(ĐHVO). Khám bệnh, chữa bệnh là quyền cơ bản của tất cả mọi người trong xã hội khi họ có nhu cầu và người khuyết tật cũng là một trong số đó. Không những thế, họ còn có nhu cầu cao hơn khi bản thân người khuyết tật đã là những người bị “khiếm khuyết” về sức khỏe. Là đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi nhưng những người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai bị khuyết tật, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng còn chịu nhiều thiệt thòi hơn nữa. Vì vậy, bên cạnh quyền được khám chữa bệnh như mọi người thì họ còn được hưởng những quyền ưu tiên nhằm giúp đỡ, hỗ trợ họ trong việc chăm sóc sức khỏe.
Câu hỏi: Tôi là người khuyết tật nhẹ và hiện đang có thai ở tuần thứ 30. Tôi đang có dự định đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng do có thai nên khá nhiều bất tiện. Không biết khi đi khám tôi có được ưu tiên khám bệnh trước hay phải chờ ạ? Mong Trung tâm giải đáp giúp tôi.
Trả lời. Luật sư Bùi Thị Phượng – Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt giải đáp vấn đề trên như sau:
Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn là người khuyết tật nhẹ đang mang thai. Tại Khoản 4, Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì:
“Điều 3. Nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1.Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
…
4. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai.
…”
Do đó, mặc dù bạn không được xét ưu tiên khám chữa bệnh khi là người khuyết tật vì mức độ khuyết tật của bạn chỉ ở mức nhẹ nhưng bạn vẫn được ưu tiên khi là phụ nữ mang thai. Và tất nhiên, trong quá trình xét ưu tiên khám chữa bệnh thì phái bệnh viện cũng sẽ phải xem xét thêm cả mức độ khuyết tật, tình trạng bệnh, độ tuổi… để xét thứ tự ưu tiên.
Người khuyết tật nhẹ nhưng có thai (phụ nữ khuyết tật có thai) là một trong những đối tượng được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật. Do vậy, nếu cơ sở khám chữa bệnh không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho phụ nữ khuyết tật có thai thì đã vi phạm nguyên tắc hành nghề cũng như vi phạm quy định trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật nên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và xử phạt theo Nghị định 114/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cụ thể:
Điều 48, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định:
“Điều 48. Vi phạm quy định về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
…2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, người khuyết tật nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai”.
Căn cứ vào quy định trên đây, cá nhân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hành vi không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật nặng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngoài ra, tại Nghị định 114/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em có quy định:
“Điều 10. Vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật;
b) Không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh.’
Do đó, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm nguyên tắc hành nghề khám chữa bệnh thì còn có thể bị xử phạt do Vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với người khuyết tật với số tiền phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.
Phan Anh