(ĐHVO). Ngày 02/12/2022, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thuộc Dự án chung của Liên hợp quốc “Làm việc cùng nhau vì một tương lai hòa nhập” đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12/1992-3/12/2022) và Hội thảo “Vai trò và đóng góp của người khuyết tật trong các Mục tiêu Phát triển bền vững”.
Tham dự buổi Lễ có ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD&ĐT; bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ LĐTB&XH; ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội Văn phòng Quốc hội; bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP); bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện quỹ Dân số liên hợp quốc (UNFPA); bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); bà Ola Abualghaib, Giám đốc Ban Thư ký Kỹ thuật Quỹ Ủy thác đa Tài trợ Hợp tác thúc đẩy Quyền của người khuyết tật giữa các tổ chức của Liên hợp quốc; bà Đặng Thanh Huyền, Trưởng phòng phát triển, Đại sứ quán Anh; cùng đại diện các bộ ngành như bộ Y tế, bộ GD&ĐT, bộ GTVT và đại diện các tổ chức người khuyết tật, tổ chức quốc tế, phi chính phủ…
NGND. TS Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc buổi Lễ Kỷ niệm
Phát biểu khai mạc buổi Lễ Kỷ niệm, NGND. TS Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết: Từ năm 1992, ngày 3-12 hàng năm được Đại hội Liên hợp quốc chính thức lấy làm Ngày Quốc tế Người khuyết tật, với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề người khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật. Hoạt động của ngày Quốc tế Người khuyết tật bao gồm 3 nội dung chính: Một là xây dựng và nâng cao nhận thức của chính người NKT nhằm xoá bỏ rào cản, sự tự ti và tính vô hình của họ trong xã hội của chúng ta; Hai là nâng cao thấu hiểu và bảo đảm thực thi, sự quan tâm cơ bản cho NKT; Ba là mỗi nước tự hoàn thiện đạo luật của quốc gia mình nhằm thúc đẩy điều kiện thiết yếu của NKT hoà nhập vào cuộc sống xã hội.
Cũng theo bà Mai, qua 2 năm đại dịch Covid-19, NKT có nguy cơ trở thành những đối tượng của tổn thương kép. Ngày Quốc tế Người khuyết tật là cơ hội quan trọng, với tinh thần mọi người vì mọi người, tạo cơ hội để có nhiều hoạt động nhân ái, thấu hiểu hơn với những thách thức mà NKT đang phải đối mặt.
Và nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12/1992 – 3/12/2022, Liên hiệp hội hy vọng rằng để NKT Việt Nam được sống hạnh phúc, bình đẳng, ngoài sự nỗ lực của Liên hiệp hội cùng tất cả các tổ chức của người khuyết tật trên mọi miền đất nước, rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ban ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp cùng toàn thể cộng đồng xã hội tiếp tục đồng hành và quan tâm hơn nữa vì hạnh phúc của NKT.
Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng kêu gọi “Đổi mới vì một thế giới bình đẳng và hoà nhập cho người khuyết tật” dựa theo thông điệp của Quốc tế về Ngày Quốc tế người khuyết tật năm nay….
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại buổi Lễ
Đại diện cho Liên hợp quốc tại Việt Nam, Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú nhấn mạnh: Chủ đề của năm nay tập trung vào những đổi mới, sáng tạo và những bài học thực tiễn để giảm bớt sự bất bình đẳng mà người khuyết tật phải đối mặt, vì một sự phát triển toàn diện, công bằng và bền vững được nêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Theo bà Pauline Tamesis Chương trình nghị sự 2030 cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau” là một kế hoạch hành động đầy tham vọng của cộng đồng quốc tế hướng tới một thế giới hòa bình và thịnh vượng, nơi phẩm giá của mỗi cá nhân và sự bình đẳng giữa tất cả mọi người được coi là nguyên tắc cơ bản. Để đạt được điều đó, chúng ta cần đảm bảo sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của xã hội và tạo ra môi trường thuận lợi bởi, cho và vì người khuyết tật.
Năm nay cũng đánh dấu năm thứ tám kể từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người khuyết tật. Điều phối viên thường trú của LHQ đánh giá cao Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong nỗ lực thúc đẩy quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật. Theo Báo cáo quốc gia mới được trình lên Ủy ban về quyền của người khuyết tật của Liên hợp quốc, trong thập kỷ qua Việt Nam đã nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận của người khuyết tật. Ví dụ, nhiều tòa nhà và phương tiện giao thông công cộng đã được trang bị các phương tiện tiếp cận để đảm bảo sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người. – Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc cho biết thêm.
Bà Tamesis cũng nhận định: Điều này không thể đạt được nếu không có sự cam kết và quyết tâm của chính phủ, cũng như sự tận tâm của các tổ chức đại diện cho người khuyết tật – đó là Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (VFD) và các tổ chức của và vì người khuyết tật, các viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội, và các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông cũng như các đối tác khu vực tư nhân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức.
Cuối cùng đại diện Liên hợp quốc khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc sát cánh cùng cộng đồng người khuyết tật để phá vỡ các rào cản, vượt qua các định kiến và xây dựng một thế giới dễ tiếp cận, hòa nhập và bền vững cho tất cả mọi người. Đại diện UNDP tin tưởng rằng những chia sẻ và thảo luận ngày hôm nay sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa các hành động hợp tác giữa các bên liên quan nhằm tạo ra một xã hội hòa nhập, dễ tiếp cận và không phân biệt đối xử hơn cho người khuyết tật tại Việt Nam, nhằm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đại diện các nhóm trình bày tại Hội thảo
Đại diện tổ chức UNFPA trao các giải của cuộc thi ảnh
Tiếp nối hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế người khuyết tật, Chương trình đã tổ chức Lễ Trao giải cuộc thi ảnh Cuộc thi Kể chuyện bằng ảnh “Hãy cùng tôi khám phá những mô hình tiếp”; và Hội thảo “Vai trò và đóng góp của người khuyết tật trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững” nhằm giúp chúng ta nhận diện rõ hơn về những vai trò và đóng góp của NKT trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Từ đó, đánh giá và khuyến khích NKT tham gia và có nhiều đóng góp nhiều hơn nữa trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Bởi thực tế, NKT Việt Nam đã và đang thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình đồng thời tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước cũng như là một chủ thể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua các kế hoạch, chương trình, hành động quốc gia và các hoạt động thường nhật.
Tin tưởng rằng, với Hội thảo và việc lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật sẽ đóng góp thúc đẩy các hành động hợp tác của các bên liên quan hướng tới một xã hội hòa nhập hơn, dễ tiếp cận hơn và không phân biệt đối xử cho người khuyết tật Việt Nam.
Tuệ Lâm
Ngày 10/05/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong đó nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (SDGs) được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2015. Kế hoạch hành động này thể hiện nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu cũng như Công ước quốc tế về quyền của NKT của Việt Nam. Hội thảo “Vai trò và đóng góp của người khuyết tật trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững” tập trung vào thảo luận trong 5 mục tiêu chính: 1. Mục tiêu 3: Sức khỏe và có cuộc sống tốt; 2. Mục tiêu 4: Giáo dục có chất lượng, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ khuyết tật; 3. Mục tiêu 5: Bình đẳng giới; 4. Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng, đặc biệt cho trẻ em và phụ nữ khuyết tật và 5. Mục tiêu 16: Hòa bình, Công lý và Các thể chế mạnh mẽ. |