Khái lược về ông Đặng Văn Thanh: Một con người “không bình thường” và những việc làm không tầm thường

Là một người khuyết tật không chịu đầu hàng số phận, không khuất phục trước những khó khăn do cuộc sống mang lại, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam, một người “không bình thường” đã làm được những việc không hề tầm thường trong suốt hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực người khuyết tật.

Ông Đặng Văn Thanh (hàng đầu tiên, thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng với lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cùng các đại biểu quốc tế tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

“Không bình thường” vì tuổi thơ kém may mắn

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và truyền thống cách mạng với 10 anh chị em sống ngay tại trung tâm Hà Nội, gần hồ Hoàn Kiếm, cậu bé Thanh là con út  được yêu thương, đùm bọc, chăm sóc đầy đủ của mọi người thân trong gia đình như bao đứa trẻ đồng trang lứa khác. Lúc mới ra đời, cậu bé Thanh cũng khôi ngô, khỏe mạnh, lanh lợi như các anh chị em của mình, cho đến khi cậu lên hai tuổi.

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi chiều cuối hè, đầu thu năm 1960, cậu được anh trai lớn dẫn đi chơi đá bóng tại Quảng trường Cách mạng Tháng tám (trước Nhà hát lớn Hà Nội) cùng bạn bè. Sau trận bóng, cậu cùng anh và những người bạn hàng xóm ra Hồ Gươm để tắm mát trước khi trở về căn nhà trong ngõ chùa Vũ Thạch số 13 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm cách đó vài chục mét, và “số phận” cậu bắt đầu thay đổi từ đây. Đang từ một cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát, sau trận sốt bại liệt Thanh không thể đi lại được nữa, muốn di chuyển phải lê, bò do một chân bị liệt, teo tóp. Cậu trở thành một đứa trẻ “không bình thường”.

Ông Thanh kể lại: “Sau khi bị sốt, gia đình rất lo lắng, tìm mọi biện pháp tốt nhất để điều trị, nhưng hồi đó đất nước đang chiến tranh, cái gì cũng thiếu thốn, nền  y học còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc điều trị bệnh bại liệt. Tuy nhiên, năm 1964, một cơ may đã đến. Một người bác làm lãnh đạo ở bệnh viện Việt Xô cho biết bệnh viện Việt Đức mới có 2 bác sỹ được đào tạo ở Đức về phẫu thuật xương khớp hỗ trợ điều trị căn bệnh này. Trải qua ca phẫu thuật năm 1965, bệnh tình thuyên giảm, cùng sự cố gắng của bản thân và quan tâm của gia đình, tôi bắt đầu đi được trở lại”.

Nhưng trớ trêu thay, đúng thời điểm cần mổ lần thứ hai để có thể giúp cậu bé Thanh đi lại dễ dàng hơn thì chiến tranh lan ra miền Bắc, nên cậu  phải cùng gia đình phải đi sơ tán. Ca phẫu thuật không được thực hiện, cậu bé Thanh đành “đi cà nhắc suốt đời”.
Nhớ lại, ông Thanh nói, giọng thâm trầm: “Thời gian đi sơ tán là thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời, bởi lúc đó nhận thức về người khuyết tật còn nhiều hạn chế, đi học thì bị bạn bè trêu chọc; có những ngày mùa đông rét mướt bị bạn đẩy xuống ruộng, quần áo ướt sũng về nhà, lạnh buốt. Tất nhiên, đấy là trò đùa con nít, nhưng cũng khiến một đứa trẻ như tôi  tủi thân, mặc cảm. Thế nhưng, bù lại, gia đình thì lại hết mực yêu thương vì ngoài việc  là con út, mọi người lại quan niệm tôi “gánh hạn” cho cả gia đình. Vì vậy, khi đó, thay vì cứ suy nghĩ than thân trách phận thì chỉ nghĩ làm sao phải cố gắng học, tích lũy kiến thức để chứng minh cho mọi người thấy khả năng của mình.”

Ông Đặng Văn Thanh, chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch, các phó Chủ tịch Hội NKT TP. Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Và những việc không tầm thường

Sau khi học xong phổ thông, ông cùng một số anh em đã thành lập hợp tác xã cơ khí sản xuất ốc tanh xe đạp, cồn bát phuốc trục giữa xe đạp, sau đó sản xuất kẹo dân tộc (kẹo vừng, kẹo lạc)…  Sau nhiều năm bươn chải với nhiều công việc, tích lũy kinh nghiệm sống, nhớ lại lời cha ông căn dặn trước khi qua đời là con phải vào cơ quan, xí nghiệp làm việc (quan niệm thời bao cấp). Năm 1987, ông vào làm nhân viên Phòng Tổng hợp xí nghiệp 202 của người tàn tật quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Từ một nhân viên Phòng Tổng hợp, sau hai năm làm việc, ông Thanh đã được xí nghiệp cử đi học lớp trợ lý giám đốc khóa 1 tại Trường Trung cấp Văn thư lưu trữ tại Phúc Yên, sau  khi hoàn thành lớp học, ông được kết nạp Đảng và bổ nhiệm là Phó Trưởng phòng Tổng hợp. Và với khả năng của mình, Ông từng bước trải qua nhiều vị trí lãnh đạo của xí nghiệp, như: Quản đốc Phân xưởng bao bì năm 1990, phụ trách 120 người khuyết tật và thương binh; Trưởng phòng Kinh doanh năm 1992; Trợ lý Giám đốc năm 1994 và chính thức làm Giám đốc Xí nghiệp từ năm 1997 đến năm 2008.

Trong suốt quá trình công tác, từ khi làm cán bộ phòng đến Giám đốc Xí nghiệp, Ông đã tạo công ăn việc làm với mức thu nhập thuộc loại  khá vào thời điểm bấy giờ cho hàng trăm công nhân đều là thương binh, người khuyết tật; học sinh khuyết tật học nghề được cấp sổ gạo 17,5kg/tháng; học sinh ngoại tỉnh được nhập hộ khẩu Hà Nội; kết nối, giúp hàng chục cặp đôi người khuyết tật đến với nhau xây dựng bến bờ hạnh phúc; cấp hơn 20 căn nhà cho anh chị em công nhân;…. Những điều mà ít doanh nghiệp nào hay giám đốc “bình thường” nào lúc bấy giờ có thể làm được. Đặc biệt, Ông cũng chính là người đã tạo điều kiện để nhóm Vì tương lai tươi sáng – tiền thân của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội – có trụ sở làm việc vì Ông cho rằng không ai  có thể làm cho người khuyết tật tốt hơn là tổ chức của chính những người khuyết tật. Ông Thanh cho biết thêm: Hiện nay, Hội Người khuyết tật Hà Nội là một trong những hội của người khuyết tật lớn mạnh nhất cả nước với mạng lưới  tổ chức từ thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn; hoạt động hiệu quả nhất với nhiều hoạt động thiết thực trong việc thúc đẩy hiện thực hóa quyền của người khuyết tật không chỉ trong địa bàn Hà Nội, mà còn là tấm gương, là con chim đầu đàn cho các tổ chức của và vì người khuyết tật ở các tỉnh, thành phố khác lấy đó làm mô hình noi theo.

Ông Thanh phát biểu trong buổi Hội thảo kết nối mạng lưới phụ nữ khuyết tật và phát động cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo – kết nối thành công”

Khi được hỏi vì sao ông lại từ bỏ chức vụ Giám đốc một xí nghiệp với hàng trăm công nhân, có mức thu nhập ổn định để tham gia các hoạt động xã hội phi lợi nhuận, không có lương, không có trợ cấp, tự chủ kinh tế, ông nói trong tâm thế hân hoan: “Đơn giản vì tôi muốn có thêm nhiều cơ hội để có thể đóng góp nhiều hơn cho người khuyết tật Việt Nam. Trong suốt một thời gian dài, người khuyết tật Việt Nam bị cộng đồng xã hội kỳ thị, nhận thức vẫn còn nhiều hạn chế; bản thân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật cũng bị tâm lý mặc cảm, không tự tin, thậm chí cho đến tận bây giờ vẫn còn những quan niệm như vậy, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật, khẳng định quyền và vị thế của người khuyết tật. Ngay từ Hiến pháp 1946, hay như trong Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chủ tịch vĩ đại đã khẳng định “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và tất cả mọi người ở đây nghĩa là bao gồm cả người khuyết tật. Và xa hơn nữa là Bộ luật Hồng Đức cũng đã có những chế định liên quan đến người khuyết tật và quy định rõ trách nhiệm của xã hội, của cộng đồng, còn nay là Luật Người khuyết tật năm 2010 thay thế Pháp lệnh Người tàn tật năm 1998. Việt Nam cũng tham gia và phê chuẩn Công ước LHQ  về quyền của người khuyết tật, ký kết  nhiều khung Kế hoạch, Chiến lược về hỗ trợ người khuyết tật trong khu vực và quốc tế”.

Ông Thanh tâm sự: “Nếu vẫn làm Giám đốc, tôi chỉ có thể giúp được một vài trăm thương binh và người khuyết tật, trong khi đó Việt Nam là một quốc gia có nhiều người khuyết tật mà theo số liệu chính thức hiện nay là 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm khoảng 7,06% dân số; còn theo số liệu của Ngân hàng thế giới  thì Việt Nam là một trong số các quốc gia đang phát triển có tỷ lệ người khuyết tật trung bình chiếm khoảng 10% dân số, nghĩa là Việt Nam phải có gần 10 triệu người khuyết tật. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ra tình trạng khuyết tật  ngày càng nhiều, nếu như trước kia nguyên nhân chủ yếu là do bẩm sinh, chiến tranh thì nay các nguyên nhân chính lại đến từ tác động của  biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tác động xã hội….  Mong muốn có nhiều cơ hội trợ giúp người khuyết tật hơn, trợ giúp được nhiều người khuyết tật hơn, trong đó phải kể đến việc thay đổi tư duy, nhận thức về người khuyết tật của chính bản thân người khuyết tật và gia đình cùng cộng động xã hội, các cơ quan chức năng… đã là động lực để tôi từ bỏ “thế giới vàng” đến với các tổ chức hội của và vì người khuyết tật.”

Ông Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam thay mặt 6,2 triệu NKT phát biểu tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12/2019

Ngay từ khi làm Giám đốc xí nghiệp, ông cho biết thêm, ông đã  trăn trở suy nghĩ để làm sao giúp được người khuyết tật có cơ hội được học nghề, được tạo công ăn việc làm ổn định, tự mình vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho gia đình và xã hội, đặc biệt trong tình hình ở  Việt Nam, quốc gia có trên 60% người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động. Chính vì vậy ông luôn mong muốn có một tổ chức hội chuyên về sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật. Nghĩ được thì phải làm được, ông đã cùng một số cộng sự, với sự trợ giúp của ông Nghiêm Xuân Tuệ khi đó là Phó Vụ trưởng vụ quan hệ quốc tế Bộ LĐTB&XH, thành lập Ban Vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh của người khuyết tật Việt Nam, nay là Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam, mà ông là Trưởng ban. Năm 2003, Hiệp hội chính thức được thành lập và  trở thành  mái nhà chung của các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật trong suốt gần 20 năm qua (Hiệp hội ban đầu có 113 tổ chức hội thành viên, sau gần 20 năm Hiệp hội có trên 700 tổ chức hội thành viên là doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Những cơ sở này đã dạy nghề cho hàng nghìn người và tạo công ăn việc làm cho trên 20.000 người là thương binh và người khuyết tật không những sản xuất đa dạng các mặt hàng phục vụ xã hội mà hàng năm còn nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng).

Với vai trò, cương vị mới là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội, được tham gia nhiều hội nghị quốc tế và học hỏi tại nhiều quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Đan Mạch, Hàn Quốc…, cùng với những kinh nghiệm rút ra trong quá trình hoạt động, ông Thanh  nhận  ra rằng, chỉ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là chưa đủ, mà người khuyết tật còn nhiều quyền khác như giáo dục, y tế, tiếp cận giao thông, công trình xây dựng…. cũng cần được đảm bảo.

Ông Thanh khẳng định: Quyền của người khuyết tật chỉ được hiện thực hóa, người khuyết tật chỉ được hòa nhập vào cộng đồng xã hội bình đẳng và đầy đủ khi bản thân người khuyết tật cùng gia đình, cộng đồng xã hội nhận thức đúng đắn hơn về lĩnh vực khuyết tật và các chính sách được thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả.

Ông Đặng Văn Thanh trình bày tham luận tại hội thảo “Chính sách BHYT đối với NKt – Thực trạng và định hướng sửa đổi, bổ sung”

Trải qua quá trình hoạt động, học hỏi từ nhiều quốc gia, ông cùng các cộng sự đã đưa ra ý tưởng thành lập Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (tổ chức của và vì người khuyết tật ở cấp quốc gia, là đại diện tham gia các hoạt động quốc tế cũng như đầu mối điều hòa, phối hợp các tổ chức hội của và vì người khuyết tật từ trung ương đến địa phương). Ban Sáng lập để thành lập Liên hiệp hội được thành lập năm 2009 và đến tháng 4/2010 Bộ Nội vụ chính thức có quyết định thành lập Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam. Năm 2011, Đại hội lần thứ nhất Liên hiệp hội, nhiệm kỳ đầu tiên ông giữ vai trò là Phó Tổng Thư ký, rồi Quyền Tổng Thư ký và đến nay là Phó Chủ tịch Thường trực của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam nhiệm kỳ II, 2017 – 2022. Với vai trò và trách nhiệm của mình, trong nhiều năm qua, cùng với Ban lãnh đạo Liên hiệp hội ông Thanh đã tích cực thúc đẩy việc thành lập các tổ chức của và vì người khuyết tật các tỉnh, thành trong cả nước (ban đầu, cả nước có 7 tổ chức hội thành viên ở cấp trung ương; 11 tổ chức hội thành viên là hội người khuyết tật các tỉnh/thành phố. Đến nay, sau 10 năm hoạt động Liên hiệp hội đã phát triển thêm 14 tổ chức hội của người khuyết tật tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, nâng tổng số hội của người khuyết tật lên 25 tổ chức cùng 12 trung tâm, 2 mạng lưới và hàng trăm câu lạc bộ của người khuyết tật); phối hợp cùng nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các tổ chức của và vì người khuyết tật tổ chức, điều hành các cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho người khuyết tật, thực hiện nhiều dự án liên quan đến người khuyết tật như dạy nghề tạo việc làm, phổ biến chính sách…; tổ chức, tham gia nhiều hội thảo thúc đẩy, giám sát thực hiện, phản biện chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật; khảo sát thực trạng, nhu cầu, mong muốn của người khuyết tật…

Hiện nay ông Đặng Văn Thanh còn  là thành viên Tổ Tư vấn của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật (NCD), thường xuyên được NCD, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các tổ chức quốc tế như Unicef mời tham gia đoàn công tác kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc thực thi luật và các chính sách liên quan đến người khuyết tật… Ông cũng là một trong số những cá nhân có nhiều tâm huyết trong việc đấu tranh, bảo vệ quyền cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Ông Thanh cũng được mời tham gia là ủy viên, thành viên của nhiều hoạt động, dự án, chương trình nghiên cứu, hoạch định kế hoạch của các cơ quan nhà nước….

Hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực khuyết tật, với trí tuệ và trí nhớ thuộc hàng “lâu, dai” của mình, ông Đặng Văn Thanh là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm có nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể cho người khuyết tật, cho lĩnh vực khuyết tật. Ông luôn được sự tin tưởng của các cơ quan, ban, ngành cũng như các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các tổ chức của và vì người khuyết tật khi cần những bài tham luận chia sẻ liên quan đến lĩnh vực này.
Có thể nói, dù ở cương vị nào, Giám đốc Xí nghiệp 202 của người khuyết tật giúp thay đổi cuộc sống của hàng trăm con người hay lãnh đạo một tổ chức cấp quốc gia về người khuyết tật, ông Thanh cũng làm việc hết mình, bền bỉ, kiên trì để đạt mục tiêu và cũng là ước nguyện của riêng mình : góp phần thay đổi cuộc sống, tạo dựng tương lai tươi sáng của người khuyết tật Việt nam.

Bên cạnh những hoạt động đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng người khuyết tật, ông Thanh cũng là một người chồng, người cha luôn dành sự quan tâm chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình như biết bao người khác.  Ông lập gia đình năm 1981, và sống hạnh phúc bên người vợ hiền, đảm đang cùng con cháu đuề huề, yên ấm.

Vì những đóng góp tích cưc của mình ông Đặng Văn Thanh cùng các tổ chức đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng
– Năm 1989 Xí nghiệp 202 của người khuyết tật được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và bằng khen của Chính phủ;
– Năm 2019 Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam mà ông làm Phó Chủ tịch từ khi thành lập đến nay được tăng Huân chương Lao động hạng Ba
– Cá nhân ông được nhận các Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Mặt trận Tổ quốc Việt nam.
Có thể nói, ông Đặng Văn Thanh là một người có chút gì đó “không bình thường” do khiếm khuyết trên cơ thể, nhưng những việc làm của ông trong hơn 30 năm qua, đặc biệt hiện nay với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, quả thực không tầm thường vì nó đã, đang và sẽ từng bước góp phần thiết thực vào hành trình hiện thức hóa quyền của người khuyết tật và vì hạnh phúc của người khuyết tật như mục tiêu của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã đề ra trong Chiến lược hoạt động của mình./.

Huy Văn

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang