(ĐHVO). “Khi bạn quyết tâm muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ tác động để giúp bạn đạt được mục đích đó.” – Đây là câu nói tâm đắc trong cuốn Nhà Giả Kim của anh Lê Huy Hào, một người khiếm thị luôn luôn sống lạc quan và cố gắng hết mình để không chỉ giúp bản thân tự vượt lên khỏi khiếm khuyết mà còn nhiệt tình trong việc giúp đỡ những mảnh đời khó khăn khác trong xã hội.
Anh Lê Huy Hào (1996) sinh ra tại tỉnh Điện Biên, nơi cách thủ đô Hà Nội tận 500 km. Ấy vậy mà khi đó, một cậu bé khiếm thị chỉ mới 10 tuổi đã phải rời xa bố me, rời xa quê hương để ra Hà Nội học tập. Chuyện kể rằng, anh Lê Huy Hào sinh ra đã bị khuyết tật thị lực bẩm sinh. Vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn, mặc dù đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật với chi phí đắt đỏ nhưng điều may mắn chưa đến với anh, anh chỉ có thể quan sát được những vật thể ở ngay trước mắt. Bởi thế, anh không thể tham gia học tập cùng bạn bè đồng trang lứa. Vì thời bấy giờ, việc dạy học cho người khiếm thị tại một vùng quê miền núi còn khá xa lạ, khiến cho anh Hào tạm thời phải gác lại niềm đam mê học tập của mình khi mới chỉ ở độ tuổi bắt đầu được đi học.
Những tưởng rằng mình sẽ chẳng bao giờ có được cơ hội cắp sách đến trường, trong lúc bản thân và gia đình chán nản nhất thì thật may mắn, đến năm 2005, trong một dịp tình cờ, bố mẹ anh biết đến một ngôi trường chuyên dạy học cho trẻ em khiếm thị ở Hà Nội. Lúc này, trong anh như diễn ra cuộc đấu tranh tâm lý khi hoặc là được sống cùng gia đình mà mất đi cơ hội biết đến con chữ hoặc là phải tự thân tự lập ở chốn thị thành tấp nập và khởi đầu một quá trình thực hiện ước mơ. Nhận thấy tầm quan trọng của việc học tập là không gì có thể thay thế được nên gia đình anh Hào quyết tâm gửi gắm đứa con trai bé nhỏ của mình cho trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) để anh có thể được tiếp xúc với nền giáo dục phù hợp, tiến bộ.
Và thế là chỉ mới lên mười tuổi, anh Lê Huy Hào đã phải rời xa cha mẹ để tự lập một mình ở một nơi xa, nơi mà sẽ không có cha mẹ và bạn bè nơi quê nhà của anh. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý nhưng trong thời gian đầu ở nội trú tại trường, cậu bé mười tuổi ấy không thể tránh khỏi nỗi nhớ gia đình và sự tủi thân khi không còn được bố mẹ đùm bọc từng li từng tí. Nhưng rồi thời gian qua đi, nhờ sự quan tâm ân cần từ phía nhà trường, thầy cô và bạn bè, anh đã dần làm quen và thích nghi với môi trường mới. Và hơn thế, anh nhận ra được đây sẽ là cơ hội duy nhất để kéo mình ra khỏi bóng tối và mở ra cơ hội phát triển trong tương lai.
Sau 9 năm học tập tại Hà Nội, đối với anh Hào, trường Nguyễn Đình Chiểu như ngôi nhà thứ hai của anh, bởi tại đây, thầy cô, bạn bè và môi trường giáo dục đã giúp anh bước ra khỏi bóng tối để tiếp cận với tri thức, viết tiếp ước mơ. Tuy vậy, để có được thành công thì hơn ai hết, chính bản thân anh phải là người cố gắng và nỗ lực nhiều hơn cả. Anh Hào, từ một cậu bé nhút nhát từ miền núi Tây Bắc xa xôi nay đã trở nên tự tin, năng nổ trong các hoạt động đoàn thể, công tác xã hội như tổ chức và tham gia các phong trào, hoạt động tình nguyện, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, … Nhờ có tinh thần nhiệt huyết cùng ý chí vươn lên, anh đã xuất sắc hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và trở thành một Bí thư chi đoàn, Trưởng ban cán sự khối học sinh khiếm thị nhà trường gương mẫu.
Bởi bản thân là một người khiếm thị nên anh Hào thực sự thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của một người khuyết tật. Thế nên động lực thực hiện những hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn trong xã hội của anh càng trỗi dậy. Trong anh luôn đau đáu một nỗi lòng được chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người yếu thế cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là lí do anh tìm hiểu và lựa chọn ngành công tác xã hội và các trường đào tạo chuyên ngành này ngay từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường. Để thực hiện ước mơ của mình, kể từ năm lớp 11, anh ra sức học tập chăm chỉ, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân. Không phụ lại những nỗ lực, cố gắng trong bao năm, anh Hào may mắn là một trong hai học sinh được tuyển thẳng vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đối với anh, đây là cơ hội vô cùng quý giá, để giúp anh có thể tiếp tục thực hiện ước mơ, thay đổi số phận. Nhưng để theo đuổi được con đường chinh phục tri thức, bên cạnh sự bất tiện của bản thân do cơ thể khiếm khuyết, anh còn phải thích nghi với môi trường sống và giáo dục thay đổi. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và ý chí mạnh mẽ, anh không chỉ đạt thành tích cao trong học tập mà còn nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện. Mặc dù chỉ là một sinh viên khiếm thị, nhưng anh Hào tự tin có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó của một Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Đá. Anh cùng những người bạn đồng hành của mình đã thực hiện được rất nhiều chương trình tình nguyện như tổ chức trung thu cho trẻ em vùng sâu, vùng xa; các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội, … Bằng sức trẻ và tấm lòng đồng cảm của mình, anh đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh, gia đình khó khăn ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Và không chỉ dừng lại ở đó, tinh thần nhiệt huyết của anh còn được lan tỏa tại Hội người mù Thành phố Hà Nội, khi anh thường xuyên tham gia các hoạt động hỗ trợ cho người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị. Trong năm 2021, hoạt động thiết thực nhất anh từng tham gia đó là “Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người khuyết tật về phòng chống bạo lực”, bởi hơn ai hết, chính anh là người hiểu rõ nhất những bất công và sự đối xử bất bình đẳng mà một số người trong xã hội gây ra cho người khuyết tật. Năm 2022, anh Hào còn cùng những người bạn của mình lên kế hoạch và triển khai Dự án Break The Barriers. Đây là dự án phi lợi nhuận với sứ mệnh nâng cao tay nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, đồng hành cùng người khuyết tật trong công cuộc hòa nhập xã hội, đem lại môi trường làm việc công bằng, bình đẳng. Dự án nhân văn này hứa hẹn sẽ đem lại tác động tích cực đến cơ hội việc làm cho người khuyết tật, giúp họ được lao động phù hợp với sức khỏe của mình, tránh được suy nghĩ là phần gánh nặng trong xã hội.
Xóa bỏ mọi mặc cảm và cố gắng vươn lên trong cuộc sống, anh Lê Huy Hào đã khiến mọi người phải nhìn mình bằng ánh mặt ngưỡng mộ khi có thể giúp đỡ được nhiều người yếu thế trong xã hội và đặc biệt là thành tích học tập đáng nể của anh. Trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh Hào liên tiếp nhận được các học bổng dành cho sinh viên xuất sắc, thậm chí là cả học bổng quý giá của Tập đoàn AEON Nhật Bản. Có lẽ đến đây, mọi người sẽ đặt ra câu hỏi rằng, tại sao một người khiếm thị như anh lại có thể vừa đạt được thành tích cao trong học tập, lại vừa nhiệt tình tham gia và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa như thế? Câu trả lời là bởi, cũng chính vì là người khuyết tật nên anh là người hiểu rõ nhất sự khó khăn, thiếu thốn của nỗi khiếm khuyết cơ thể và sự đối xử bất bình đẳng trong cuộc sống mà một người khuyết tật sẽ gặp phải. Chính anh là người khiến mọi người phải thay đổi tư duy và suy nghĩ về một người khuyết tật, là người sẽ giúp cho xã hội trong tương lai tốt đẹp và nhân ái hơn.
Kết quả của hơn 20 năm cố gắng của anh Lê Huy Hào chính là thành tích Thủ khoa ngành Công tác xã hội khóa QH2018-X – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), điều mà 4 năm trước đây anh chưa từng nghĩ tới. Không những thế, anh còn là một trong 50 tấm gương người khuyết tật tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022. Nhìn lại chặng đường đã trải qua, một điều chắc chắn rẳng, anh Lê Huy Hào sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa để cống hiến sức mình vì người khuyết tật nói riêng và vì một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái nói chung.
Hồng Liên