Không để người khuyết tật “đuối sức bơi trên dòng đời”

Nghèo đói là khổ nhưng khổ cực còn dễ chịu hơn là phải sống đời khiếm khuyết thân thể, tinh thần. Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người mù tỉnh bắt đầu câu chuyện của những người không may mắn như vậy. Bà thủ thỉ như nói đủ cho tôi nghe: Chi cần có cơ hội nhỏ như hạt vừng, người khuyết tật (NKT) chúng tôi sẽ làm nên một cánh đồng mang màu sắc hạnh phúc.


Người khuyết tật hệ vận động được giúp đỡ khi tham gia giao thông.

Cả thế giới biết đến Nicholas James Vujicic, người Mỹ (hay còn gọi là Ních). Dù sinh ra đã không có chân tay, nhưng Ních Vujicic làm được nhiều điều khiến nhân loại trên thế giới nể phục. Tôi chắc chắn phía sau cuộc đời anh, còn có những điểm tựa giản dị mang tên tình người. Điểm tựa giản dị ấy có mặt ở mọi nơi trên thế giới, được thể hiện bằng tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử nhân văn, lòng từ bi hỷ xả trên hành trình “vô ngã vị tha” đời người. Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho bao NKT vượt lên, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động – Thương  binh và Xã hội: Hiện trên toàn tỉnh có hơn 25.000 NKT, trong đó hơn 20.000 người đã được cơ quan chức năng Nhà nước cấp giấy xác nhận khuyết tật, bao gồm hơn 4.000 trường hợp khuyết tật đặc biệt nặng; hơn 11.000 trường hợp khuyết tật nặng và gần 5.000 trường hợp khuyết tật nhẹ.Suốt nhiều năm qua, Nhà nước luôn quan tâm, giúp đỡ NKT thông qua các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Trợ giúp NKT theo Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ giai đoạn 2012-2020, giống như chiếc phao cứu sinh, tiếp sức NKT vượt khó. Trong 5 năm trở lại đây, các nhà thiện nguyện đã thông qua Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em Thái Nguyên, chuyến đến tay hơn 1.100 NKT những phần quà có giá trị, gồm 132 xe đạp, 608 xe lăn, gần 400 suất quà với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.


Em Lê Quang Huy (giữa), học sinh khuyết tật – lớp 2, Trường Tiểu học Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) được bạn bè chia sẻ, giúp đỡ cùng học tập.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội NKT T.P Thái Nguyên chia sẻ: NKT chúng tôi chưa bao giờ đầu hàng số phận, phải lăn lóc kiếm sống, vượt lên tự ty, mặc cảm để sống có ý nghĩa… Vâng! Đành rằng đã gắng hết mình, nhưng tôi biết hầu hết NKT đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.Và giữa khó khăn ấy, các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm luôn đồng hành, chia sẻ, kịp thời giúp NKT.Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Giai đoạn 2012-2020, các cấp hội đã tặng 850 suất quà cho phụ nữ, trẻ em khuyêt tật; hỗ trợ xóa nhà tạm cho 2 phụ nữ khuyết tật nghèo; phối hợp với nhà thờ Mỹ LDSC tặng xe lăn và gậy tập đi cho 150 hội viên sinh sống ở T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Võ Nhai và Đồng Hỷ. Đặc biệt Hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 71 hội viên khuyết tật được vay hơn 2 tỷ đồng vốn phát triển kinh tế.

Các hoạt động hỗ trợ NKT vươn lên trong cuộc sống đang lan toả, rộng khắp trong cộng đồng xã hội. Ông Nguyễn Đình Sáng, Trường Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ cho biết: Toàn huyện có hơn 3.500 NKT, tính từ năm 2012 đến nay, đã có hơn 10.000 lượt NKT được trợ giúp, trong đó gần 100 người được học nghề; gần 60 người được vay vốn giải quyết việc làm; hơn 2.800 lượt người được cấp thẻ bảo hiểm y tế; gần 2.300 lượt người được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; gần 2.000 lượt người được hướng dẫn phục hồi chức năng; gần 700 lượt người được cung cấp các dụng cụ hỗ trợ.

Cũng trong giai đoạn này, trên toàn tỉnh có 92 trường hợp nhận được sự giúp đỡ của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh về tư vấn pháp luật; tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; gần 100.000 lượt NKT được hỗ trợ về y tế, trong đó có  hơn 2.300 lượt trẻ em khuyết tật được can thiệp sớm bằng biện pháp y học; hơn 9.700 lượt NKT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 746 lượt trẻ em khuyết tật, NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ trợ giúp; hơn 27.000 lượt NKT được hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; gần 2.000 lượt NKT được cung cấp các dụng cụ hỗ trợ.

Đặc biệt về giao thông, tại T.P Thái Nguyên có 100% các tuyến đường đô thị được sử dụng viên bó vỉa hè có độ vát, thoải thuận tiện cho NKT đi lại. Về hưởng thụ văn hóa, các đơn vị bảo tàng, thư viện, điểm du lịch… không thu vé hoặc giảm giá vé cho NKT. Trong rèn luyện sức khỏe, NKT được tiếp cận với các hoạt động thể dục thể thao phù hợp với từng loại thương tật. Những người có tố chất được lựa chọn, tổ chức tập huấn, cử tham gia thi đấu tại các giải vô địch trong nước do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. Nhiều câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể thao dành cho NKT được thành lập, thu hút hàng nghìn hội viên tham gia.

Mở rộng vòng tay, gom lòng nghĩa hiệp, ân tình của người lành dành cho người bị khiếm khuyết. Bình dị thôi – nhưng sẽ là cơ hội lớn cho NKT không bị “đuối sức bơi trên dòng đời”.

Theo Báo Thái Nguyên Điện tử

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang