(ĐHVO). Nhìn lại toàn cảnh kinh tế Việt nam quý 1-2023 lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp đóng cửa vượt số lượng đăng ký mới, các ngành sản xuất đều suy giảm mạnh, xuất khẩu giảm… chi ngân sách chi thường xuyên 72%, trả nợ lãi 8%, chi phát triển chỉ còn 20%. Tăng trưởng GDP là 3.32% khá thấp so với mức 7.78% năm 2018, khách du lịch quốc tế rất ít. Đáng chú ý là 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân đầu tư công: Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ KHCN…chỉ có 2 Bộ và 15 tỉnh có tỷ lệ giải ngân trên 15%, còn lại các tỉnh khác tỷ lệ thấp, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng tăng trưởng chưa tới 1%, giải ngân đầu tư công 2%, nền kinh tế đối mặt với nguy cơ cao thụt lùi mất đà tăng trưởng.
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Mặc dù năm 2023 Đầu tư công được xem là Động lực tăng trưởng chính của Quốc gia, tổng vốn được bố trí là 711 ngàn tỷ đồng, phấn đấu phải giải ngân trên 95%, vậy nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải ngân đầu tư công là gì? Qua biểu hiện của các thành phố, sở, ngành thì báo chí đã nêu nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân được nói đến nhiều là sự trì trệ của bộ máy hành chính, cụ thể là cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm. Một trong những nguyên nhân là chống tham nhũng của nước ta : làm cho cán bộ sợ “không dám tham nhũng” đi trước việc làm cho họ “không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng”, tức là cơ chế đãi ngộ chưa cải thiện bao nhiêu nhưng cơ chế xử lý hình sự răn đe rất nghiêm khắc, mặt khác do nhiều chồng chéo giữa các luật nên áp dụng luật này năm nay đúng nhưng sang năm có thể sai, và luật hồi tố cũng gây hoang mang.
Sáng kiến đột phá gặp rủi ro được miễn kỷ luật: Ngày 28/3/2023, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo lấy ý kiến 21 tỉnh, thành phố phía Nam về dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Nghị định này nhằm thể chế hóa chủ trương tại Kết luận 14 của Bộ Chính trị nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ có ý tưởng mới mà chưa có quy định hoặc có nhưng không phù hợp với thực tiễn. Bộ Nội vụ đề xuất người có sáng kiến đột phá nhưng không đạt, chỉ đạt một phần mục tiêu hoặc gặp rủi ro được xem xét miễn kỷ luật.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đưa ra giải pháp rất thực tiễn như sau:
Thứ nhất: Chấm dứt cán bộ không làm cũng chẳng sao. Cần có chế tài với cán bộ không dám làm vì làm nhiều sẽ sai nhiều có khi làm quân ( nhân viên) cả đời, còn không làm gì không sai được thăng chức.
Thứ hai: Có chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, nếu mục tiêu của sự đổi mới là lợi ích của xã hội, của người dân, của địa phương, đất nước thì không áp dụng chế tài.
Thứ ba: Công tác cán bộ cần chọn theo thành tích. Ví dụ người đứng đầu tỉnh làm tỉnh phát triển top đầu thì sẽ đưa lên Trung ương, địa phương khó khăn được cán bộ luân chuyển về tìm cách phát triển lên hàng đầu thì thăng chức cao hơn.
Sau khi bộ phim “Sinh tử” công chiếu ra công chúng thì sự nghi ngại cũng bao trùm cả các tỉnh do bộ phim đề cập đến việc hồi tố điều tra cổ phần hóa, điều tra các dự án của tỉnh mà không có nhiều yếu tố pháp lý sai cụ thể ra sao, phim không có luật sư và các yếu tố về vi phạm pháp luật mơ hồ?
Nên chăng cần có luật bất hồi tố những doanh nghiệp đã được cổ phần hóa, nếu hồi tố thì công cuộc cổ phần hóa sẽ dậm chân tại chỗ do cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm.
