(DHVO). Từ ngày 12 đến ngày 14/11/2019, tại Trung tâm Hội nghị Giáo dục số 23 Lê thánh Tông (Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm,T.p Hà Nội), Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD) phối hợp với Trung tâm ACDC và Tổ chức CBM, Australian Aid tổ chức Hội thảo Quốc gia: Hoàn thiện báo cáo độc lập về giám sát việc thực thi công ước LHQ về quyền của người khuyết tật (NKT). Tham dự Hội thảo có ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực VFD; bà Vũ Thị Tuyết Mai – Trưởng đại diện tổ chức CBM Việt Nam và đại diện các tổ chức Australian Aid, Trung tâm ACDC cùng các cơ quan truyền thông và lãnh đạo các tổ chức của và vì NKT ba miền Bắc – Trung – Nam. Hội thảo diễn ra trong 3 ngày: từ 12 đến 14/11/2019.
Ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Th ường trực VFD phát biểu khai mạc.
Hội thảo nhằm mục đích hoàn thiệ6n và lấy ý kiến đồng thuận về các nội dung trong Báo cáo độc lập đầu tiên của các tổ chức Hội, nhóm người khuyết tật. Trong đó, VFD với vai trò là một tổ chức của NKT Việt Nam thực hiện báo cáo độc lập về việc giám sát việc thực thi Công ước LHQ về quyền của người khuyết tật.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực VFD cho biết: Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm khoảng 7% dân số. Việc thực thi Công ước LHQ về quyền của người khuyết tật chính là thúc đẩy, bảo hộ và đảm bảo người khuyết tật được hưởng thụ một cách đầy đủ và bình đẳng quyền con người và các quyền tự do cơ bản và nâng cao sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của NKT. Ông Đặng Văn Thanh cho biết thêm: Báo cáo độc lập về giám sát việc thực thi Công ước LHQ về quyền của NKT được chuẩn bị từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2016, trải qua các giai đoạn: chuẩn bị, thu thập thông tin theo nhóm chuyên đề; xây dựng dự thảo Báo cáo độc lập; tham vấn báo cáo và công bố danh sách các vấn đề ưu tiên; chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo.
Các đại biểu trong Hội thảo thảo luận 10 vấn đề ưu tiên trong Báo cáo độc lập.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 10 vấn đề ưu tiên trong Báo cáo độc lập, bao gồm: Chính sách chung và chính sách sống độc lập; Tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người khuyết tật vẫn còn tồn tại; Truyền thông về nhận thức liên quan đến người khuyết tật cần thay đổi cần thay đổi theo hướng tiếp cận dựa trên quyền; Tiếp cận giao thông, công trình xây dựng, tư pháp và thông tin truyền thông đối với người khuyết tật; Chăm sóc y tế đối với người khuyết tật; Giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với người khuyết tật; Phụ nữ khuyết tật; Vai trò của tổ chức hội của người khuyết tật trong việc giám sát và thực thi chính sách liên quan đến quyền của người khuyết tật.
Với 10 vấn đề ưu tiên nói trên, Hội thảo này là lần cuối lấy ý kiến đồng thuận trước khi tiến hành gửi đến Bộ Ngoại giao báo cáo độc lập về giám sát việc thực thi công ước LHQ về quyền của người khuyết tật trình tại Hội nghị LHQ vào đầu năm 2020. Kết thúc hội thảo các đơn vị tham gia đã đồng thuận tất cả các vấn đề trong Báo cáo độc lập.
Tin và ảnh: Trang Nhung.