Nhìn những trẻ em nghèo vùng cao từ nhỏ chưa một lần biết đến bột mầu, cọ vẽ… bên những bức vẽ của mình đang dần hiển hiện trên nền vải lanh – tấm toan vẽ do chính các mẹ, các chị dệt nên dưới sự hướng dẫn của các họa sĩ mới thấy hết sự háo hức của trẻ thơ. Sáu năm qua, dự án mỹ thuật “Ngôi sao miền núi” không chỉ mang đến niềm vui cho các em mà còn kết nối, thắp sáng những ước mơ ấy trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Khơi dậy tình yêu quê hương
Với sự ủng hộ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, dự án mỹ thuật “Ngôi sao miền núi” được nhà nghiên cứu người Ðài Loan (Trung Quốc) Quách Ngạn Vỹ khởi xướng, tài trợ trong thời gian anh nghiên cứu, thực hành ứng dụng mỹ thuật tại Việt Nam. Nhóm họa sĩ tổ chức các hoạt động dưới hình thức đi thực tế sáng tác kết hợp dạy vẽ cho trẻ em địa phương. Sau mỗi chuyến đi, tiền bán tranh của họ được trích lại khoảng 50% để đóng góp cho quỹ và dành để tiếp tục triển khai dự án ở các vùng, miền khác hoặc hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, quà bánh cho trẻ em khó khăn ở những nơi dự án được triển khai. Thời gian đầu, chỉ có 15 họa sĩ, chủ yếu là giảng viên, sinh viên Khoa Mỹ thuật, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tham gia, nhưng đến nay đã có khoảng 30 họa sĩ chính thức và mỗi năm khoảng 50 họa sĩ tương tác. Phần lớn họ đều dưới tuổi 40.
Họa sĩ Nguyễn Trường Linh, gắn bó với dự án từ những ngày đầu chia sẻ, tất cả các vùng, miền mà “Ngôi sao miền núi” triển khai hoạt động đều có nhiều khó khăn thiếu thốn về đời sống vật chất, tinh thần và hầu hết trẻ em ở những nơi đó còn thiếu tự tin, chưa định hình được ước mơ, hoài bão. Ðiểm đến đầu tiên của dự án là các trường tiểu học ở Hà Giang như: Ðông Hà, Quyết Tiến, Quản Bạ, Lũng Cú, Sủng Là… Nhóm họa sĩ giảng dạy cho hơn 300 thiếu niên, nhi đồng. Ðầu tiên, họ tổ chức trò chơi tạo không khí gắn kết, chuyện trò nhằm giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp nơi vùng đất mình sinh sống, hướng dẫn sử dụng những nguyên liệu sẵn có tạo nên một tác phẩm nghệ thuật như bột mầu từ lá rừng, củi than, và toan vẽ có thể là vải lanh, thổ cẩm, mảnh gỗ, gáo dừa… Các học sinh người dân tộc Mông, Dao, Tày… cứ đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Ðược sinh ra và sống giữa núi rừng, bản làng, nhưng lần đầu các em có được những nguồn cảm hứng để thể hiện cảm nhận, ý thức về vẻ đẹp, giá trị của thiên nhiên, con người của vùng đất quê hương mình.
Tại Trường tiểu học Bát Ðại Sơn (xã Bát Ðại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), sau khi được nhóm họa sĩ hướng dẫn vẽ, các em Phàn Sài Vạn, Phàn Phủ Quẩy, Lò Thị Dúa, Giàng Thị Kia, Hầu Mí Giáo, Lù Thị Páo… nhanh chóng tạo thành một nhóm sáng tác chung, trên tay là những cây bút làm từ cành, lá thông. Tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang, cũng hình thành một nhóm các em: Vừ Mý Say, Sùng Mý Chơ, Làu Thúy Dua… để tham gia lớp vẽ. Ngày thường, các em có phần nhút nhát, lặng lẽ thì nay bỗng trở nên hoạt bát, nhanh nhảu bày tỏ ước mơ của mình rồi chăm chú trong từng nét vẽ thật bay bổng, hồn nhiên. Qua thời gian đầu còn bỡ ngỡ, các em đã dần trở thành những học trò tiềm năng. Từ những buổi ban đầu, dấu ấn của “Ngôi sao miền núi” bây giờ còn được triển khai tới những vùng miền xa xôi hơn như Tây Nguyên và cả vùng biển Cô Tô, Vũng Tàu…
Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ, các họa sĩ kể lại, hè năm 2019, khi nhóm đi thực tế, dạy vẽ ở Tịnh thất Bồng Lai (xã Hòa Khánh Tây, huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An), nơi có hơn 100 trẻ mồ côi, vô gia cư… điều họ xúc động nhất là ánh mắt trẻ em trong veo ánh lên niềm vui sướng khi chạm vào bút mầu, cọ vẽ. Giờ ngủ trưa, có em vẫn trở dậy, tự pha mầu, vẽ cả một bức tranh tường theo cách được hướng dẫn. Ở nhiều vùng miền còn khó khăn, trẻ em phải đi bộ vài giờ mới đến được lớp học, nhưng khi những lời động viên, khuyến khích thể hiện đúng cách, các em hưởng ứng đầy hào hứng, say mê. Trong quá trình truyền dạy, dự án tập trung khai thác bản sắc văn hóa bản địa qua yếu tố thổ nhưỡng, con người,… nên kết quả nhận được rất khả quan. Học sinh biết cách tạo mầu từ thiên nhiên, làm bút bằng cây lá, quan tâm bảo vệ môi trường. Tất cả chương trình đều được kết hợp với chính quyền địa phương, nhà trường, trung tâm bảo trợ xã hội để theo dõi, hỗ trợ trẻ em trong suốt thời gian dài. Ngay cả khi đoàn họa sĩ đã rời đi, các em vẫn tiếp tục vẽ và chờ đón sự trở lại tiếp nhận tác phẩm của họ. Hằng năm, trước Tết Nguyên đán một tháng, dự án cử từng nhóm họa sĩ tỏa đi khắp vùng miền để trao quà tặng trẻ nhỏ.
Cần lắm sự chung tay vì trẻ nhỏ
Mới đây, triển lãm “Sáu độ” nhân kỷ niệm sáu năm dự án đi vào hoạt động đã khai mạc tại Hà Nội, trưng bày hơn 50 tác phẩm của hơn 20 họa sĩ trẻ đương đại Việt Nam và các họa sĩ nhí là những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở xã đảo Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) và xã Bát Ðại Sơn (Quản Bạ, Hà Giang). Bên cạnh tranh vẽ, triển lãm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Nhiều năm nay, cùng với việc dạy vẽ, đến cuối năm, dự án “Ngôi sao miền núi” lại tổ chức triển lãm mỹ thuật ở trong nước, nước ngoài và tại chính địa phương nơi triển khai. Trong số đó có nhiều triển lãm để lại những ấn tượng sâu đậm với công chúng như: Ánh sao (2014), Sắc đá (2015), Dòng chảy (2016), Sơn lục (2017), Trường ca (2018), Sáu độ (2019)… Hoạt động này thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của đông đảo người yêu nghệ thuật và giới nghiên cứu, từ đó tạo nên sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Nhiều tác phẩm từ triển lãm đã được các nhà sưu tập mỹ thuật nước ngoài đặt mua. Nhóm họa sĩ dự kiến hướng tới một triển lãm quốc tế vào năm 2021 tại tỉnh Kiên Giang với sự tham gia của các họa sĩ đến từ nhiều quốc gia như: Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái-lan… cùng các hoạt động bổ trợ như: mở cuộc thi sáng tác, dạy và tương tác với trẻ em…
Ðánh giá về dự án “Ngôi sao miền núi”, họa sĩ Lương Xuân Ðoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Ðây là việc làm đáng trân trọng, góp phần lan tỏa tình yêu hội họa, mang niềm vui đến cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Qua những tác phẩm đã được trưng bày tại triển lãm, có thể đánh giá hiệu quả khả quan về truyền dạy, tương tác đối với trẻ em”. Hầu hết tác phẩm đều tạo hiệu ứng thị giác tốt, nổi bật yếu tố văn hóa bản địa, có sự khác biệt, tiến bộ giữa năm này với năm khác. So sánh triển lãm “Sáu độ” (2019) với chuỗi triển lãm trước có thể thấy được sự trưởng thành đáng phấn khởi bởi chủ đề tác phẩm của trẻ em và nhóm họa sĩ không dừng ở những bức tranh thông thường mà đa dạng về phong cách, chất liệu. Các họa sĩ trẻ như: Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My… cũng đẩy mạnh tính sáng tạo trong hình thức sắp đặt, tương tác cộng thêm hiệu ứng từ những họa sĩ đa phương tiện như Nguyễn Hùng Phương để tăng sức hấp dẫn và tính nghệ thuật của tác phẩm trưng bày ở triển lãm. Họa sĩ Lương Xuân Ðoàn bày tỏ mong muốn toàn xã hội sẽ chung tay, lan tỏa để dự án “Ngôi sao miền núi” đánh thức tiềm năng hội họa của trẻ em trên khắp mọi miền đất nước. Những năm qua, Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng thường xuyên chia sẻ, động viên, tư vấn ý tưởng cho dự án và họa sĩ Lương Xuân Ðoàn cùng một số thành viên của Hội bám sát hoạt động này từ những ngày đầu tiên.
Họa sĩ Nguyễn Trường Linh chia sẻ, hầu hết trẻ thơ đều có năng khiếu về hội họa bởi tâm hồn ngây thơ, sáng tạo không giới hạn. Tuy nhiên, việc gợi mở, khuyến khích các em thể hiện lại không dễ. Ðể tiếp cận vấn đề, bên cạnh tài năng, nhóm họa sĩ cần hiểu biết về văn hóa bản địa, tâm huyết với dự án và linh hoạt trong phương pháp. Nhóm họa sĩ đóng góp rất nhiều tranh để dự án bán và gây quỹ. Cách đóng góp ấy cần thiết, song vẫn chỉ giải quyết được nhu cầu trước mắt. Về lâu dài, dự án cần bổ sung nhiều hoạt động phong phú, dài hơi hơn. Thí dụ, thời gian tới, dự án sẽ kết hợp các phòng tranh trong nước và nước ngoài nhằm giới thiệu, trưng bày, bán sản phẩm; phối hợp các nhóm hoạt động từ thiện để tăng hoạt động bổ trợ như thăm hỏi, trao quà tặng trẻ em. Ðội ngũ thực hiện dự án xác định, truyền cảm hứng nghệ thuật cũng cần kết hợp với sự động viên cụ thể bằng tinh thần, vật chất mới bền vững được. Từ một dự án thiện nguyện, “Ngôi sao miền núi” có thể trở thành kế hoạch giáo dục hữu ích, góp phần quảng bá văn hóa địa phương. Mô hình này giúp nhóm họa sĩ trẻ tự vận hành hoặc hỗ trợ, phối hợp, qua đó góp phần quảng bá những nét đẹp của văn hóa dân tộc, “chung tay gìn giữ bản sắc Việt” như thông điệp của dự án. Trở ngại chính mà nhóm họa sĩ thường gặp phải là một số địa phương không tiếp nhận hoặc chậm tiếp cận dự án dẫn tới tình trạng các họa sĩ dù rất muốn khơi dậy đam mê nghệ thuật ở các em nhỏ, song vẫn chưa thực hiện được.
Ðể niềm mơ ước và con đường phát triển hội họa của trẻ em vùng miền núi, khó khăn được thuận lợi, rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, nhà trường và cộng đồng dân cư ở các địa phương bằng sự hỗ trợ và những việc làm thiết thực và trách nhiệm giúp dự án đi vào giá trị thực chất, bền vững.
Theo MAI LỮ – Báo Nhân Dân