(ĐHVO). Ngày 7/9, tại Hà Nội, Hội thảo Massage người mù khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 16 tại Việt Nam, với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác bền vững trong nghiên cứu, đào tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ massage” chính thức khai mạc.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu vui mừng khi hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch Hiệp hội Người mù thế giới, Chủ tịch Hiệp hội người mù châu Á-Thái Bình Dương, Chủ tịch Ủy ban massage người mù khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đại diện lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, cũng như đại diện Hội người mù trong khu vực, các nhà khoa học, các trung tâm, cơ sở dịch vụ có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn và đạt kết quả cao trong lĩnh vực đào tạo và hoạt động dịch vụ massage người mù.
Ông Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Phạm Viết Thu cho rằng, với sự tâm huyết và trách nhiệm, những kinh nghiệm và ý kiến chia sẻ tại hội thảo sẽ đạt được những kết quả tốt cả về nội dung, chuyên môn và sức lan tỏa của của nghề massage người mù với cộng đồng xã hội. Thông qua hội thảo, đây cũng là dịp Hội người mù các nước giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động của nghề massage, làm tăng thêm tình cảm người khiếm thị trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam năm 2016, số người khuyết tật cả nước là 6,2 triệu người, trong đó số người khiếm thị là 1,03 triệu người. Trong các nghề của người khiếm thị, nghề massage được đánh giá là phù hợp và có thu nhập cao nhất. Sau gần 20 năm, nghề massage của người mù đã phát triển tại hầu hết các địa phương.
Hiện nay, có 275 cơ sở massage do các cấp Hội quản lý, với 1.677 nhân viên khiếm thị. Số tổ, nhóm massage do hội viên tự đứng ra tổ chức là 785 tổ, nhóm, với 3.143 nhân viên khiếm thị. Tổng doanh thu năm 2022 tại các cơ sở của Hội đạt 3,3 triệu USD (bằng 74,3% doanh thu năm 2019, trước khi có đại dịch Covid 19 – 4,4 triệu USD), lương bình quân của nhân viên làm massage là 128 USD/người/ tháng. Một số người đạt từ 300 – 450 USD/người/ tháng.
Theo đó, hội thảo chủ đề chính “Thúc đẩy hợp tác bền vững trong nghiên cứu, đào tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ massage” diễn ra trong 3 ngày, từ 7 đến 9/9, tập trung vào 4 nội dung quan trọng, gồm: Đẩy mạnh đào tạo nghề massage chuyên nghiệp và trang bị kỹ năng mềm cho kỹ thuật viên massage khiếm thị; quản lý hoạt động massage: truyền thông, marketing, dịch vụ và ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển massage y học ở các nước khu vực và trao quyền cho các kỹ thuật viên khiếm thị; các kết quả nghiên cứu trong điều trị bệnh và những đóng góp của massage người khiếm thị trong phục hồi sức khỏe hậu Covid-19. Trao chứng nhận cơ sở massage kiểu mẫu đạt chuẩn của Ủy ban massage người mù khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bà Martine Abel Chủ tịch Hiệp hội Người mù Thế giới
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Người mù thế giới, bà Martine Abel cho biết, đại dịch Covid-19 đã tạm thời ảnh hưởng đến nhiều hình thức tiếp xúc thể chất và xã hội giữa con người với nhau và điều này sẽ gây thiệt hại nặng nề đối với nhiều người trong lĩnh vực massage, vì đây là một nghề mang tính cá nhân và thực hành. “Tôi thực sự tin tưởng rằng tất cả chúng ta đang hỗ trợ lẫn nhau để hồi phục và phát triển sức mạnh của Ủy ban massage của các nước trong khu vực”, bà Abel nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Báo cáo tại hội thảo, đại diện Hội Người mù Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục phát triển và mở rộng mạng lưới các cơ sở massage của người khiếm thị, từng bước nâng cấp phòng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ và hướng tới dịch vụ xoa bóp chữa bệnh. Phấn đấu đưa nghề massage y học của người khiếm thị thành một thương hiệu có uy tín. Cần hoàn thiện các chính sách về đào tạo nghề massage y học cho người khiếm thị ở trình độ trung cấp trở lên, tạo điều kiện cho người khiếm thị đạt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, bằng cấp tham gia làm việc tại bệnh viện và các cơ sở y tế khác…
Thu Trang – Thu Hường