Người ta thường nói cá lớn bơi ngược dòng sẽ sống sót qua bão giông. Con người cố gắng vươn lên trong cuộc sống sẽ làm được những điều vĩ đại. Và tôi được biết có những người khuyết tật đã làm được điều phi thường ấy.
Không khó để ta nhận ra người khuyết tật phải gánh chịu nhiều thiệt thòi do tình trạng khiếm khuyết về cơ thể. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh có rất nhiều người khuyết tật luôn khao khát vươn lên hòa nhập cộng đồng, góp sức mình xây dựng đất nước và có những thành công nhất định trên nhiều lĩnh vực. Không những vậy họ còn giúp cho cả những người cùng cảnh ngộ với mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính họ luôn nỗ lực từng ngày để làm việc như người bình thường và đạt được những điều phi thường.
Người thầy đáng ngưỡng mộ trong nền giáo dục Việt Nam
Thầy Nguyễn Ngọc Ký năm lên 4 bị liệt cả hai tay, 7 tuổi bắt đầu tập viết. Cả tuổi thơ ông gắn liền với mong ước được cắp sách đến trường, cuối cùng vượt lên trên tất cả trở thành một nhà giáo ưu tú. Cũng bằng đôi chân ấy, ông đã viết sách, làm thơ, dạy dỗ qua bao thế hệ học sinh. Để rồi cho đến bây giờ và mãi về sau thầy vẫn luôn là người truyền lửa, thắp sáng nên ước mơ của rất nhiều người.
Nụ cười rạng rỡ của chàng Hiệp sĩ Công nghệ thông tin
Nhắc đến Nguyễn Công Hùng, người ta nhớ ngay đến Cố Hiệp sĩ công nghệ thông tin. Với cơ thể bại liệt nhưng bằng sự thông minh vốn có cùng sự nỗ lực của bản thân năm 2003 anh đã thành lập trung tâm Nghị lực sống – nơi dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Năm 2012 anh được tạp chí eChip bầu chọn là Hiệp sĩ công nghệ thông tin và đạt được nhiều danh hiệu khác do nhà nước trao tặng.
Gia đình hạnh phúc của Nguyễn Thảo Vân cùng người chồng của mình.
Tiếp nối nghị lực của anh trai Nguyễn Công Hùng, cô em gái Nguyễn Thảo Vân đã tiếp nhận và điều hành trung tâm Nghị lực sống hiện nay. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn của căn bệnh quái ác khiến cơ thể ngày càng teo lại, Thảo Vân trở thành người tiếp thêm niềm tin và tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm người khuyết tật. Với trái tim biết yêu thương và những việc làm thiện nguyện của mình, Thảo Vân được nhận nhiều giải thưởng do Hội Phụ nữ Quốc tế trao tặng.
Nhà văn Trần Trà My trong buổi họp báo ra mắt tác phẩm mới
Nữ nhà văn nghị lực Trần Trà My từ nhỏ trải qua một cuộc phẫu thuật không thành công để lại biến chứng khiến đôi chân bị bại liệt khiến chị phải nằm một chỗ, thậm chí không nói được, chỉ ú ớ thành câu. Có thể đôi chân chị không đi được nhưng không làm giấc mơ văn chương trong chị dập tắt. Là cây bút quen thuộc của giới trẻ nhà văn Trà My thực sự đã và đang trở thành nguồn cảm hứng sống đẹp cho rất nhiều bạn trẻ hiện nay.
Người thầy nghị lực bên học trò của mình
Anh Trần Quốc Hoàn sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Quảng Trị bị liệt nửa người khiến đôi chân không thể đi lại. Tuy nhiên bằng sự hiếu học cùng tình thương dành cho những em trẻ nghèo không nơi nương tựa, anh đã tự mở lớp học dạy miễn phí cho trẻ em nơi đây. Không chỉ là một người thầy giỏi, anh còn được biết đến là một vận động viên thể thao cùng những thành tích đáng nể tại các cuộc thi thể thao dành cho người khuyết tật.
Chàng thủ khoa câm điếc trong một giờ dạy học
Có lẽ với người bình thường, theo học hết phổ thông rồi bước tới đại học đã là một sự cố gắng thì đối với những người câm điếc, lại là cả một sự phi thường. Ấy vậy mà anh Đoàn Phạm Khiêm – một người mất đi khả năng nói và nghe lại trở thành một sinh viên giỏi trong trường đại học trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Hơn nữa anh còn vinh dự là 1 trong 5 người biên soạn bộ Từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để dạy cho người câm điếc trong cả nước.
Cậu bé mù trở thành Kỷ lục gia
Cậu bé mù Bùi Ngọc Thịnh ở Khánh Hòa chơi được 7 loại nhạc cụ đã đem lại vinh quang cho đất nước với danh hiệu “Kỷ lục gia Châu Á”. Ngay từ lúc 6 tuổi, Thịnh đã bắt đầu làm quen với các nhạc cụ. Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều bị mù nhưng với khả năng đặc biệt cùng sự yêu thương vô bờ từ bố mẹ đã giúp Thịnh biến ước mơ của mình thành hiện thực và trở thành một nhạc công nổi tiếng như bây giờ.
Cô gái xương thủy tinh vào vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt”
Có lẽ ai đã từng xem chương trình Vietnam’s Got Talent sẽ đều nhớ đến Phương Anh, một cô gái nhỏ nhắn mắc phải chứng bệnh xương thủy tinh nhưng đã tỏa sáng trên sân khấu theo cách riêng của mình. Giọng hát nội lực, nụ cười rạng rỡ cùng niềm lạc quan, yêu đời của Phương Anh đã truyền cảm hứng cho hàng triệu khán giả Việt. Sau này bằng sự nỗ lực không ngừng cô gái ấy đã sang một đất nước mới du học để tiếp tục viết nên câu chuyện cổ tích của riêng mình.
Chàng sinh viên kiên cường – Nguyễn Minh Trí
Sinh ra ở miền đất An Giang trong một gia đình nghèo đông anh em, Nguyễn Minh Trí từ nhỏ đã bị dị tật bẩm sinh không có tay. Nhưng khó khăn của cuộc sống không làm chàng trai trẻ từ bỏ sự hiếu học cùng ước mơ của mình. Cuộc thi đại học năm đó đã ghi tên Nguyễn Minh Trí vào ngành công nghệ thông tin của trường đại học An Giang. Sự cố gắng nỗ lực của Trí đã được đền đáp xứng đáng và chắc hẳn với nghị lực ấy chàng sinh viên sẽ thực hiện được ước mơ trở thành kỹ sư tin học của mình.
Và còn rất nhiều, rất nhiều những người khuyết tật khác cũng đang ngày đêm chiến đấu với số phận để sống sót trước “bão giông” cuộc đời. Có thể khi sinh ra họ là những người kém may mắn nhưng khi lớn lên bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ họ lại khiến chúng ta nể phục, trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.
Lan Phương. (T/h)