(ĐHVO). Đêm Giao thừa Xuân Bính Thân 1956, Bác Hồ đến thăm trường Thương binh hỏng mắt, tại đây Bác đã đưa ra lời động viên, lời dạy đầy ân tình “Tàn nhưng không phế”. Năm 2021 là năm kỷ niệm 65 năm thực hiện lời dạy của Bác, nhân dịp Ngày Quốc tế Người khuyết tật 03/12, sáng nay ngày 03/12/2021 Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Hội Người mù Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học tư tưởng “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người khiếm thị tại hội trường Hội Người mù Việt Nam.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo khoa học tư tưởng “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với người khiếm thị có sự tham gia của Ông Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận Trung Ương; Ông Trịnh Châu Giang, Hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng trung ương Đảng; ông Phạm Gia Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội – Ban Tuyên giáo Trung Ương; Ông Hoàng Mạnh Thế – Trưởng phòng Biên tập Tạp chí Tuyên giáo – Ban Tuyên giáo Trung Ương; Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chánh VP Hội đồng Lý luận Trung ương; Ông Đinh Ngọc Giang – Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học Học viện Chính trị Quốc gia HCM; Bà Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Học tập suốt đời; Bà Đoàn Thùy Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch; Ông Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS, Đại tá, Nhà văn Nguyễn Thanh Tú. Cùng các đại diện các Bộ, Ngành đến dự tại các điểm cầu trực tuyến Văn Phòng chính phủ, Mặt trận tổ quốc VN, Bộ Nội vụ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Cục Báo chí.
Về phía Hội Người mù Việt Nam có ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam; Ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam; Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam; Ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội Người mù TP Hà Nội; Ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng cho người mù. Cùng các đồng chí ủy viên Ban thường vụ, cán bộ hội viên của các tỉnh, thành hội, các hội cơ sở tham dự tại các điểm cầu trực tuyến và các phóng viên báo đài của trung ương và địa phương đến dự và đưa tin hội thảo.
Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam chủ tọa Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cảm kích sự hiện diện của tất cả các quý vị đại biểu góp phần quan trọng vào thành công của Hội thảo khoa học lần này, là nguồn động viên thực hiện tốt lời dạy của Bác, phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng. Báo cáo hoạt động Hội người mù Việt Nam, ông Phạm Viết Thu chia sẻ: “Suốt chặng đường 65 năm qua, người khuyết tật Việt Nam và hơn 52 năm kể từ ngày thành lập, cán bộ Hội viên người mù VN thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong điều kiện tình hình thế giới, đất nước và các địa phương có rất nhiều thuận lợi và cũng gặp không ít khó khăn. Phát huy tốt truyền thống tương thân thương ái của dân tộc ta, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác “tàn nhưng không phế”, lấy đó làm phương châm hành động trong suốt quá trình hoạt động đã luôn luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thách thức. Phát huy kinh nghiệm, tâm huyết, trách nghiệm, sự năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, nhiệt tình tận tụy, tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương chính sách, nhiệm vụ, phong trào thi đua của Đảng, nhà nước, MTTQ, các chương trình của Hội, năng giải quyết việc làm, năng củng cố tổ chức. Đồng tâm làm các cuộc vận động; tăng cường đoàn kết, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng, xóa đói giảm nghèo bền vững, cải cách hành chính kết hợp học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.”
Trong hơn 52 năm qua, Hội người mù Việt Nam nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên, thực hiện tốt lời dạy của Bác. Tổ chức, thực hiện có hiệu quả và đạt được những kết quả đáng trân trọng trên các chương trình nghĩa vụ công tác, tổ chức hội đã kết nạp cho 74.126 hội viên sinh hoạt trên 3.632 chi hội xã, phường với 4.431 quận, huyện trong 57/63 tỉnh thành. Dạy nghề, truyền nghề, vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống góp phần xóa đói giảm nghèo, giáo dục, tuyên tuyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phục hồi chức năng đạt được kết quả khá toàn diện. Các chương trình nhiệm vụ, các cuộc vận động, phong trào thi đua đều được tổ chức, tổng kết, đánh giá minh chứng cho sự hoạt động hiệu quả, sức lan tỏa của việc thực hiện lời dạy của Bác, góp phần làm nên mái nhà chung thực sự là tổ ấm tình thương, là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người mù VN luôn dành được sự quan tâm, tin tưởng của các cấp các ngành, của nhân dân, cộng đồng xã hội, bạn bè quốc tế.
Với tinh thần, trách nhiệm cao, tất cả vì sự phát triển, bình đẳng và hòa nhập, hạnh phúc của người mù Việt Nam, Hội thảo khoa học lần này đón nhận ý kiến tham vấn của GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương là người nhiều năm theo dõi và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; của PGS.TS, Đại tá, Nhà văn Nguyễn Thanh Tú – người cũng có 11 tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh; của Ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm đào tạo và phục hồi chức năng; Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội người mù Tỉnh Thừa Thiên Huế; Chu Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội người mù TP Hà Nội và các nhà khoa học đến từ các ban ngành Trung ương, Học viện chính trị Quốc gia HCM, các Viện nghiên cứu. Đặc biệt, Hội thảo đón nhận ý kiến phát biểu chỉ đạo của ông Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban dân vận Trung Ương đại diện cho Đảng, Nhà nước và các bộ ngành.
Tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được của Hội thảo, lời dạy “tàn nhưng không phế” càng được phân tích, làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, tính nhân văn cao cả, tính lan tỏa và sức lan tỏa của việc thực hiện lời dạy của Bác trong suốt chặng đường 65 năm qua. Từ đó, các hội viên, cán bộ Hội người mù Việt Nam càng thấm nhuần sâu sắc học tập tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, nỗ lực phấn đấu hết mình hơn nữa trong lao động, học tập, xây dựng; khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực vươn mình, đẩy mạnh toàn diện các nhiệm vụ, để hoạt động Hội người mù VN ngày càng đi vào truyền thông, đa dạng, phong phú, đạt hiệu quả góp phần xây dựng các cấp hội ngày càng ổn định, phát triển; thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh xã hội của đất nước, thực hiện chương trình không bỏ ai lại phía sau và theo tiến trình đổi mới đi lên của đất nước.
Có thể nói, lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế” đã, đang và sẽ mãi mãi là động lực, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những người khiếm thị, để họ thêm tự tin, năng động hòa vào dòng chảy chung của nhịp sống xã hội, góp phần xây dựng Đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Hồng Liên