Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Ảnh minh họa

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xác định được vấn đề đó, trong những năm gần đây, việc gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định: “Có cơ chế để tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động tham gia xây dựng, điều chỉnh, thực hiện chương trình đào tạo và đánh giá năng lực người học”; “Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo”.

Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Xây dựng chính sách để doanh nghiệp được tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và của doanh nghiệp khác; được tham gia xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên”.

Năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa XIII thông qua đã thể chế hóa nhiều quan điểm, định hướng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, trong đó đã xác định “khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức khác, công dân Việt Nam, tổ chức, các cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp”. Ngoài ra, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định một chương về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, trong đó đã quy định chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Khoản 5 Điều 51 của Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: “Các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế”. Một số luật chuyên ngành khác đã quy định chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho giáo dục nghề nghiệp.

Ngày 24/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã xác định cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Đây là những định hướng có tác động to lớn đến việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của giáo dục nghề nghiệp trong mối liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Doanh nghiệp tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường

Bên cạnh đó, thực hiện quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, xác định gắn kết với doanh nghiệp là một trong 3 đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức nhiều hoạt động tăng cường gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp.

Thông qua các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành trong thực tiễn. Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường; mô hình đào tạo tại doanh nghiệp được hình thành rõ rệt.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dưới tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động gắn kết doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Các hình thức hợp tác của doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa được áp dụng trong thực tiễn. Mặc dù đã có một số chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên, các quy định còn chưa cụ thể, chưa thống nhất, nằm rải rác ở các văn bản khác nhau; thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực của quốc gia; thiếu các quy định cụ thể về các cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cụ thể về liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặt hàng đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo tại doanh nghiệp; chưa có quy định về người hướng dẫn đào tạo của doanh nghiệp, về tổ chức và hoạt động của hội đồng kỹ năng ngành và quỹ phát triển giáo dục nghề nghiệp, nên chưa phát huy được vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phát triển nhân lực ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng, trước thực tiễn gắn kết giữa doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp hiện nay, việc ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp là hết sức cần thiết.

Theo Phương Minh – Báo Nhân Dân

Bài viết liên quan

20

Nam Định: Nhân lên các lợi thế và chiến lược thu hút đầu tư FDI

123

Phê duyệt chương trình phát triển đô thị thành phố Hải Phòng định hướng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050

pct

Nam Định: Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND tỉnh đạt 100% phiếu tín nhiệm cao

av1

Thanh Hoá: Hà Trung tăng tốc về đích huyện nông thôn mới năm 2023

D30094

Nam Định: Khởi công dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và Nam Định

D18091

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò các chủ thể trong mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang