt Nam tại Quảng Châu – Trung Quốc. Các thế hệ học trò của thầy không những cùng thầy sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người thầy – Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kỳ vọng, tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam, vì vậy, trong lễ khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ công học tập của các cháu”.

2. Ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra quyết định chính thức lấy ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó, ngày 20-11 hàng năm đã trở thành ngày hội của các thầy cô giáo, là ngày để toàn xã hội tôn vinh sự học, tôn vinh những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Đây cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ tình cảm kính trọng, lòng tri ân sâu sắc đối với các thầy cô – những người lái đò thầm lặng trên dòng sông tri thức. Cũng là dịp để toàn xã hội thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với những người làm công tác giáo dục, ghi nhận những cống hiến, đóng góp của ngành giáo dục trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bồi dưỡng thế hệ trẻ, góp phần lớn lao vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo. Sự tôn vinh người thầy không chỉ nói lên truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo”, “ăn quả nhớ người trồng cây” từ ngàn đời nay của người Việt Nam mà còn thể hiện niềm tin, lòng mong mỏi của toàn xã hội đối với thầy, cô giáo.

Cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, trong đó vị trí người thầy được coi là nhân vật trung tâm của quốc sách ấy. Vì vậy, vị trí, vai trò, trọng trách của người thầy đối với nền giáo dục nước nhà càng hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sứ mệnh của người thầy hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hoá, lịch sử ngàn năm của dân tộc. “Sản phẩm” của người thầy tạo nên cũng chính là “vũ khí” bách chiến, bách thắng – nhân tố trọng yếu, cơ bản để bảo đảm an ninh, chính trị quốc gia trong quá trình hội nhập.

Chính vì thế, đòi hỏi mỗi người giáo viên không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trau dồi đạo đức, tri thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nghề, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sứ mệnh “trồng người” mà Đảng và nhân dân giao phó. Bài học về những nét đẹp của truyền thống nhà giáo Việt Nam đã luôn luôn giúp cho các thế hệ nhà giáo tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cao cả mà từ ngàn xưa luôn được nhân dân ta tôn vinh, kính trọng.

Sự tri ân của xã hội với những người theo nghiệp làm “người chèo đò đưa khách qua sông!”, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” là nét đẹp văn hoá truyền thống ngàn đời của dân tộc ta, góp phần bồi đắp và tô đậm truyền thống văn hóa “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới.

3. Đội ngũ giảng viên Học việncó bề dày lịch sử hơn 70 năm cống hiến và trưởng thành. Từ nhiều vị trí, lĩnh vực và địa bàn công tác khác nhau, từ thế hệ giảng viên này, đến thế hệ giảng viên khác đã hội tụ về mái trường của Đảng với một quyết tâm chung là thực hiện thắng lợi công tác đào tạo cán bộ và nghiên cứu lý luận phục vụ sự nghiệp cách mạng nước nhà. Các thầy giáo, cô giáo trường Đảng đã để lại nhiều tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, tác phong và trí tuệ. Rất nhiều đồng chí đã gắn bó suốt cuộc đời với trang sách và bục giảng lý luận. Nhiều đồng chí đã trở lại tham gia chỉ đạo thực tiễn; một số đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; một số đồng chí khác trở thành các nhà khoa học đầu ngành; cũng có những đồng chí được Trung ương tín nhiệm luân chuyển về lãnh đạo địa phương, ban, ngành… Dù ở cương vị công tác nào, tất cả đều đậm nét một sắc thái chung: đó là tư chất của người cán bộ, giảng viên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đây chính là cội nguồn của sức mạnh đoàn kết, thống nhất làm nên những thành tích vẻ vang của Học viện trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Sự đoàn kết, thống nhất đó nhất định sẽ là động lực thúc đẩy đội ngũ giáo sư, giảng viên và toàn thể cán bộ công chức Học viện tiếp tục phấn đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mãi mãi xứng đáng với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là dịp để thầy, cô giáo cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Học viện ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam và vinh danh các nhà giáo; đồng thời khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tốt, nghiên cứu tốt, quản lý, phục vụ tốt,… góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Học viện./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử

Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang