Không để bất kỳ ai thiếu đói do dịch bệnh

Trong bộn bề khó khăn do dịch bệnh COVID-19, người dân TP. Đà Nẵng luôn hướng về cộng đồng bằng những việc làm thiện nguyện với mong muốn không để bất kỳ ai thiếu đói do dịch bệnh.

Gần 7 tạ rau củ quả được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Chính chuẩn bị gửi vào khu cách ly. Ảnh: VGP/Minh Trang

Lo từng con cá, bó rau

Trong những ngày dịch bệnh hoành hành, từ sáng tinh mơ, các chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Chính đã tất bật mỗi người một việc khuân từng bao rau to từ xe chở hàng xuống. Chẳng mấy chốc, gần 7 tạ rau củ được xếp chật kín khu vực tập kết. Đây là số lương thực, thực phẩm, rau củ chị em phụ nữ phường chuẩn bị đưa đến khu vực cách ly đường Lê Duẩn-Hoàng Hoa Thám-Lý Thái Tổ.

Số rau này được chị Nguyễn Đoàn Khánh Uyên, một hội viên phụ nữ của phường Tân Chính kêu gọi hỗ trợ.

Tại Đà Nẵng, khu vực tam giác đường Lê Duẩn-Hoàng Hoa Thám-Lý Thái Tổ là nơi tái bùng phát dịch có số ca F0 nhiều nhất và được phong tỏa cách ly từ ngày 18/6. Khu vực cách ly có 454 hộ với 2.000 nhân khẩu, trong đó riêng phường Tân Chính có 3 tổ dân phố có 200 hộ và 700 nhân khẩu.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Chính Phạm Thị Thúy Hạnh cho biết: “Để hỗ trợ người dân khu vực cách ly và người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, chị em ở vòng ngoài kêu gọi nhau thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có giúp bà con đi chợ, hỗ trợ nhu yếu phẩm và tổ chức các buổi bán thực phẩm 0 đồng”.

“Đại dịch kéo dài làm nhiều người gặp khó khăn nên chúng tôi là phụ nữ chung tay hỗ trợ bà con lúc này”, chị Hạnh bày tỏ.

Hội phụ nữ phường An Khê gửi thức ăn vào cho bà con khu cách ly 3 ngày/lần. Ảnh: VGP/Minh Trang

Cũng như chị em phụ nữ phường Tân Chính, cứ 3 ngày một lần, cô Nguyễn Thị Hồng Duy cùng chị em hội phụ nữ phường An Khê (quận Thanh Khê) lại tất bật lên “thực đơn” lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình nằm trong khu phong tỏa đường Nguyễn Phước Nguyên. Đây là khu vực có ca F0 liên quan đến khu cách ly tam giác đường Lê Duẩn.

Cô Nguyễn Thị Hồng Duy cho biết chị em thay nhau đi chợ cho cả khu phong tỏa, không quản ngại nắng mưa. Ai cũng mong bà con có đủ đồ ăn, thức uống trong những ngày này nên có thể giúp được gì, mọi người đều làm hết sức mình.

Theo anh Phan Trần Hải Giang, Phó Bí thư Đoàn phường An Khê,  các hội đoàn thể trong phường đã vận động các ‘mạnh thường quân’ hỗ trợ rau củ, thực phẩm cho 48 hộ dân với 177 nhân khẩu tại chốt cách ly. Các đoàn lãnh đạo phường, Mặt trận phường cũng tặng thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu cách ly và lực lượng trực chốt.

“Có thể nói, các hoạt động an sinh xã hội, thiện nguyện phong phú, thiết thực như trên được người dân và các nhà hảo tâm hưởng ứng, góp phần cùng các cấp chính quyền địa phương thiết thực chăm lo đời sống, sinh hoạt của các gia đình, người dân có hoàn cảnh khó khăn trong khu cách ly”, anh Giang nói.

Từ bếp ăn tình thương đến cây gạo ATM giúp người nghèo

Mỗi buổi sáng, các tình nguyện viên của “Bếp ăn tình thương” phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ chia nhau mỗi người một việc, chị thì đi chợ người thì nhặt rau, chế biến thức ăn để sớm có bữa ăn ngon mang đến cho người nghèo.

Các chị làm liên tục hơn 3 giờ mới hoàn tất việc chế biến và phân chia suất ăn. Khoảng hơn 10h trưa, các tình nguyện viên ở phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ đã mang cơm đến cấp phát cho các đối tượng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các khu chung cư, người bán vé số, sinh viên khu nhà trọ, bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện mà Ban điều hành bếp ăn tình thương đăng ký trước đó.

Mỗi suất ăn thường có 5 món: Cá, thịt, canh, đậu khuôn và rau xào. Cô Phùng Thị Hương, một tình nguyện viên cho biết: “Sáng sớm tôi dậy đi chợ  rồi 7h vào bếp. Chị em xúm lại chế biến, nấu nướng và khoảng 9h suất cơm hoàn thành”.

Các thành viên của bếp ăn tình thương chuẩn bị suất ăn cho người dân trong bệnh viện. Ảnh: VGP/Minh Trang

Bếp ăn tình thương hỗ trợ cho người nghèo và bệnh nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ thành lập từ năm 2011, đặt tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao phường. Bếp hoạt động thường xuyên, mỗi ngày cung cấp từ 150-200 suất ăn cho các đối tượng hết sức khó khăn từ nguồn kinh phí vận động các nhà hảo tâm.

Ngoài bếp ăn tình thương, tại phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ còn xuất hiện cây “ATM – Hạt gạo tình thương” từ vài tháng nay. Theo mô hình này, mỗi hộ nghèo được cấp một thẻ nhận gạo tại máy ATM gạo vào ngày thứ Bảy của tuần cuối tháng, mỗi hộ nhận từ 5-10kg/tháng.

Ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch Phường  Hoà Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), cho biết tại phường có gần 190 hộ đều được hỗ trợ gạo hằng tháng từ “ATM – Hạt gạo tình thương”. Hằng tháng, những hộ nghèo còn được nhận thêm một suất quà. Nguồn kinh phí hầu hết được các nhà hảo tâm đóng góp.

“Do ảnh hưởng dịch COVID-19, những hộ nghèo rất cần được sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng. Việc triển khai bếp ăn tình thương và cây ATM gạo đã có sức lan toả rất lớn. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì các mô hình này để nhiều người nghèo được thụ hưởng thụ và vượt qua khó khăn”, ông Nguyễn Phước Sơn chia sẻ.

Theo Báo điện tử Chính phủ


Bài viết liên quan

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang