Có quyết định thành lập từ năm 1980, qua nhiều địa điểm, tên gọi khác nhau đến năm 2006 Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng được thành phố xây dựng trụ sở mới tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, có nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng và điều trị phục hồi cho người tâm thần, chia ra theo nhiều bệnh lý như tâm thần phân liệt, động kinh, hoang tưởng… trong đó số bệnh nhân có nguy cơ lên cơn kích động hoặc xuất hiện những hành vi nguy hiểm chiếm tỷ lệ cao.
Hệ thống cây xanh trong khuôn viên luôn được Đoàn Thanh niên Trung tâm quan tâm chăm sóc
Vai trò của thanh niên trong công tác môi trường
Đặc biệt, Đoàn thanh niên trung tâm luôn khẳng định là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện “Văn hóa, văn minh đô thị”, phòng trào “Xanh – Sạch – Đẹp”, tham gia với đoàn cấp trên thực hiện một số nhiệm vụ được giao… Công tác bảo vệ an ninh và trật tự trong khu vực được đảm bảo tốt, ngăn chặn kịp thời các trường hợp bệnh nhân lên cơn kích động gây rối, đánh nhau. Một vài trường hợp có ý định bỏ trốn được nhân viên phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Chúng tôi có dịp đi tham quan khuân viên trung tâm, ghi nhận đầu tiên là bệnh nhân đều được mặc đồng phục gọn gàng, các khu nhà sinh hoạt tập thể, hành lang giữa các công trình phụ trợ đều được quét dọn sạch sẽ với sự ngăn nắp như trong một doanh trại quân đội. Đời sống tinh thần của người bệnh được nâng lên qua các hoạt động, tập thể dục buổi sáng, văn nghệ, thể thao, xem ti vi… Tại mỗi phòng ngủ đều trang bị đèn điện, quạt trần, tuy nhiên, hệ thống công tắc điện và điều khiển được đặt ở phòng riêng có trực ban phụ trách, tránh trường hợp đập phá tài sản hay nghịch ngợm gây nguy hiểm…
Tiếp đó, tại nơi ăn chốn ở của đối tượng luôn được Ban lãnh đạo giao cho “lực lượng xung kích” phụ trách đồng thời có trách nhiệm phân công cho các chi đoàn phụ trách từng khu vực, từ phòng sinh hoạt tập trung, giường ngủ, phòng ăn, khu vệ sinh đến sân vui chơi đều được quét dọn hằng ngày.
Tại các khu vực tăng gia sản xuất, các luống rau xanh được thanh niên trung tâm cùng những đối tượng có bệnh án nhẹ chăm sóc chu đáo và tuân thủ vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo cung cấp rau xanh cho mỗi bữa ăn cũng như về sinh an toàn thực phẩm, tăng khẩu phần và chất lượng cho chính đối tượng đồng thời giảm chi phí chi cho khoản này…
Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Đoàn thanh niên Trung tâm tiếp tục triển khai những phong trào tương tự. Đặc biệt, sẽ chủ động lan tỏa những cách làm hay, ý tưởng tốt, tạo thành “nét đẹp” của thanh niên Trung tâm… Tiếp đó, tham mưu cho lãnh đạo Trung tâm ra quyết định về việc mỗi phòng, ban cần tích cực vận động các đoàn viên, thanh niên có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định. Đồng thời có ý thức bảo vệ cây xanh, tích cực tham gia chăm bón, tưới nước định kỳ, để cây trồng phát triển xanh tốt. Chủ động phát động các phong trào như: Công trình thanh niên, trồng thêm cây xanh, tổ chức các cuộc tổng dọn vệ sinh trong khuôn viên, phân công tổ đội trực nhật, đồng thời đề xuất một số chế tài xử phạt thích hợp với các trường hợp vi phạm…
Nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên…
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ nên công tác tiếp nhận và quản lý luôn được đặt lên hàng đầu, chỉ tính trung bình đơn vị đã tiếp nhận khoản 60 – 80 bệnh nhân, được phân loại, theo từng dạng bệnh, lập hồ sơ bệnh án chi tiết với mục đích đưa ra những phác đồ điều trị cụ thể và làm cơ sở cho công tác bố trí bệnh nhân về các khu tập trung, tạo điều kiện cho việc chăm sóc, quản lý, nuôi dưỡng…
Việc đưa Khu Điều dưỡng luân phiên vào hoạt động thực nghiệm bước đầu đã đạt kết quả khả quan, tất cả bệnh nhân được quản lý, chăm sóc theo đúng quy trình… Công tác vật lý trị liệu và tổ chức sinh hoạt đã cơ bản khắc phục tình trạng bệnh nhân phải cách ly dài ngày, số trường hợp bị chuyển viện giảm, tỷ lệ tử vong thấp bởi cán bộ y tế luôn chủ động và đưa ra những phác đồ điều trị hợp lý trong đó chú trọng việc chống nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch.
Tiếp đó, công tác hướng dẫn hành vi cho bệnh nhân được tập trung cao độ, qua 02 đợt điều dưỡng trong năm cho thấy, hầu hết các đối tượng được cải thiện về thể chất, tâm lý, từng bước nâng cao tính tự giác trong sinh hoạt hàng ngày như: ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng ở, chuyển biến về khả năng giao tiếp, xưng hô, ứng xử, ý thức giờ giấc và duy trì chế độ sinh hoạt tập trung vào chiều thứ 2 hàng tuần… Hiện tại, số đối tượng có khả năng tự phục vụ trong sinh hoạt cá nhân ngày càng nhiều, trên 60% có thể tham gia lao động, hạn chế tối đa tình trạng quậy phá gây mất trật tự…
Tại Trung tâm Điều dưỡng Người tâm thần Đà Nẵng có rất nhiều mảnh đời và số phận khác nhau, nhưng tựu chung lại đó là những thân phận bất hạnh được, tập trung về đây để điều dưỡng, chữa trị và phục hồi sức khỏe. Qua tìm hiểu cũng như tận mắt chứng kiến nhiều hành vi “chẳng giống ai” của bệnh nhân, đáp lại là những cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần của cán bộ nhân viên trung tâm, chúng tôi thực sự khâm phục và trân trọng những con người ấy…/.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội