Hội thảo:“Đóng góp ý kiến bổ sung , sửa đổi chính sách, pháp luật về y tế và giáo dục đối với người khuyết tật”

(ĐHVO). Bên cạnh vấn đề lao động, việc làm đối với người khuyết tật, các chính sách, pháp luật về y tế và giáo dục cũng là mối quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Với mục đích nâng cao các quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực y tế, giáo dục trên thực tế, ngày 23/12/2021, tại Hội trường 1B- Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, Hội người mù Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Đóng góp ý kiến bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật về y tế và giáo dục đối với người khuyết tật”.


 

Hội thảo có sự tham dự của Bà Đinh Thị Thuỵ – Phó Chánh văn phòng, UBQG về Người khuyết tật Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Hồng Vân- Cán bộ chương trình, Ban thư ký Quỹ Jiff – Oxfam Việt Nam; Ông Tạ Ngọc Trí – Phó Trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn – Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó trưởng phòng PHCN và giám định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế; Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng.

Về phía Hội người mù Việt Nam, có Bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam; Ông Đinh Thanh Tùng – Phó chủ tịch thường trực Hội người mù Việt Nam cùng cán bộ, các phòng, ban chuyên môn của Hội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cảm kích sự hiện diện của tất cả các vị Đại biểu góp phần quan trọng vào thành công của Hội thảo lần này. Bà Đinh Việt Anh khẳng định sự quan trọng của y tế, giáo dục đối với mọi người, đặc biệt là đối với người khuyết tật. Bên cạnh đó, bà khẳng định Đảng và Nhà nước ta đã có sự quan tâm đặc biệt trong vấn đề y tế, giáo dục của người khuyết tật, tuy nhiên việc thực thi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Thông qua Hội thảo lần này, bà Đinh Việt Anh mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến, kiến nghị của các vị Đại biểu góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác giáo dục, y tế dành cho người khuyết tật được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.


Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Bà Đinh Thị Thuỵ chia sẻ tại Hội nghị: Chính sách nhà nước pháp luật về người khuyết tật rất được quan tâm: Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, có những chính sách, chủ trương quan tâm đến công tác, tổ chức của người khuyết tật. Tuy nhiên, khi tiến hành đánh giá 05 năm thực hiện Công ước Quốc tế về Quyền của Người Khuyết tật, 10 năm thực hiện các quy định pháp luật do Nhà nước ban hành đã bộc lộ nhiều vấn đề. Chúng ta nhiều chính sách nhưng việc trin khai bộc l hạn chế, nguyên nhân là nguồn nhân lực còn thiếu thốn, công tác tổ chức, thực thi còn bất cập. Do vậy, cần tiến hành sửa đổi các tư duy, hướng tới thiết kế các chương trình, khái niệm theo hướng đảm bảo quyền cho người khuyết tật: đảm bảo quyền tiếp cận giao thông, lao động, việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ…. cho người khuyết tật; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật người khuyết tật và các Luật khác có liên quan”.



Bà Đinh Thị Thuỵ – Phó Chánh văn phòng, UBQG về Người khuyết tật Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó trưởng phòng PHCN và giám định, Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế bày tỏ sự vui mừng, vinh dự khi được tham gia Hội thảo để đóng góp những chính sách phát triển giáo dục, y tế. Tại Hội nghị, bà Lịch chia sẻ những chính sách, công tác tổ chức khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và đưa ra một số vướng mắc trên thực tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó trưởng phòng PHCN và giám định, Cục quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế (Ảnh: Hồng Liên)

Về phòng ngừa khuyết tật, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng: ngành y tế đã tổ chức tư vấn tiền hôn nhân, khám thai định kỳ, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật đã được triển khai thực hiện ở tuyến xã nhưng kiến thức, kỹ năng của công nhân viên chức vẫn còn hạn chế, chỉ can thiệp đối với khuyết tật đơn giản, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Phục hồi chức năng sớm đối với người bệnh, người khuyết tật như tư vấn cách tập luyện, giúp đỡ tập luyện tránh xảy ra khuyết tật khi khám chữa bệnh.

Khi khám chữa bệnh, người khuyết tật sẽ được hưởng những chính sách ưu tiên: được miễn giảm phí khám chữa bệnh; xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn bị nhận lực đảm bảo quyền tiếp cận đối với người khuyết tật trong cơ sở khám chữa bệnh: tay vịn, có người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người khuyết tật. Các nội dung chuyên môn về phục hồi chức năng ngày một hoàn thiện, mở rộng danh mục các dịch vụ kỹ thuật được bảo hiểm y tế chi trả.

