(ĐHVO). Nhằm tăng cường, thúc đẩy các mô hình trợ giúp người khuyết tật, ngày 27/11/2020, UBQG về người khuyết tật Việt Nam đã phối hợp cùng Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và Tổ chức Habitat tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Phát triển các mô hình trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại Trung tâm Hội nghị, 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Đến dự Hội thảo có bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng UBQG về người khuyết tật Việt Nam; ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Dương Thị Vân – Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội người khuyết tật TP Hà Nội cùng đại diện các bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Giao Thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Nội…. và đại diện các tổ chức của và vì người khuyết tật các địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước.
Đại diện Bộ LĐTB&XH, bà Phạm Thị Hải Hà cho biết: tháng 10 vừa qua, UBQG đã tổ chức đánh giá tổng kết việc thực hiện 8 năm Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2021 (Đề án 1019) và đã thực hiện được rất nhiều chính sách hỗ trợ cho NKT trong đó phải kể đến 95% NKT được tiếp cận về dịch vụ Bảo hiểm y tế, nhiều chỉ tiêu hoàn thành tốt như giáo dục, tiếp cận… Tuy nhiên trong số 9 chỉ tiêu đã đề ra cũng còn các chỉ tiêu chưa đạt như: giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, tiếp cận vốn vay… Và chính vì vậy, giai đoạn 2021-2030, một trong các tiêu chí đặt ra vẫn là vấn đề về tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho NKT.
Bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội thảo
Bà Hà mong muốn, qua buổi Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận trên cơ sở các bài tham luận tạo việc làm, mô hình sinh kế cho NKT… Làm rõ các nội dung: rào cản đối với NKT trong sinh kế, tiếp cận các vốn vay…
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, nhiều năm qua Đảng và nhà nước ta luôn dành nhiều sự quan tâm đến người khuyết tật được thể hiện bằng các chính sách, quy định pháp luật trong đó phải kể đến Luật Người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và gần đây nhất là Chỉ thị 39 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật cùng các kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các đại diện đến từ các cơ quan chức năng, các tổ chức hội của và vì người khuyết tật cùng doanh nghiệp trình bày tham luận về một số mô hình trợ giúp người khuyết tật như: Giải pháp nhà tiếp cận của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội; mô hình phòng chống thiên tai đối với NKT của Trung tâm Chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mô hình tổ chức xã hội của người khuyết tật phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm phù hợp và ổn định đối với người khuyết tật của Hội Người khuyết tật TP Hà Nội; mô hình sinh kế/việc làm dành cho người khuyết tật của Tokyo Life; mô hình khởi nghiệp cho thanh niên khuyết tật của Hội vì sự tiến bộ của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình.
Bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng UBQG về NKT kết luận Hội thảo
Thay mặt UBQG về người khuyết tật Việt Nam kết luận Hội thảo, bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng đánh giá cao các mô hình và mong muốn sẽ được kết nối, phối hợp để cụ thể hóa, xây dựng các tài liệu để chia sẻ và nhân rộng tại các nơi cần hoàn thiện; nghiên cứu nội dung phù hợp, thể chế hóa thành những chính sách, cụ thể hóa hoàn chỉnh các chính sách đã có, sửa đổi, bổ sung những chính sách chưa phù hợp. Bà Thụy nhấn mạnh: Hội thảo đã được nghe chia sẻ kinh nghiệm của nhiều mô hình và những nét khác biệt của từng mô hình đều hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho NKT. Đồng thời, mong muốn và đề nghị các tổ chức, hội của và vì NKT, NKT tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng những mô hình hay như mô hình khởi nghiệp trên cơ sở những góp ý của các đại biểu trong đó cần quan tâm nhiều đến việc kết nối các mô hình, chuỗi giá trị sản phẩm, tài chính vi mô hay phòng chống thiên tai… để làm tốt hơn nữa các mô hình trợ giúp NKT.
Cuối cùng, Phó Chánh Văn phòng UBQG về người khuyết tật đã mượn câu nói của Phó Chủ tịch UBQG, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH để tạm thay lời kết: Người khuyết tật chỉ bất tiện chứ không bất tài và bất hạnh!
Tin tưởng rằng với những mô hình trợ giúp người khuyết tật được chia sẻ tại Hội thảo cùng những ý kiến trao đổi là kinh nghiệm, bài học hay những khó khăn cần được tháo gỡ của các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ là tiền đề để các mô hình trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng sẽ ngày càng lớn mạnh và phát triển.
Tin bài: Hải Phong; Ảnh: Trần Hồng