Không để người khuyết tật bị bỏ lại phía sau trong đại dịch Covid-19

(ĐHVO). Covid -19 có tác động mạnh mẽ đến đời sống chung của toàn cầu. Người khuyết tật là nhóm đối tượng yếu thế cần được quan tâm bảo vệ, có nguy cơ lây nhiễm Covid và chịu ảnh hưởng nặng nền hơn từ dịch bệnh.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Người khuyết tật có nguy cơ nhiễm Covid -19 cao hơn

Người khuyết tật có nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn người bình thường khi tiếp xúc với người bị nhiễm Covid -19. Tùy vào từng dạng khuyết tật mà có những bất tiện nhất định tạo ra môi trường lây nhiễm khác nhau. Chẳng hạn như người khiếm thị không thể tiếp cận các nguồn thông tin một cách đầy đủ bởi không phải tất cả mọi thứ đều hỗ trợ chữ nổi dành cho người mù. Người khiếm thính thường dựa vào việc đọc môi và quan sát nét mặt để giao tiếp. Nhưng với khuyến cáo đeo khẩu trang để phòng, chống dịch, họ phải vật lộn với việc giao tiếp hàng ngày.

Có thể thấy rằng người khuyết tật là một trong những nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi Covid- 19 cùng với nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền. Phần lớn người khuyết tật có thể trạng không tốt, sức đề kháng yếu, một số không nhận thức được hành vi nên khả năng lây nhiễm, nguy cơ bị tác động lớn về sức khỏe cao hơn so với những người bình thường. Đặc biệt khi người khuyết tật sống trong các cơ sở chăm sóc người khuyết tật, bệnh viện đều là những nơi đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao do việc tiếp xúc nhiều. Những người mất khả năng vận động không thể tự thực hiện các công việc cá nhân, bị phụ thuộc vào nhân viên chăm sóc y tế thường xuyên  nên việc hạn chế tiếp xúc là điều khó có thể thực hiện được.

Hơn bất cứ lúc nào, người khuyết tật cần được quan tâm đặc biệt trong tâm dịch

Đứng trước đại dịch Covid-19, người khuyết tật không những là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng mà còn gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong đời sống, việc làm và cả trong kinh doanh. Một số bộ phận người khuyết tật sống trong các cơ sở chăm sóc người khuyết tật, bệnh viện có thể không nhận được sự chăm sóc ưu tiên trong tình huống dịch bệnh bùng phát, không có nhân viên y tế thường xuyên túc trực chăm sóc. Người khuyết tật vận động sống cùng gia đình cũng đối mặt với nguy cơ không có người chăm sóc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát do người thân bị cách ly.

Mặt khác, người khuyết tật bị hạn chế các khả năng tiếp nhận thông tin về nguy cơ lây nhiễm covid-19 so với người thông thường. Các chỉ dẫn về thông tin Covid bằng hình ảnh, âm thanh, chữ viết,… khiến những người khiếm thị/ khiếm thính không nhìn thấy, không nghe thấy được.

Đối với trẻ khuyết tật, các trường học đóng cửa, học sinh khuyết tật cũng trong tình trạng chung, phải học online ở nhà, không nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ giáo viên để kèm cặp, những trẻ khuyết tật có nhận thức kém sẽ có nguy cơ không tiếp cận  kịp được các kiến thức mới như những học sinh bình thường. Một số học sinh khuyết tật không có điều kiện để tiếp cận với công nghệ thông tin để học trực tuyến có thể bị đẩy lùi xa hơn so với kiến thức ở trong trường học.

Về kinh tế, các ngành hàng từ sản xuất đến dịch vụ đều ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid. Các mặt hàng lợi thế của người khuyết tật như thủ công đan lát, dêt may… do không có khách nước ngoài đến Việt Nam, cộng với sự tàn phá của dịch bệnh tại các nước phương Tây khiến việc xuất khẩu hay buôn bán trong nước của sản phẩm bị ngưng trệ. Hàng hóa, sản phẩm hết sức khó khăn. Kéo theo dịch bệnh, việc sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp  của khuyết tật  lâm vào tình  trạng khó khăn.

Việc làm của người khuyết tật cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid 19, việc hàng hóa sản xuất bị ngưng trệ khiến cho một bộ phận nhân công bị thất nghiệp. Với người khuyết tật, việc tìm kiếm một công việc mới lại càng khó khăn hơn rất nhiều so với lao động bình thường.

Chính vì lẽ đó, hơn bao giờ hết người khuyết tật rất cần cộng đồng, xã hội cùng cảm thông, tương hỗ lẫn nhau để cùng chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đòi hỏi mỗi người dân nói chung và người khuyết tật cùng thành viên gia đình, người chăm sóc cho họ nói riêng cần có kiến thức, kỹ năng cần thiết để chung tay phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Đồng thời, luôn động viên tinh thần cho người khuyết tật để họ không lo lắng, không cảm thấy bị phân biệt đối xử, không bị bỏ lại phía sau.

Những giải pháp đảm bảo an toàn cho người khuyết tật trong đại dịch Covid -19

Tăng cường thực thi có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho người khuyết tật trong đại dịch Covid-19.

Các chương trình truyền thông cần đưa thêm nhiều các chương trình cho người khuyết tật, bằng ký hiệu, bằng ngôn ngữ, biểu đạt trên nhiều kênh thông tin. Tương tự việc áp dụng có hiệu quả ngôn ngữ ký hiệu trên chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, giúp người khiếm thính theo dõi tin tức thường xuyên.

Việc tăng cường bảo hộ cho nhân viên y tế (khẩu trang, đồ bảo hộ lao động,…) càng nên được chú trọng. Trong trường hợp cần thiết, các cơ sở chăm sóc người khuyết tật hạn chế nhận thêm người khuyết tật, có sự kiểm duyệt nghiêm ngặt những người ra vào cơ sở, việc tiếp xúc giữa cán bộ, bệnh nhân trong bệnh viện và bên ngoài nên hạn chế tối ưu. Trong trường hợp rủi ro dịch bệnh cao, việc chuyển bệnh nhân là người khuyết tật về điều trị tại gia cũng là một biện pháp phòng dịch có hiệu quả.

Về giáo dục, khi học sinh học online, chương trình dạy học cần có chương trình riêng dành cho người có khả năng tiếp thu kém. Nhà trường, giáo viên phân loại học sinh và có những kèm cặp, hướng dẫn cụ thể, có những kế hoạch cụ thể để tìm hiểu xem học sinh khuyết tật cần gì và các kế hoạch phòng chống Covid có thật sự hiệu quả với học sinh khuyết tật không để có những điều chỉnh phù hợp.

Các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 áp dụng cho người khuyết tật cũng bao gồm những biện pháp của người bình thường khác. Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành Sổ tay “Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) đối với người khuyết tật tại cộng đồng”. Sổ tay này dùng cho đối tượng sử sụng là người khuyết tật , thành viên gia đình người khuyết tật , người chăm sóc hỗ trợ người khuyết tật , cán bộ y tế, Tổ chức người khuyết tật  và Tổ chức vì người khuyết tật. Cuốn số tay này đã được các ban biên soạn sử dụng các ngôn ngữ thông dụng, dễ hiểu, dễ tiếp cận với người khuyết tật. Bên cạnh đó, cuốn sổ tay được minh họa bằng những hình ảnh sinh động, gần gũi với người khuyết tật giúp người khuyết tật nâng cao cảnh giác trong phòng, chống dịch Covid-19.

Phạm Trang

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang