(ĐHVO). Sáng ngày 8/9/2022 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (215 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) diễn ra Hội thảo Chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật do Hội Người khuyết tật TP Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội tổ chức.
Tham dự Hội thảo có Bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động – Thương Binh và xã hội TP Hà Nội; Bà Phạm Thị Thuý Hà, Phó Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương Binh và Xã hội huyện Mỹ Đức; Bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người khuyết tật TP Hà Nội; Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm dạy nghề thuộc Hội người mù TP Hà Nội cùng các đại biểu từ các cơ quan, đơn vị các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức của và vì người khuyết tật và các thanh niên khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội.
Bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người khuyết tật TP Hà Nội chủ trì Hội thảo
Chủ trì và phát biểu tại Hội thảo, Bà Phan Thị Bích Diệp chia sẻ mong muốn và nhu cầu việc làm của người khuyết tật và bày tỏ sự cảm kích bởi người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đặc biệt về lĩnh vực việc làm. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật, Chính phủ ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm bảo vệ, chăm lo, trợ giúp người khuyết tật. Nhờ vậy, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, vị thế của người khuyết tật được nâng cao.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động – Thương Binh và xã hội TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Đại diện Sở Lao động – Thương Binh và xã hội TP Hà Nội, bà Phạm Thị Thu Hằng, Phó Trưởng phòng Phòng Bảo trợ xã hội chia sẻ về việc triển khai các chính sách hỗ trợ dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội. Bà cho biết, trách nhiệm của Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội là rất lớn trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn. Theo số liệu thống kê tính đến năm 2021, trên địa bàn TP Hà Nội có trên 100.000 người khuyết tật, chiếm 1,3% dân số; trong đó số thanh niên khuyết tật trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 20.000 người, chiếm 20% người khuyết tật; người khuyết tận còn có khả năng lao động là 19.723 người, trong đó đã có việc làm là 9.668 người và trên 10.000 người khuyết tật chưa có việc làm. Do vậy, việc giải quyết việc làm cho trên 10.000 người khuyết tật là một chỉ tiêu đặt ra đối với toàn TP Hà Nội. Thực hiện chương trình công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, Sở Lao động – Thương Binh và xã hội TP Hà Nội giao Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội người khuyết tật TP Hà Nội để tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép lưu động hàng năm cho người khuyết tật tại Trung tâm và một số quận, huyện, thị xã; tổ chức thực hiện dự án với các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế nhằm mở rộng cơ hội việc làm và thúc đẩy hoà nhập xã hội thông qua việc tăng cường các kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho người khuyết tật, các dự án triển khai tại các quận, huyện của TP Hà Nội đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật và người khuyết tật đã tự tin tham gia tích cực các dự án. Đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật.
Bà Phạm Thị Thu Hằng cho biết thêm, hiện nay một số chính sách về công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật chưa được phù hợp, cần được quan tâm và xây dựng chính sách có hiệu quả hơn như cần xây dựng các cơ chế hỗ trợ dạy nghề nâng cao cho người khuyết tật, cơ chế thanh toán, hỗ trợ kinh phí dạy nghề, tạo việc làm linh hoạt cho các cơ sở tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, cơ chế sử dụng người lao động là người khuyết tật,…
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm dạy nghề thuộc Hội người mù TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Bà Đinh Thị Thái – Chuyên viên tuyển dụng cao cấp của Công ty TNHH Esoft Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tạo việc làm ổn định cho người khuyết tật trong lĩnh vực công nghệ thông tin
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị các địa phương, các tổ chức của và vì người khuyết tật đã đưa ra nhiều ý kiến, góp ý, kiến nghị liên quan đến chính sách dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người khuyết tật TP Hà Nội đã nhiệt tình giải đáp, hỗ trợ và giải quyết triệt để những vướng mắc, khó khăn còn tồn đọng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật.
Tin tưởng rằng với những báo cáo kết quả đã đạt được, những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, những vướng mắc đã được trao đổi và có hướng tháo gỡ, các giải pháp được đưa ra để thảo luận, nghiên cứu thì việc thực thi các chính sách liên quan đến hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật sẽ ngày càng hiệu quả.
Hồng Liên