(ĐHVO). Sáng ngày 25/11/2020 tại nhà khách VP Quốc Hội đã tổ chức chương trình Hội thảo tăng cường kết nối mạng lưới hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật. Đây là một trong những hoạt động nằm trong dự án nâng cao hiểu biết pháp luật và tăng cường trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật.
Hội nghị nhằm mục đích chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm trong hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật cũng như kết nối với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật.
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị có sự tham gia của :
Bà Dương Thị Vân – Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội;
Bà Phạm Thị Thu Trang – Phó Giám đốc TT Trợ giúp pháp lý Hà Nội;
Bà Phan Thị Bích Diệp – Phó chủ tịch thường trực Hội NKT TP Hà Nội;
Bà Phạm Thị Bích Hảo – Uỷ viên ban chấp hành Hội phụ nữ Luật sư Hà Nội;
Ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch Hội NKT huyện Mỹ Đức.
Ngoài ra còn có các đại biểu đến từ các Hội NKT các huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Các Trung tâm tư vấn pháp luật Hội người khuyết tật và các tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe bà Phan Thị Thu Trang – Phó Giám đốc TT Trợ giúp pháp lý Hà Nội chia sẻ về tình hình trợ giúp pháp lý cho NKT trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020.
Theo đó,tính đến năm 2017, Hà Nội có 98.792 người khuyết tật, chiếm 1,3% dân số, trong đó nữ chiếm 47%. Trong tổng số NKT có 13.264 người thuộc hộ nghèo, chiếm 13%; 27.092 NKT cao tuổi, chiếm 27%; 11.723 trẻ em khuyết tật, chiếm 12%. Về mức độ khuyết tật, có 12.024 NKT đặc biệt nặng ; 62.236 NKT nặng và 24.352 NKT nhẹ.
Về tình hình triển khai trợ giúp pháp lý cho NKT, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cũng đã kết hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội; các Báo của Thành phố gồm: báo Pháp luật & Xã hội, Kinh tế và Đô thị, Hà Nội mới, các hội như Hội người mù, Hội người khuyết tật, phòng Tư pháp các Quận huyện thị xã…để thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho NKT. Hội cũng đã thực hiện các công tác tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao kiên thức, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho NKT.
Tiếp đó bà Phan Thị Bích Diệp – Phó chủ tịch TT Hội NKT TP Hà Nội có bài phát biểu về sự phối hợp giữ Hội NKT thành phố Hà Nội và các đơn vị trợ giúp pháp lý trong việc trợ giúp pháp lý cho NKT đồng thời nêu lên thực trạng và những giải pháp nâng cao hiệu quả.
Theo đó bà Diệp nhấn mạnh “ cần phải nâng cao năng lực của Hội trong việc hỗ trợ pháp lý ban đầu cho NKT qua các dự án góp phần đẩy lùi bạo lực tình dục và bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, chiến dịch vận động chính sách và chiến dịch nâng cao nhận thức do quỹ Canada dành cho sáng kiến địa phương tài trợ”
Về phần tham vấn vai trò của đoàn Luật sư Hà Nội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc trợ giúp pháp lý cho NKT, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Uỷ viên BCK Hội phụ nữ luật sư Hà Nội. Theo đó Luật sư Hảo nhấn mạnh hoạt động thực hiện trợ giúp pháp lý của Luật sư sẽ khác với trợ giúp viên pháp lý. Luật sư cũng đưa ra một vài đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật như: Tăng cường sự lãnh đọa của Đảng, triển khai nâng cao xã hội hóa công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật, nâng cao chất lượng đối tượng báo cáo viên tuyên truyền pháp luật, để hoạt động xã hội hóa tuyên truyền pháp luật được thực hiện lâu dài cần có sự hổ trợ của ngân sách nhà nước, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật thông qua các buổi tuyên truyền tại các chi hội NKT vùng khó khăn thuộc Hà Nội.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo phát biểu trong chương trình
Cuối chương trình anh Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch Hội NKT huyện Mỹ Đức đưa ra đề xuất để nâng cao hiểu quả trợ giúp pháp lý cho NKT, theo đó anh đề xuất cần có nhiều chương trình tại cơ sở để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho NKT nhiều hơn nữa, khai thác những vấn đề uẩn khúc còn khó nói của NKT bởi nhiều NKT còn e dè, mặc cảm, ngôn ngữ hóa các từ ngữ pháp luật gần gũi với tiếng địa phương, có thể bằng trực quan (hình vẽ trên giấy, máy chiếu…) và trợ giúp các vấn đề triệt để để NKT có niềm tin vào chính sách pháp luật và tự tin trong cuộc sống.
Với những kinh nghiệm và các đề xuất, ý tưởng quý báu của các đại biểu tham gia hội nghị, hy vọng rằng người khuyết tật sẽ ngày càng tiếp cận tốt hơn dịch vụ TGPL nhằm đảm bảo sự bình đẳng và hòa nhập xã hội cho người khuyết tật.
Hồng Liên