Ngoài công tác dạy học, dạy nghề, việc giáo dục bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp tại trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên luôn được lãnh đạo nhà trường hết sức quan tâm và triển khai dưới nhiều hình thức.
Học sinh tập thể dục trong sân trường sạch sẽ và rợp bóng cây.
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường
Ngoài việc tổ chức các hoạt động học văn hóa, học nghề, các hoạt động chuyên sâu, trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu còn giúp các em được tham gia, hoà nhập trong môi trường xã hội như cầu lông, bóng bàn, bóng đá, học múa, học hát. Cùng với đó là các hoạt động ngoại khoá về bảo vệ cảnh quan, môi trường. Điển hình là phong trào thi đua, bảo vệ, xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp đã được nhà trường triển khai, duy trì trong hơn 10 năm qua.
Cô Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, phong trào này không chỉ giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường mà còn nâng cao ý thức lao động, giúp các em trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Tại những buổi ngoại khoá, các em được hướng dẫn trồng trồng cây xanh, cây ăn trái. Đây vừa là hình thức trang trí vừa giúp tạo bóng mát, chỗ vui chơi trong sân trường. Với những buổi trồng rau, các em học được cách làm cỏ, xới đất, tưới rau và cách hợp tác với mọi người xung quanh, cách làm việc theo nhóm. Từ đó giúp các em mạnh dạn, tự tin, biết yêu lao động và biết trân trọng những sản phẩm của người lao động.
Ngoài ra, các em cũng được các thầy cô hướng dẫn, thực hành tái chế các vật dụng cũ thành những đồ vật có ích, phục vụ thiết thực cho các hoạt động vui chơi và học tập. Việc làm này cũng giúp các em có ý thức hơn trong việc thu gom, phân loại và xử lý chất thải theo quy trình khoa học, an toàn. Không để thải ra môi trường tự nhiên các loại rác thải độc hại, khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên.
“Việc tổ chức, tham gia các hoạt động về giáo dục vệ sinh môi trường cũng được xem như biện pháp lao động trị liệu. Những trải nghiệm thực tế từ các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh cho đến giữ gìn vệ sinh cá nhân… sẽ giúp các em nâng cao ý thức lao động và giúp cho các em được sống trong một môi trường luôn xanh – sạch – đẹp và an toàn”, cô Lan chia sẻ.
Công tác giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các bữa ăn được trường hết sức chú trọng.
Xây dựng trường lớp an toàn, thân thiện môi trường
Để xây dựng 1 ngôi trường chung an toàn, sạch đẹp, giúp các em an tâm học tập, vui chơi, trị liệu. Nhà trường thường xuyên phổ biến, quán triệt tới từng cán bộ, viên chức, học sinh và người lao động thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thức ăn, đồng thời phòng, chống cháy nổ, an toàn, vệ sinh lao động tại nhà ăn, bếp ăn.
Từ những việc nhỏ như rửa tay bằng nước sát khuẩn trước khi ăn, cho tới việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trang thiết bị, dụng cụ, đồ dùng nhà ăn, bếp ăn đều được thực hiện nghiêm túc. Cán bộ nhà trường cũng thường xuyên đôn đốc học sinh ăn, nghỉ đúng giờ, vệ sinh sạch sẽ, thực hiện tốt nội quy phòng ăn, phòng ở, ý thức thực hành tiết kiệm, đảm bảo an toàn và giữ gìn vệ sinh chung trong nhà trường.
Trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, các biện pháp phòng chống dịch luôn được trường theo dõi sát và kịp thời tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ công nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh các văn bản, nghị quyết, kế hoạch của trung ương, tỉnh… về kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuân thủ nghiêm túc các biện pháp đảm bảo môi trường sạch sẽ cũng như thực hiện nguyên tắc 5K.
Để có phương pháp chăm sóc hiệu quả, nâng cao thể lực cho các em, nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ về chiều cao, cân nặng để phân loại các mức độ suy dinh dưỡng, béo phì, trung bình. Hiện 100% học sinh của trường được uống sữa các ngày trong tuần và được lập sổ theo dõi chăm sóc sức khỏe, sổ cấp phát thuốc. Qua đó tạo được sự yên tâm, tin tưởng từ phía các gia đình có con em đang theo học tại trường.
Nhận xét về điều này, một phụ huynh học sinh cho biết: “Một ngôi trường thoáng đãng, xanh, cán bộ giao tiếp vui vẻ, nhiệt tình và chu đáo không chỉ tạo ra sự yên tâm, tin tưởng từ phía gia đình các đối tượng yếu thế mà còn tạo cho các em hoà nhập tốt hơn với xã hội. Giúp các em biết vâng lời cha mẹ, thầy cô giáo, biết đoàn kết, thương yêu và trân trọng, bảo vệ các giá trị môi trường sống”.
Nhờ làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ môi trường, các em học sinh được sống trong một không gian trong lành và yên bình.
Đánh giá những hiệu quả về công tác giáo dục và bảo vệ môi trường, khuôn viên, lớp học, cô Lan nhấn mạnh, môi trường sống xanh – sạch – đẹp là tiêu chí hàng đầu đối với nhà trường, vì chỉ trong một môi trường trong lành, đảm bảo vệ sinh an toàn mới có thể chăm sóc tốt sức khỏe cho các cháu.
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể giáo viên trong việc tạo ra một môi trường, một ngôi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh. Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật huyện Khoái Châu luôn nhận được sự quan tâm, tin tưởng, ủng hộ của các cấp chính quyền cũng như các bậc phụ huynh về công tác giáo dục, dạy nghề, cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường.
“Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, nhà trường sẽ có bước phát triển hơn, trở thành ngôi nhà chung của những mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh. Trường sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới để việc nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy nghề cho học sinh khuyết tật ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan cho hay.
Theo Báo Điện tử Dân Sinh