Phim “Sinh tử” xây dựng nhân vật Ông Bí thư tỉnh Việt Thanh quá hoàn hảo, vui vẻ với mức lương đang có, có cuộc sống đạm bạc, hình mẫu không có trong thực tiễn, đất nước ta phát triển được như ngày hôm nay thì cũng là do nhiều thế hệ cán bộ cống hiến và họ cũng được đãi ngộ thỏa đáng theo một cách nào đó có lẽ không chính thống, chỉ những người đã và đang làm trong Nhà nước hiểu với nhau.
Để giải quyết căn nguyên vấn đề công tác cán bộ vẫn phải có thu nhập xứng đáng để tránh xa cám dỗ : “hệ thống chính trị tinh gọn trong sạch, hoạt động hiệu lực hiệu quả, phòng chống tham nhũng lãng phí thì họ mới ngang tầm nhiệm vụ” (Nghị quyết TƯ số 26- NQTW năm 2018 và Nghị quyết TƯ số 27 về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động). Để tăng lương cho cả bộ máy ngay lập tức thì không thể có khả năng do chi thường xuyên đã chiếm 72% mà bộ máy quá cồng kềnh dư thừa nhân sự, chờ giảm bớt biên chế sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính mới tăng dần thu nhập thì cần rất nhiều năm nữa.
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Cần khuyến khích những đề xuất của các ban ngành địa phương hoặc những quyết sách đã từng được áp dụng, và miễn kỷ luật những cán bộ lãnh đạo này:
Ông Nguyễn Bá Thanh đã từng quyết định hỗ trợ CSGT thêm thu nhập 5tr/tháng để họ làm tốt công việc, tránh xa cám dỗ. Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất trả lương tối đa 120-150 triệu cho người tài theo thị trường.
Tại nhiều đơn vị sự nghiệp hành chính công, lãnh đạo đã chủ động lo thu nhập cho cán bộ nhân viên ở mức đủ cuộc sống, nếu đưa ra pháp luật sẽ sai, nhưng mục đích vì cái chung thì cần xem xét. Ví dụ Đài tỉnh A doanh thu quảng cáo 1 năm 400 tỷ, trong khi tỉnh B thu 1 năm chỉ 400 triệu. Ngoài nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính là người đứng đầu dám nghĩ dám làm, hợp tác với doanh nghiệp đổi phim, đổi chương trình lấy quảng cáo, chiết khấu cao cho doanh nghiệp. Còn Đài tỉnh B chỉ trả hoa hồng doanh nghiệp tối đa 5% vì sợ trách nhiệm. Thu nhập cán bộ nhân viên Đài tỉnh A chắc chắn cao hơn nhiều, ngoài lương còn được thu nhập theo doanh số.
Một đề xuất cuối cùng là chuẩn hóa, khắc phục luân chuyển cán bộ: Cần tăng thời lượng môn Luật Hành chính và thêm nhiều môn về Bộ luật Hình sự, Luật Thương mại … tại các Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – nơi đào tạo cán bộ nguồn để họ có trình độ ngang bằng cử nhân luật, ưu tiên nhận cán bộ tốt nghiệp trường luật làm công chức, viên chức, khi cán bộ hiểu luật thì sẽ tự tin dám làm và tránh được những vi phạm như hiện nay, cán bộ lãnh đạo không thể không biết luật.
Việc sắp xếp cán bộ sai vị trí, trái ngành, trái nghề cần được xem xét nghiêm túc khắc phục: Bác sỹ giỏi làm quản lý, cử nhân xây dựng làm văn hóa, cử nhân luật làm xây dựng, cử nhân khoa học làm phòng kinh tế … Muốn làm tại vị trí thủ trưởng ban ngành nào phải có ít nhất 5-10 năm kinh nghiệm tại chính nơi đó, kinh qua thực tiễn xử lý công việc. Hạn chế được “mặt trái của luân chuyển” là chỉ để đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy hoặc để đề bạt, hoặc luân chuyển người này để trống vị trí cho người khác, “chọn nơi đi, chọn nơi về” thì cán bộ đó sẽ không làm gì để chịu trách nhiệm (Tài liệu Tham khảo: Kết luận của Bộ Chính trị số 24- KL/TƯ về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo/ theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy định 98- QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ).
Chúng ta luôn tin tưởng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như hiện nay, tình hình sẽ cải thiện và nước ta sớm lấy lại đà phát triển.
Huy Hà