Tuy nhiên, Nhà nước mới chỉ mới hỗ trợ đóng BHYT cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng mà chưa có hỗ trợ cho người khuyết tật nhẹ.

Trong vấn đề xác định khuyết tật của hội đồng giám định y khoa: có sự khác nhau giữa các tiêu chí đánh giá mức độ khuyết tật của hội đồng giám định y khoa và hội đồng xác độ mức độ khuyết tật cấp xã. Hội đồng xác định khuyết tật cấp xã căn cứ chủ yếu vào phương pháp quan sát, sử dụng bảng hỏi nên không thể xác định được những khuyết tật không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, từ đó có thể có một số trường hợp xác định không chính xác gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người khuyết tật.

Trên thực tế có 95% người khuyết tật nhẹ chưa được nhà nước cấp thẻ BHYT, họ phải tự mua thẻ BHYT. Đồng thời, mức hưởng bảo hiểm của người khuyết tật nhẹ vẫn còn thấp (tối đa 80%). Chi phí mà người khuyết tật nhẹ phải chi trả cho khám chữa bệnh là rất lớn, do vậy, việc mức hưởng bảo hiểm của người khuyết tật nhẹ thấp khiến họ hạn chế khả năng tiếp cận quyền được khám chữa bệnh.

Hội thảo đã đưa ra kiến nghị nâng mức hưởng bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nhẹ lên 95%; tăng cường một số giải pháp trong thực thi chính sách y tế cho người khuyết tật (tăng cường tập huấn, trao đổi chuyên môn liên kết địa phương/vùng; nâng cao nguồn nhân lực: bố trí nhân sự phiên dịch tại các bệnh viện địa phương để họ tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và toàn diện cho từng nhóm người khuyết tật theo dạng tật; cung cấp các dịch vụ y tế dự phòng miễn phí cho người khuyết tật nói chung,…

Ông Tạ Ngọc Trí – Phó trưởng ban thường trực; Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn – Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định rằng: “Người khuyết tật là người không may mắn, nhưng nếu họ được học hành thì sẽ làm được những việc như người bình thường, thậm chí là phi thường. Do đó, việc giáo dục cho người khuyết tật có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng ta đã có sự thay đổi về nhận thức, là một trong những quốc gia tham gia Công ước về người khuyết tật đầu tiên, ban hành một loạt những văn bản pháp luật điều chỉnh, quy định quyền và lợi ích đối với người khuyết tật. Hoàn thành hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoàn nhập hiện nay cho người khuyết tật, để họ có thể được học tập, giáo dục tốt nhất có thể.

Từ kết quả khảo sát trên thực tế, Bà Trần Thị Hồng Hải – Phó ban đối ngoại phụ nữ trẻ em Hội người mù Việt Nam đã thay mặt Hội người mù Việt Nam đưa ra một số kiến nghị về chính sách y tế, giáo dục đối với người khuyết tật, cụ thể:

Về lĩnh vực y tế: Cần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014; Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, và một số thông tư, hướng dẫn với các nội dung sau:

– Cần có chính sách hỗ trợ BHYT cho người khuyết tật nhẹ nhằm tạo điều kiện để họ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

– Cần mở rộng phạm vi thanh toán của BHYT đối với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng khi sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng và các dịch vụ kỹ thuật cao trong quá trình khám bệnh chữa bệnh, phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi Khoản 7, 8 Điều 23 Luật BHYT, để việc khám, điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ của mắt ở mức độ nặng và các dụng cụ PHCN (nạng, nẹp cho người khuyết tật vận động, kính mắt, gậy định hướng cho người khiếm thị, máy trợ thính, ốc tai điện tử cho người khiếm thính) vào danh mục vật tư y tế do BHYT chi trả hoặc hỗ trợ một phần theo tỉ lệ hay quy định mức thanh toán tối đa.

– Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành khác có liên quan rà soát và ban hành các văn bản quy định các cơ sở y tế (công lập và tư nhân) phải xây dựng hoặc có lộ trình xây dựng cơ chế và biện pháp đảm bảo người khuyết tật tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng bình đẳng và phù hợp đối với người khuyết tật, bao gồm cả việc bố trí nhân lực, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận cơ sở vật chất, tiếp cận các trang thiết bị y tế hay các thông tin, thủ tục trong quá trình khám, chữa bệnh,phục hồi chức năng (như có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, có kí hiệu chữ Braille, âm thanh, văn bản điện tử hoặc xây dựng các ứng dụng trên điện thoại thông minh phù hợp…).

– Cần phát triển các dịch vụ phục hồi chức năng ở các tuyến tỉnh, huyện, xã và các dịch vụ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để tạp điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận chính sách chăm sóc sức khoẻ.

– Có chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và chuyên sâu trong chuyên ngành phục hồi chức năng như đào tạo chính quy ở cả bậc cử nhân và thạc sĩ, xây dựng chương trình khung chuẩn nội dung, thời gian cụ thể đối với công tác đào tạo, bao gồm cả các chuyên môn về âm ngữ trị liệu và tâm lý trị liệu. Mặt khác, cần tăng cường tập huấn, trao đổi chuyên môn, liên kết giữa các địa phương/vùng trong công tác khám, chữa bệnh, PHCN cho người khuyết tật.

– Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và toàn diện cho từng nhóm người khuyết tật theo dạng tật, cung cấp dịch vụ y tế dự phòng miễn phí cho người khuyết tật tại các địa phương. Việc này giúp tăng cường mức độ tầm soát bệnh tật đồng thời hạn chế các rủi ro về bệnh tật cho người khuyết tật.

Về lĩnh vực giáo dục:

– Cần xem xét điều chỉnh hoặc bỏ quy định giới hạn độ tuổi khi nhập học của người khuyết tật, giúp người khuyết tật có thêm cơ hội bảo đảm thực hiện quyền được học tập, hòa nhập cộng đồng.

– Mở rộng các mô hình giáo dục linh hoạt khác tại cộng đồng như giáo dục từ xa, giáo dục tại nhà, tại cộng đồng song song với các loại hình hiện có, nhằm tạo thuận lợi cho người khuyết tật có dạng và mức độ khuyết tật khác nhau, đặc biệt là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

– Cần có cơ chế phân bổ tài chính từ ngân sách nhà nước cũng như phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan chức năng để chủ động trong việc chuyển đổi, in ấn sách giáo khoa, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập đặc thù thiết yếu cho người khuyết tật; đồng thời, huy động thêm nguồn lực cho công tác này.

– Có chính sách khuyến khích các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, sản xuất các phần mềm, trang thiết bị, đẩy mạnh tiếp cận, ứng dụng CNTT; đồng thời, tăng cường cải thiện điều kiện tiếp cận cơ sở vật chất, hạ tầng trường học và có những biện pháp điều chỉnh hợp lí để đảm bảo quyền được học tập cho người khuyết tật.

– Các nhà trường cần xem xét, có thể điều chỉnh nội dung, phương pháp (nếu cần) và kết hợp với Hội Người mù, Hội người khuyết tật …. Tổ chức dạy học cho các em những môn học phù hợp, giúp các em được phát triển toàn diện hơn. Ngoài ra còn nhiều kiến nghị, bổ sung khác.

Ông Đinh Thanh Tùng– Phó chủ tịch thường trực Hội người mù Việt Nam bổ sung kiến nghị: “Cần phổ biến kiến thức, những điều cần lưu ý để phòng ngừa khuyết tật, ví dụ: đẻ non có nguy cơ làm hỏng dây thần kinh đáy mắt; nuôi con nhỏ thì thường bế các con ngồi xem ti vi, sai tư thế gây cận, loạn dễ bị bong võng mạc; cung cấp các thời điểm vàng để xử lý khuyết tật. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ người khuyết tật khi họ đang nằm viện mà người nhà không được phép chăm sóc.

Tại Hội trường, các vị đại biểu, các vị đại diện từ các đầu cầu trực tuyến cũng có những ý kiến phát biểu, đóng góp, kiến nghị sửa đổi những quy định, chính sách còn vướng mắc, bất cập trong vấn đề y tế, giáo dục cho người khuyết tật.

Sau buổi sáng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, sôi nổi, Hội thảo đã đưa ra được nhiều đóng góp, kiến nghị trong công tác ban hành và thực thi những quy định pháp luật về giáo dục, y tế đối với người khuyết tật. Tin tưởng rằng, với những ý kiến đóng góp của các vị Đại biểu, đại diện Ban, Ngành, việc khuyến nghị, các quy định pháp luật về y tế, giáo dục dành cho người khuyết tật sẽ được triển khai có hiệu quả trên thực tế và đạt được kết quả như mong đợi.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang