(ĐHVO). Người khuyết tật khởi nghiệp là một vấn đề đáng được quan tâm và bước đệm tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập vào cộng đồng cùng phát triển kinh tế. Để thành lập doanh nghiệp, người khuyết tật cũng giống như các chủ thể khác, cần thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp và trang bị sẵn cho mình những kiến thức cơ bản để vận hành doanh nghiệp.
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Các vấn đề người khuyết tật cần lưu ý khi thành lập doanh nghiệp bao gồm: lựa chọn loại hình doanh nghiệp, lựa chọn ngành nghề sản xuất, kinh doanh, xác định số vốn điều lệ, xác định trụ sở. Cụ thể như sau:
Người khuyết tật lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với mô hình kinh doanh
Theo Luật doanh nghiệp 2020, có năm loại hình doanh nghiệp, cụ thể:
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là loại hình Công ty do một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ, chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn đã góp vào công ty.
– Công ty TNHH hai thành viên trở lên là loại hình doanh nghiệp có từ 2 đến 50 thành viên góp vốn, các bạn xác định số thành viên thực tế của mình là bao nhiêu để có thể lựa chọn loại hình, thành viên có thể là cá nhân/tổ chức (có thể thuê, mướn đại diện pháp luật), chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp.
– Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm vô hạn bằng chính tài sản cá nhân của mình.
– Công ty Cổ Phần là doanh nghiệp từ 3 cá nhân hoặc tổ chức trở lên , không hạn chế tối đa số lượng cổ đông do vậy có thể tận dụng tối đa để phát hành cổ phần huy động vốn cho doanh nghiệp, chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp.
– Công ty Hợp danh là loại hình doanh nghiệp có hai thành viên hợp danh trở lên, ngoài thành viên hợp danh còn có thể có thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với toàn bộ tài sản của mình, thành viên góp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp.
Do hạn chế về việc chịu trách nhiệm vô hạn với tài sản của mình nên trên thực tế 02 loại hình là doanh nghiệp tư nhân và Công ty hợp danh ít được lựa chọn thành lập.
Tùy vào mô hình, quy mô và ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, người khuyết tật lựa chọn loại hình hoạt động của doanh nghiệp của mình cho phù hợp.
Trụ sở công ty
Trụ sở công ty là nơi giao dịch của Công ty, về mặt hành chính, trụ sở công ty là nơi mà các cơ quan nhà nước thực hiện các hoạt động quản lý doanh nghiệp. Về mặt thương mại, trụ sở công ty là nơi mà doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh, mua bán, giao đổi, giao thương với các đối tác, khách hàng.
Doanh nghiệp xác định trụ sở công ty để phù hợp với hoạt động kinh doanh. Một số địa điểm không cho phép là nơi đặt trụ sở công ty ví dụ như nhà ở chung cư mục đích để ở (theo quy định của Luật Nhà ở). Đối với một số ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương không cho phép doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở những địa điểm không phù hợp.
Khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp người khuyết tật lưu ý địa chỉ doanh nghiệp cần ghi rõ ràng, cụ thể đến số nhà (thôn, xóm).
Tên doanh nghiệp
Tên doanh nghiệp còn được ví là gương mặt thương hiệu của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp giúp khách hàng nhận biết được doanh nghiệp. Theo Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020 khi đặt tên doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau:
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Tên riêng.
2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
4. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Vốn điều lệ
Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty. Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu và tối đa đối với những ngành nghề kinh doanh bình thường, còn những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì sẽ có mức quy định cụ thể. Theo quy định, trong vòng 90 ngày kể từ khi doanh nghiệp được thành lập thì các thành viên trong công ty phải góp vốn đầy đủ vào doanh nghiệp.
Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty.
Xét về mặt tài chình của đại bộ phận người khuyết tật thì vốn khởi nghiệp là vấn đề khó khăn, việc gom góp vốn đầu tư kinh doanh đối với người khuyết tật là khá khó khăn. Tuy nhiên, pháp luật tạo điều kiện cho mọi người tự do đầu tư vốn kinh doanh, người khuyết tật có thể khởi nghiệp từ nguồn vốn nhỏ, không bị yêu cầu số vốn điều lệ tối thiểu nếu không kinh doanh các ngành nghề đặc biệt có điều kiện.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người khuyết tật. Theo đó, các cơ sở kinh doanh có nhu cầu cần vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm ổn định việc làm cho người khuyết tật và thu hút thêm người khuyết tật vào làm việc sẽ được xem xét cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm. Để tìm hiểu thêm, mời bạn đọc tham khảo bài viết: Cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của người khuyết tật.
Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm và phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Theo quy định, hiện nay, doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Đối với những ngành nghề kinh doanh pháp luật không cấm, doanh nghiệp được phép tự do hoạt động. Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam được quy định trong Quyết định số: 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp vẫn được kinh doanh các ngành nghề không có hệ thống kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo đó là ngành nghề pháp luật không cấm.
Ngoài ra, khi hoạt động, nhà đầu tư là người khuyết tật cũng lưu ý một số ngành nghề có điều kiện phải đảm bảo đủ điều kiện trước khi hoạt động như ngành nghề về giáo dục đào tạo, ngành nghề về tư vấn du học, lữ hành du lịch,….
Về các thành viên, cổ đông sáng lập
Nếu nhà đầu tư khuyết tật muốn đồng hành cùng thêm các thành viên khác mở ra công ty thì cần xác định tỷ lệ góp vốn. Khi bắt đầu kinh doanh, các thành viên cùng thảo luận để phân công quyền và nhiệm vụ của mỗi người. Việc quy định phân chia công việc, phân chia lợi nhuận nên được lập thành hợp đồng để tránh phát sinh những tranh chấp sau này. Hợp đồng nguyên tắc trước khi thành lập doanh nghiệp có giá trị pháp lý.
Lựa chọn đại diện theo pháp luật
Người đại diện theo pháp luật là những người đại diện cho doanh nghiệp để ký kết giấy tờ, ký kết hợp đồng và làm cho hợp đồng kinh doanh có tính pháp lý và được bảo vệ trước pháp luật. Theo quy đinh, một công ty có thể có một hoặc nhiều đại diện theo pháp luật. Các chức danh đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể là giám đốc, Tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật được thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty. Điều lệ công ty quy định về trách nhiệm và quyền hạn của người đại diện theo pháp luật.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp
Cơ quan có thẩm quyền: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan có thẩm quyền thành lập doanh nghiệp.
Hồ sơ cần thiết: Hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:
1. Giấy đề nghị cấp giấy phép đăng ký kinh doanh .
2. Dự thảo Điều lệ đề nghị đăng ký kinh doanh
3. Danh sách thành viên sáng lập nếu là công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Danh sách cổ đông sáng lập nếu là công ty cổ phần;
Kèm theo danh sách phải có những giấy tờ sau:
* Nếu là cá nhân tham gia đăng ký kinh doanh: Bản sao công chứng không quá 03 tháng CMND hoặc hộ chiếu hoặc căn cước công dân còn hiệu lực của các thành viên tham gia góp vốn đăng ký thành lập công ty;
* Nếu là tổ chức tham gia góp vốn: Quyết định thành lập công ty của tổ chức, biên bản bầu người thay mặt vốn của tổ chức, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản sao CMND của người đại diện vốn góp;
* Nếu là cá nhân, tổ chức nước ngoài: liên quan phải được hợp pháp hóa lãnh sự dịch sang tiếng Việt và công chứng;
Thời gian thực hiện: 3 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung bài viết tư vấn về thành lập doanh nghiệp mà các nhà khởi nghiệp là người khuyết tật cần lưu ý. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt luôn sẵn sàng trợ giúp pháp lý doanh nghiệp cho người khuyết tật. Mọi thông tin cần trợ giúp vui lòng liên hệ Hotline 19006248 để được tư vấn hỗ trợ trực tiếp.
Trang Quỳnh