Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020): Những ngày “ông Ké” ở Pác Bó.

(DHVO). Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân về nước, sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành độc lập cho dân tộc. Những ngày ở Pác Bó, người dân nơi đây thường gọi Người bằng cái tên thân mật là “ông Ké”, tiếng Tày nghĩa là có nghĩa là cụ già.


Lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) – nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8.)

Pác Bó theo tiếng bản địa có nghĩa là “cội nguồn”. Nơi đây được coi là cội nguồn cách mạng Việt Nam bởi địa danh này gắn liền với một giai đoạn lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng nước ta những năm 1941-1945, thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, qua cột mốc số 108 biên giới Việt – Trung, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Cùng về nước với Bác còn có đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Đặng Văn Cáp và Thế An.

Nơi Bác đặt chân đầu tiên khi trở về là Pác Bó. Ngày đầu tiên, đồng chí Lê Quảng Ba đưa ông Ké (theo tiếng địa phương, “ông Ké” có nghĩa là cụ già, một cách gọi thân thiện của người dân Pác Bó dành cho Bác) về nghỉ tại nhà ông Lý Quốc Súng, dân tộc Nùng. Nhà của ông Súng có hai gian cũ và làm thêm một gian mới để đón khách, chủ nhà đã thu xếp chỗ ăn ở và làm việc cho đoàn cán bộ.  Nhưng do trong đoàn có nhiều người, Bác lo sẽ làm phiền gia đình ông Súng, nên Bác bảo đồng chí Lê Quảng Ba thu xếp chỗ ở khác cho tiện.

Sáng sớm hôm sau ông Lý dẫn ông Ké và mấy anh em cán bộ lên hang Pác Bó. Trước cảnh đẹp nơi đây, Bác khẽ ngâm nhẹ bài thơ vừa sáng tác:

“Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê – Nin, kia núi Mác

Hai tay gây dựng một sơn hà”.

Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều chủ trương và quyết sách quan trọng cho Cách mạng tháng Tám năm 1945. Chính nơi này, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (từ 10-5 đến 19-5-1941), qua đó xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, biên soạn các tài liệu cách mạng, tổ chức các lớp tập huấn chính trị, quân sự, sáng lập báo “Việt Nam độc lập” – cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh, thành lập đội du kích Pác Bó.

Bác đã mở nhiều lớp đào tạo huấn luyện cán bộ, gắn hoạt động cách mạng với thực tiễn tại cơ sở, tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh, các Hội cứu quốc do 43 cán bộ đã được huấn luyện làm chủ chốt, mở rộng tổ chức ra các xã, châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình và hoạt động rất có kết quả.

Trong những năm tháng đất nước còn nhiều gian khó, sống dưới ách áp bức của thực dân phong kiến, nhưng người dân Cao Bằng đã giác ngộ và đi theo cách mạng. Tại Pác Bó, ông Ké tự mình sắp xếp nơi nằm nghỉ, chỗ nấu cơm, nơi câu cá lúc nhàn rỗi, kê bàn đá mộc mạc tự nhiên để dịch lịch sử cách mạng Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng… Ngày ngày, người dân Pác Bó vẫn trông thấy có một ông Ké mặc bộ quần áo chàm, quần sắn cao, ung dung tự tại ngồi câu cá, ngâm thơ.

“Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Từ Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã đi nhiều nơi ở Cao Bằng, nhiều lần sang Trung Quốc bắt liên lạc với các lực lượng cách mạng Việt Nam và Đồng minh. Trong chuyến đi Trung Quốc ngày 13-8-1942, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép đến ngày 10-9-1943 mới được trả tự do. Cuối tháng 9-1944, Người trở về Pác Bó tiếp tục chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Đầu tháng 12-1944, tại Nà Sác, Người đã ra chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Ngày 4-5-1945, Người rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 20-2-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại Pác Bó sau 20 năm xa cách.

Ngày 21-2-1975, Khu Di tích lịch sử Pác Bó được Nhà nước công nhận là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Chính phủ cũng đã ký quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng khu di tích gắn với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Hiện nay, Pác Bó, còn lưu lại những dấu tích rất có giá trị về lịch sử như: Cột mốc số 108, nơi Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân lên đất Mẹ sau 30 năm bôn ba nước ngoài; nền ngôi nhà ông Lý Quốc Súng, nơi Bác ở từ 28-01đến 07-02-1941; hang Pác Bó – nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc để lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

Trong hang Cốc Bó, trên vách đá vẫn còn nguyên nét chữ tự tay Bác Hồ khắc để ghi dấu những ngày đến ở và làm việc tại đây: “Ngày 8 tháng 2 năm 1941”. Trong hang còn lưu giữ bốn tấm phản ghép lại với nhau để Bác nằm nghỉ.

Ngay phía trên hang Cốc Bó là một khối nhũ thạch lớn được Bác đặt tên là tượng Các Mác. Bên dưới là dòng suối quanh năm trong xanh được Bác đặt tên là suối Lê-nin.

Đi dọc những sườn đá rêu phong bên chân núi Các Mác, trên bờ suối Lê-nin, ngày nay, con cháu của Người vẫn hình dung ra hình ảnh ông Ké, hệt như một ông tiên giáng trần, trầm ngâm ngồi đó, hoặc câu cá, hoặc chăm chú bên chiếc bàn đá chông chênh dịch sử Đảng…

Cách cửa hang Cốc Bó khoảng 1 cây số, có một lán nhỏ bên sườn núi Khuổi Nậm. Nơi đây Bác đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Mặt trận Việt Minh và Chiến khu cách mạng.

Tại nhà trưng bày ở Khu Di tích Pác Bó, du khách còn được tận mắt tham quan chiếc máy chữ, chiếc làn mây cũ, đôi dép cao su… mà Bác đã dùng. Tất cả những kỷ vật tưởng chừng rất đỗi bình dị này song rất thiêng liêng đối với mỗi người dân đất Việt, bởi nó gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác, người đã làm nên những trang sử vĩ đại cho dân tộc Việt Nam.

Cao Thâm (Tổng hợp)

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang