Khiếm thị xem ra là một lợi thế!

ĐHVO. “Với tôi, chỉ có khuyết tật tâm hồn mới đáng sợ, chứ khuyết tật cơ thể thì không vấn đề gì”, nhạc sĩ Hà Chương tâm niệm.

Nhắc tới Áo dài cuối phố, Nắng hát, Bạn tôi, Xin cảm ơn em, Không ngại ngần,… các thính giả không thể không biết đến nhạc sĩ, ca sĩ khiếm thị Hà Chương. Và ông chính là nhạc sĩ, ca sĩ khiếm thị đầu tiên của Việt Nam phát hành album riêng. Ở tuổi 37, Hà Chương đã phát hành thành công với 6 album.

Có lẽ, cái độc lạ không dừng ở câu từ giọng hát như bao nhạc sĩ, ca sĩ khác mà đó còn là sự tự tin và nghị lực sống của nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương. “Khiếm thị xem ra là một lợi thế, vì bạn không phải nhìn thấy ai. Khi đó, bạn trở nên gan dạ, lì lợm nhất.”, nhạc sĩ Hà Chương tâm niệm.

Ấy bởi vậy, năm 7,8 tuổi có một đứa trẻ khiếm thị dám chơi kéo co, đánh lộn, năm 10 tuổi bắt tổ ong với những đứa bạn mắt sáng. 12 tuổi, cậu đứng trước rất đông khán giả Đà Nẵng tự tin biểu diễn bài “Cò lả”.

Bên cạnh việc sáng tác, hòa âm phối khí và biên tập album cho các ca sĩ, Hà Chương viết tự chuyện về cuộc đời của chính mình. Trong tự chuyện Nhắm mắt nhìn sao, Hà Chương kể lại cuộc đời mình từ khi còn là một cậu bé khiếm thị ở vùng quê nghèo Quảng Ngãi đến lúc trở thành thủ khoa Nhạc viện Hà Nội và là nhạc sĩ sở hữu 6 album.

Năm 2 tuổi, cuộc đời Hà Chương vĩnh viễn đổi hướng khi trong lúc chơi đùa, cậu té đập mặt vào tô xi măng và hỏng đôi mắt. Chương sinh ra ở Bình Sơn, Quãng Ngãi, cha mẹ là dân lao động, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn. Dù cha mẹ cậu lặn lội ngược xuôi chữa trị với số tiền ít ỏi dành dụm được nhưng cũng không thể giành lại được ánh sáng cho Chương.

Bằng giọng văn thủ thỉ như tâm tình, Hà Chương kể lại tuổi thơ cực nhọc cho đến ngày cậu may mắn được người cha nuôi buôn hột vịt dẫn ra học Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Đà Nẵng.

Đây là môi trường đã tác động lớn, nuôi dưỡng niềm đam mê với âm nhạc và những nhạc cụ dân tộc trong Chương. Học xong phổ thông, anh quyết định khăn gói đi Hà Nội theo học nhạc viện.

Nghèo, khiếm thị, nhưng Hà Chương thi đâu thắng đó, giành biết bao nhiêu thành tích, giải thưởng âm nhạc: Huy chương vàng độc tấu đàn bầu Tiếng hát Hoa Phượng Đỏ, 6 huy chương vàng trong các cuộc thi “Tài năng trẻ thành phố Đà Nẵng”, thủ khoa Nhạc viện Hà Nội, vào chung kết năm chương trình “Bài hát Việt”, chung kết Tìm kiếm tài năng Việt Nam “Vietnam’s Got Talent”…

Trong suốt hành trình lắm niềm vui nhưng cũng lẫn rất nhiều cay đắng, khó khăn, Hà Chương luôn mong muốn được làm người nghệ sĩ chứ không phải là “đứa trẻ khiếm thị đi hát rong cầu xin lòng thương hại của người đời”.

“Tôi muốn trở thành một nghệ sĩ như Stevie Wonder, cống hiến cho đời những giá trị tinh thần bất diệt, toả sáng trong ánh hào quang của âm nhạc và nghệ thuật trình diễn“, anh nói.

“Thử tưởng tượng nhé, một ngày thức dậy, bóng tối bủa vây bạn, hoặc hai chân bạn teo lại, hay hai tay bạn mất đi… Người đời ném về phía bạn mấy từ miệt thị kiểu như “đui, què, sứt, mẻ”. Lúc đó bạn làm gì? Cố gắng ngoi lên ngạo nghễ hay tự vùi mình xuống sông sâu?”.

Với Hà Chương, việc không thấy gì hoá ra lại khiến anh dám dũng cảm đương đầu với cuộc sống nhiều hơn người khác: “Khi tôi là một người khiếm thị, tôi không nhìn thấy gì. Và đó là nguyên do tôi bước tới mà không sợ vấp ngã“.

Nhắm mắt nhìn sao được kể bằng giọng văn chân chất rất miền Trung, những miêu tả thật tình, đầy cảm động. Độc giả cũng sẽ dễ dàng nhận ra nét hóm hỉnh, lạc quan, đôi khi là tếu táo, nét đặc trưng của tính cách Hà Chương.

Câu chuyện của nhạc sĩ Hà Chương gửi gắm trong tự truyện đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người đang gặp khó khăn hay đang mất phương hướng trong cuộc sống đặc biệt là người khuyết tật. Nhạc sĩ, ca sĩ khiếm thị nhưng lại sở hữu nghị lực phi thường, sự tự tin, dũng cảm trước những thiệt thòi cũng trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của nhiều người.

Hà Chương đã chứng minh được rằng: “Bao khó khăn và nghịch cảnh đều có thể khuất phục trước nghị lực và sự phi thường không giới hạn của con người”. Nhạc sĩ cũng đã thành công trong việc truyền động lực cho mọi người bài học về tinh thần lạc quan, cách chấp nhận và vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống bằng chính nghị lực, sự cố gắng của bản thân.

Rảo cản lớn nhất của chúng ta là trước khi thực hiện một công việc, ta tặc lưỡi: “Khó quá!”. Ở đời, cứ cái gì dễ thì chọn, chắc chẳng khác nhau con ốc bươu vàng có sẵn cỏ, lúa để ăn. Người ta đâu phải ai cũng muốn làm con ốc”, Hà Chương bộc bạch.

Phạm Vân



Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang