Huấn luyện viên Mai Đức Chung như tôi đã biết

(DHVO). Hà Nội thời những năm 70 thế kỷ trước có nhiều đội bóng đá, nhưng đỉnh cao luôn có Top ba đội luôn cạnh tranh vị trí dẫn đầu. Ba đội có 3 lối đá khác nhau nên họ rất “kỵ giơ”. Đó là Thể Công, Đường Sắt và Công an Hà Nội. Toàn bộ các cầu thủ kỳ cựu ở đội bóng vang danh một thời đều đã lui về ở ẩn, duy nhất còn ông Mai Đức Chung vẫn đang “cày ải” trên sân cỏ với tư cách huấn luyện viên bóng đá nữ Quốc gia.


Huấn luyện viên Mai Đức Chung.

Ông Mai Đức Chung sinh năm 1951, sinh ra ở làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Ông là một cầu thủ đa năng, đá được nhiều vị trí, nhưng hiệu quả nhất là tiền vệ và tiền đạo, nhưng khi cần, ông vẫn có thể chơi ở vị trí hậu vệ.

Sử Xanh bóng đá Hà Nội ghi tên những cầu thủ con cưng của mình như Tòng cháy, Tô Hiền, Sơn min, Hiển Coóc, Điệp lùn, Đặng cóc… (Công an Hà Nội); Mười Tiền, Ba Đô, Xuân Quýnh, Ba Đẻn, Cao Cường, Trọng Giáp…(Thể công); Vũ Quang Minh, Vũ Ngọc Bích (tự Bảy), Trần Duy Long, Lê Khắc Chính, Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung…

Với thể hình cao lớn so với các cầu thủ Việt Nam lúc bấy giờ và có nền tảng kỹ thuật tốt nên đội bóng đá Tổng cục Đường sắt (TCĐS) bằng mọi giá vận động để thuyết phục đội bóng Xe ca Hà Nội “nhả” ông Mai Đức Chung về với Đường sắt năm 1975. Ngay lập tức ông được xếp vào đội hình chính cùng với những danh tài : Thủ môn Trường Sinh; các hậu vệ Từ Như Quang, Thế Vinh, Nguyễn Minh Phương , Lê Khắc Chính; tiền vệ Lê Thụy Hải, Phạm Kỳ Thụy, Ngô Thế Thành; tiền đạo Mai Đức Chung, Minh Điểm, Hoàng Gia…với sự dẫn dắt của HLV kiêm cầu thủ Trần Duy Long…

Năm 1980, ông cùng đồng đội thuộc thế hệ Vàng mang về cho TCĐS chức vô địch bóng đá Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên quy tụ các đội bóng khắp Bắc-Trung-Nam. Mai Đức Chung nhiều lần tham gia đội tuyển, có nhiều kỷ niệm khi tham gia đấu trường quốc tế, nhưng một kỷ niệm mãi ghi trong lòng và cũng là dấu ấn trọng đại của bóng đá Việt Nam.

Năm 1976, ông và đội TCĐS được cử đại diện bóng đá miền Bắc vào Nam thi đấu.
Bóng đá miền Nam trước 1975 đã thành danh trên đấu trường Đông Nam Á, từng đoạt Cúp Merdeka năm 1966. Năm 1974 tại Cúp Quân đội Thái Lan, đội tuyển Việt Nam đoạt Cup và được chụp hình chung với khách mời là danh thủ bóng đá Pelé của Brasil.

Sân Thống Nhất tại thành phố Hồ Chí Minh, 19h30 bóng mới lăn mà ngay từ trưa khán giả đã đến sân chật kín. Khi đội TCĐS vào sân, họ phải bỏ xe, lách qua đám đông người hâm mộ mới vào được sân. Ai cũng tò mò và cố chạm tay vào các cầu thủ đến từ miền Bắc, những sứ giả của nền bóng đá xã hội chủ nghĩa. Họ ngạc nhiên thực sự khi chứng kiến những cầu thủ to lớn, trắng trẻo mà trong tuyên truyền của chế độ cũ, rằng Việt cộng bảy người đu một cọng đu đủ không gãy.

Sân chật kín khán giả, huyên náo khiến lực lượng quân cảnh phải nổ súng để giữ trật tự. Theo thói quen từ thời chiến tranh phá hoại bằng không quân trên đất Bắc, các cầu thủ TCĐS dừng trận đấu để ứng phó khiến các cầu thủ Cảng Sài Gòn và đông đảo khán giả trên sân đều ngơ ngác nhìn. Họ đã quá quen với việc quân cảnh hay dùng súng để thị uy.

Hôm đó Cảng Sài Gòn của HLV Nguyễn Thành Sự chơi sơ đồ 4-2-4 với thủ môn Lưu Kim Hoàng; hậu vệ Tam Lang, Đình Thăng, Vinh Quang, Tấn Trung; tiền vệ Mười xìu, Dương Văn Thà; tiền đạo Nguyễn Ngọc, Trần Xinh, Tư Lê, Nguyễn Ngôn.
TCĐS có thủ môn Trường Sinh; hậu vệ Từ Như Quang, Thế Vinh, Minh Phương ( Phương tròn), Lê Khắc Chính; tiền vệ Lê Thụy Hải, Phạm Kỳ Thụy, Ngô Thế Thành; tiền đạo có Mai Đức Chung, Minh Điểm, Hoàng Gia. Đội TCĐS đá nhuần nhuyễn trong lối đá tập thể ( dạng như lối đá tổng lực của Hà Lan) nên ép Cảng Sài Gòn về phòng ngự.

Tiền vệ Lê Thụy Hải phất quả dài để Mai Đức Chung lao vào đánh đầu ghi bàn mở tỷ số. Gần cuối trận, nhìn thấy thủ môn Lưu Kim Hoàng nhô cao, ông Lê Thụy Hải lốp bóng từ khoảng cách 40 mét, ghi bàn ấn định tỷ số 2 – 0 cho trận đấu.
Được cùng hàng chục nghìn khán giả trên sân hát bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng khi đất nước vừa thống nhất, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt sạm đen vì dầu dãi nắng mưa của ông Mai Đức Chung.
Năm 1984, ông nghỉ thi đấu rồi đi học, làm cán bộ thể thao và năm 2003, ông bắt đầu sự nghiệp huấn luyện viên. Ông làm huấn luyện viên nhiều câu lạc bộ bóng đá tại Việt Nam. Tiêu biểu trong số đó là Becamex Bình Dương, Navibank Sài Gòn, Câu lạc bộ Thanh Hóa và các đội tuyển từ trẻ đến quốc gia, từ các đội tuyển nam đến các đội tuyển nữ.

Ông Mai Đức Chung cùng các học trò của vui mừng chiến thắng.

Mai Đức Chung đã được nhiều phần thưởng cấp Nhà nước và các đội tuyển nam nữ do ông dẫn dắt đã đoạt nhiều cúp vô địch của khu vực. Những thành tích này đều được quảng bá trên các phương tiện truyền thông, cùng với lòng tự hào của người Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, những thành tích này chưa nói hết những điều đặc biệt mà vị huấn luyện viên có vẻ mặt khắc khổ mang lại cho bóng đá Việt Nam.

Chỉ nói riêng với việc dẫn dắt các đội tuyển.Với cương vị là thành viên Hội đồng Huấn luyện, có lần ông được cử thành lập và dẫn dắt đội tuyển, nhưng cũng rất nhiều lần ông phải tiếp quản đoàn quân vừa nếm trải thất bại từ các huấn luyện viên tiền nhiệm.

Nhiều huấn luyện viên không muốn nhận trách nhiệm trong thế bị động, hoặc họ không tán thành cách quản lý bóng đá của Liên đoàn nên họ đồng loạt từ chối.
Riêng ông Mai Đức Chung lại sẵn sàng nhảy vào lửa làm người đóng thế.
Ông cười hiền : “Tôi là người cổ, không dùng mạng xã hội nên cũng chẳng biết người ta nói gì trên ấy. Mà kể cả có đọc thấy đi chăng nữa, tôi cũng thấy bình thường. Tôi từng này tuổi rồi, còn bị tác động bởi những câu nói của người qua đường thì chết. Tôi cũng chẳng nghĩ mình được hay mất. Vì thế nào là được mà thế nào là mất. Cuộc sống vô thường lắm. Ai cũng sợ khó, sợ mất cái đỉnh vinh quang mà mình đang có thì cái phần khó ấy sẽ nhường cho ai khác đây. Có người hỏi tôi, thế ông được VFF trả cho bao nhiêu tiền ? Tôi cười vui bảo, bạn muốn biết thì hay là bạn thử ngồi vào đây xem sao. Nói thật, có những thứ chẳng quy ra được thành tiền đâu. Trong lúc nước sôi lửa bỏng mà còn nỡ mang ra mặc cả nữa ư ? Thế thì tôi không còn là tôi nữa rồi”.

Tác giả chụp cùng ông Mai Đức Chung và những người bạn (ông Mai Đức Chung thứ 4 từ trai sang, tác giả thứ 2 từ trái sang)

Ông Mai Đức Chung  vừa rèn rũa kỹ chiến thuật, ông vừa dạy bảo các cầu thủ cách làm người. Cầu thủ ở các cấp độ đội tuyển đều gọi ông là bố xưng con và ông cũng luôn dành tâm huyết và cả thời gian chăm lo mọi mặt cho cầu thủ. Các đội tuyển dưới quyền ông, bao giờ cũng là một tập thể đoàn kết và thương yêu nhau.

Với những đóng góp to lớn của ông Mai Đức Chung cho huấn luyện bóng đá Việt Nam cũng như trong sự nghiệp bóng đá nước nhà, ông xứng đáng được Nhà nước tôn vinh những những danh hiệu cao quý.

Hồ Công Thiết.

Bài viết liên quan

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

D29031

Giải marathon Quốc gia 2023 xác lập kỷ lục Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang