Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật và các chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về triển khai các giải pháp tăng cường tiếp cận giao thông cho người khuyết tật đã đạt được những kết quả nhất định, hệ thống hạ tầng giao thông, bến xe khách, các cảng hàng không, đường sắt đô thị, công trình vệ sinh, phương tiện giao thông công cộng từng bước được cải thiện theo hướng thuận tiện cho người khuyết tật tiếp cận.
Giai đoạn 2012-2020, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam có các hạng mục liên quan đến điều kiện người khuyết tật tiếp cận sử dụng, ban hành các Thông tư quy định về chính sách trợ giúp NKT ở các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không. Trong tất cả các Luật, Bộ luật chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải khi tiến hành xây dựng hoặc điều chỉnh, Bộ GTVT luôn quan tâm lồng ghép các điều khoản đảm bảo phát triển giao thông tiếp cận để hỗ trợ người khuyết tật, người cao tuổi tiếp cận sử dụng. Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của Luật Người khuyết tật, Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Cùng với đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, nghiệm thu các công trình cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đối với các hạng mục hạ tầng giao thông phải tuân thủ các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam.
Cụ thể, từ năm 2012-2020, về hạ tầng giao thông, đến thời điểm hiện tại cơ bản các công trình nhà ga, bến xe, bến tàu được xây dựng mới đáp ứng quy chuẩn tiếp cận, có đường dốc, nhà vệ sinh, vị trí ghế ưu tiên tại phòng bán vé. Đối với các công trình giao thông cũ, ước tính có 30 – 40% được cải tạo đáp ứng các quy chuẩn về giao thông tiếp cận. Ước tính 30% bến xe khách trong tổng số 457 bến xe ở Việt Nam đã có hạ tầng bảo đảm người khuyết tật sử dụng; 16 ga tàu loại 1 đường sắt Việt Nam đều bố trí cửa vé ưu tiên phục vụ người khuyết tật và bố trí chỗ ngồi phù hợp, thực hiện hỗ trợ xếp hành lý; 21 cảng hàng không nhà ga của Việt Nam đều có đường tiếp cận, xe lăn, nhà vệ sinh cho người khuyết tật và 13/22 cảng hàng không có xe nâng hành khách sử dụng xe lăn và tất cả các hãng hàng không Việt Nam đều có quy định về phục vụ hành khách là người khuyết tật4. Lĩnh vực đường thủy nội địa đến nay đã có cảng khách quốc tế Hạ Long đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật.
Về phương tiện giao thông, có 07/63 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định cụ thể về tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật. Cả nước đã có 478 xe buýt sàn thấp, chiếm 4,8% tổng số xe buýt đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận. Trên các phương tiện công cộng như xe buýt đều có niêm yết ghế dành riêng cho các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Bàn nâng xe buýt cho người khuyết tật
Về tình hình miễn giảm giá vé tham gia giao thông đối với người khuyết tật: nhiều địa phương đã chủ động làm tốt công tác tổ chức vận tải, hạ tầng giao thông, thiết bị phục vụ cho người khuyết tật, thực hiện miễn, giảm giá vé cho người khuyết tật. Cụ thể: Trong lĩnh vực đường bộ, một số địa phương đã thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho người khuyết tật khi tham gia giao thông công cộng. Trong lĩnh vực đường sắt, tại tất cả các ga trên cả nước hành khách là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được giảm 30% giá vé đi tàu. Trong lĩnh vực hàng không, các hãng hàng không đều giảm 20% giá vé từ mức giá trần hạng phổ thông cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng khi mua vé máy bay các tuyến trong nước. Trong lĩnh vực đường thủy nội địa và hàng hải, thực hiện chính sách giảm giá 25% cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật và pháp luật liên quan đến người khuyết tật đã được triển khai đến đội ngũ cán bộ điều hành vận tải, chủ phương tiện, đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe ô tô.
Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến các nội dung trong Luật Người khuyết tật tại “Điều 41. Tham gia giao thông của người khuyết tật; Điều 42. Phương tiện giao thông công cộng” đã giúp các cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải nhận thức rõ hơn về trách nhiệm trợ giúp người khuyết tật, tạo kiều kiện tốt hơn cho người khuyết tật khi tham gia giao thông công cộng. Các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện các quy định hỗ trợ cho người khuyết tật tham gia giao thông công cộng như miễn giảm giá vé, ưu tiên, trợ giúp người khuyết tật khi mua vé, mang vác hành lý lên tàu xe tại các bến xe, ga đường sắt, sân bay.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2012-2020 hoạt động trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực giao thông vận tải đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức doanh nghiệp vận tải, cá nhân, cộng đồng dân cư quan tâm, hỗ trợ người khuyết tật tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng. Nhiều địa phương đã có những ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông tiếp cận: Tại các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư phương tiện xe buýt sàn thấp có bố trí chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết tật, trang bị thiết bị hỗ trợ người khuyết tật lên xuống phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận song hoạt động trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng còn nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực đường bộ, đa số quy mô của các đơn vị vận tải trên địa bàn các tỉnh, thành phố còn nhỏ lẻ. Chi phí đầu tư phương tiện có công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật tiếp cận cao hơn so với các phương tiện thông thường mà mức độ sử dụng còn thấp, do vậy các đơn vị vận tải thường không lựa chọn đầu tư các phương tiện mới đáp ứng được nhu cầu vận chuyển cho người khuyết tật. Việc đầu tư xây dựng hoặc cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện để người khuyết tật dễ dàng tiếp cận được triển khai chưa đồng bộ, chưa xây dựng được các tuyến phố, khu vực đường dành riêng cho người khuyết tật sử dụng. Các điểm dừng, nhà chờ xe buýt, vỉa hè… chưa đáp ứng hết các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo cho người khuyết tật sử dụng.
Trong lĩnh vực đường sắt, một số nhà ga, hiện nay ke ga còn thấp hơn với sàn của toa xe, do vậy người khuyết tật lên xuống tàu vẫn gặp nhiều khó khăn, một số nhà ga vẫn chưa bố trí nhà vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật. + Kinh phí đầu tư đóng mới toa xe phục vụ người khyết tật còn nhiều khó khăn. Do vậy, tính đến nay ngành đường sắt chỉ có 01 toa xe khách trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng đủ tiêu chuẩn quy định phục vụ người khuyết tật. Hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chuyển sang mô hình công ty cổ phần, trong khi chưa được bố trí kinh phí thực hiện hoạt động trợ giúp người khuyết tật và các chi phí bù đắp cho việc giảm giá vé cho người khuyết tật nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cơ sở vật chất của ngành đường sắt còn lạc hậu, nguồn lực còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu của hành khách là người khuyết tật.
Để thực hiện hiệu quả hoạt động trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực giao thông vận tải, ngành GTVT có đề xuất cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về giao thông tiếp cận có trong Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của NKT. Cùng với đó, một số bộ phận cán bộ quản lý cấp địa phương của các Sở ngành chưa được tập huấn về việc phải chú trọng đến các yếu tố kỹ thuật của hệ thống giao thông tiếp cận, việc trợ giúp người khuyết tật, nên chưa ý thức được trách nhiệm thực hiện Luật Người khuyết tật, quyền của người khuyết tật dẫn đến một số công trình xây dựng chưa đáp ứng đúng các quy chuẩn, quy định để người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Đây chính là đội ngũ có ảnh hưởng đến việc đề xuất, triển khai các dự án hỗ trợ người khuyết tật và là những người có quyền ra quyết định tác động đến sự thành công của các dự án giao thông tiếp cận tại các địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung tập huấn cho những đối tượng trên./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội