Khắc phục tình trạng “đói sách” cho người khuyết tật

(ĐHVO). Hiệp ước Marrakesh và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi: Hài hòa giữa bảo vệ bản quyền tác giả và quyền tiếp cận ấn phẩm cho người khuyết tật (NKT) chữ in. Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lý mới về quyền tác giả đã đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục tình trạng “đói sách” đối với NKT.


Toàn cảnh buổi tập huấn Hiệp ước Marrakesh

Nỗi lo NKT thiếu ánh sáng tri thức

Có thể thấy, người khiếm thị không chỉ phải vật lộn với tình trạng không thể nhìn thấy ánh sáng vật lý, mà còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu ánh sáng tri thức do khả năng tiếp cận các ấn phẩm bị hạn chế. Để giúp NKT có điều tiếp cận với những thông tin, kiến thức mới cũng như giúp NKT hiểu hơn về Hiệp ước Marrakesh và những quy định pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan dành cho NKT. Ngày 22/6, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Tập huấn về Hiệp ước Marrakesh và những quy định pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan cho người khuyết tật theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: “Theo thống kê của Hiệp hội Người mù thế giới, chỉ có dưới 1% sách đã xuất bản ở các nước đang phát triển được chuyển đổi sang định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in, gồm người khiếm thị, người khuyết tật về nhận thức, khó khăn trong việc đọc, hoặc khuyết tật thể chất khiến họ không thể cầm hoặc lật trang sách, không đưa mắt đọc được ở mức độ bình thường …” Tình trạng “đói sách” là rào cản tiếp cận lớn về giáo dục, việc làm và phát triển của người khuyết tật chữ in, đặc biệt là người khiếm thị – nhóm khuyết tật chiếm khoảng 1,03 triệu người trong dân số Việt Nam.

Tỷ lệ người mù biết chữ và có việc làm ở Việt Nam vẫn khá thấp (38,5% biết chữ và gần 21% có việc làm, theo nghiên cứu của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc năm 2011). Tình trạng “đói sách” tồn tại ngay cả ở các nước phát triển như Hoa Kỳ. Theo thống kê của Liên đoàn người mù quốc gia Hoa Kỳ năm 2015, chưa đầy 5% các tác phẩm đã xuất bản được chuyển đổi sang định dạng phù hợp với người mù và người không có khả năng đọc chữ in. Với mong muốn tăng cường khả năng tiếp cận ấn phẩm cho những người không có khả năng đọc chữ in thông qua việc sử dụng các ngoại lệ về bản quyền, Hiệp ước Marrakesh đã chính thức ra đời vào năm 2013.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại buổi tập huấn Hiệp ước Marrakesh

Cũng tại Hội nghị, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: Chúng tôi đặc biệt ca ngợi Việt Nam đã có những nỗ lực đáng khen ngợi để cải thiện khả năng tiếp cận thông tin cho NKT chữ in, từ việc đưa vào Luật Bản quyền các ngoại lệ vào năm 2005 đến việc mở rộng các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022. Vào tháng 12/2022, Việt Nam đã gia nhập Hiệp ước Marrakesh và Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã được ban hành để hướng dẫn việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi.

Lý giải rõ hơn về quyền tác giả, tác phẩm cho NKT, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết: Hiệp ước Marrakesh tạo ra môi trường pháp lý nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho NKT nhìn, NKT không có khả năng đọc chữ in và NKT khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường, tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ lợi ích chung.

Hội thảo tập huấn đặc biệt dành cho các tổ chức thành viên là những người khuyết tật chữ in đã diễn ra nhằm kỷ niệm 10 năm ra đời Hiệp ước Marrakesh (ngày 27 tháng 6 năm 2013). Hiệp ước này đã đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các rào cản đối với NKT chữ in, từ đó tạo điều kiện cho khả năng tiếp cận thông tin bình đẳng và nâng cao cơ hội giáo dục và việc làm.

Xóa bỏ “rào cản” cho người khuyết tật

Hiện nay, đã có 92 bên ký kết đã tham gia hiệp ước, bao gồm 118 quốc gia và lãnh thổ, và Việt Nam là thành viên mới nhất. Sự thành công của hội thảo tập huấn được thể hiện qua sự tập trung và nỗ lực của các bên liên quan trong việc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin cho NKT chữ in. Đại diện từ các cơ quan nhà nước như Bộ Lao động – Thương Binh và Xã Hội, Bộ Văn Hóa – Thể Thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham dự, cùng với hơn 60 đại biểu, học viên tham gia trực tiếp và gần 50 đại biểu tham gia trực tuyến, đều là những NKT chữ in đến từ khắp các tỉnh thành ở Việt Nam.


Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mùa Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn Hiệp ước Marrakesh

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, theo dự báo, số NKT nhìn hoặc không có khả năng đọc chữ in sẽ tăng hơn nữa trong các thập kỷ tới do dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, nhiều khả năng sẽ tăng số lượng người cao tuổi có thị lực kém và không có khả năng đọc chữ in.

“Bởi vậy, việc tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như chữ Braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ kí hiệu,v.v… càng trở nên quan trọng ở Việt Nam nhằm đảm bảo cho NKT không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.” – bà Oanh cho biết thêm.

Hiệp ước Marrakesh không chỉ đánh dấu sự cam kết của Việt Nam, mà còn là một bước quan trọng trong việc xây dựng một môi trường công bằng và thuận lợi hơn cho NKT chữ in. Nhờ Hiệp ước này, các rào cản về bản quyền sẽ được loại bỏ, tạo điều kiện cho việc sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận, từ đó giúp NKT có cơ hội tiếp cận tri thức, giáo dục và việc làm.

Cũng theo bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam: Chính phủ Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực thi Hiệp ước Marrakesh và các quy định về giới hạn và ngoại lệ bản quyền. Sự phối hợp giữa Chính phủ, các tổ chức và các bên liên quan sẽ đảm bảo rằng những lợi ích của Hiệp ước Marrakesh sẽ được truyền đạt và thực hiện một cách hiệu quả nhất.

“Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua, thông qua Hiệp ước Marrakesh và các nỗ lực liên quan, chúng ta đang bước đi trên con đường cải thiện quyền tác giả và quyền tiếp cận sách cho NKT chữ in. Điều quan trọng là tất cả chúng ta, bao gồm Chính phủ, các tổ chức và cộng đồng, cùng đồng lòng và hợp tác để xây dựng một xã hội hỗ trợ và công bằng hơn cho tất cả mọi người, không phân biệt khả năng của họ” – bà Việt Anh nhấn mạnh.

Hiệp ước Marrakesh và những quy định pháp luật mở ra cánh cửa hy vọng cho những NKT chữ in, cho phép họ tham gia và tiếp cận với vô vàn tri thức và cơ hội mới mà văn hoá đọc mang lại.

Thu Trang

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang