Hội thảo Chia sẻ kết quả tập huấn vận hành dịch vụ hòa nhập người khuyết tật tại Hàn Quốc tháng 10/2023

(ĐHVO). Sáng ngày 09/11/2023, tại Khách sạn Cầu Giấy, Hội người khuyết tật TP. Hà Nội phối hợp với Global Civic Sharing (GCS) long trọng tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả tập huấn vận hành dịch vụ hòa nhập người khuyết tật tại Hàn Quốc vào hồi tháng 10/2023.

Ông Choi Eui Gyo – Trưởng đại diện tổ chức Global Civic Sharing (GCS) tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Đợt tập huấn vận hành dịch vụ hòa nhập người khuyết tật tại Hàn Quốc vào ngày 15-20/10 vừa qua đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thông qua đợt tập huấn này, đại diện các cơ ban, ban, ngành, đơn vị đã học hỏi được nhiều mô hình, cách làm hay từ hệ thống pháp luật, các trung tâm dịch vụ cho người khuyết tật, từ đó rút kinh nghiệm, xây dựng nhiều dự án thiết thực đối với người khuyết tật tại Việt Nam.

Mở đầu Hội thảo, bà Dương Thị Vân – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật đại diện đoàn đại biểu chia sẻ những ấn tượng về đợt tập huấn vận hành dịch vụ hòa nhập người khuyết tật tại Hàn Quốc tháng 10/2023 vừa qua. Theo đó, đoàn đã tới thăm các trung tâm dịch vụ cho người khuyết tật và cực kỳ ấn tượng với các dịch vụ hỗ trợ ấy khi có đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại và nguồn nhân lực có năng lực, tâm huyết đối với người khuyết tật. Bà cũng mong muốn rằng, qua 6 ngày học hỏi, với kinh nghiệm học được từ nước bạn, các cán bộ được cử đi đào tạo sẽ vận dụng mô hình và xây dựng dự án phù hợp, đảm bảo người khuyết tật tại Việt Nam ngày càng hòa nhập cộng đồng, tự tin làm chủ cuộc sống.

Bà Dương Thị Vân – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ hòa nhập người khuyết tật chia sẻ tại Hội thảo

Bằng sự quan sát, học hỏi và chọn lọc thông tin, đoàn đại biểu đã tự xây dựng cho mình các dự án cụ thể, chi tiết, dự định sẽ triển khai để nâng cao tính hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật Việt Nam nói chung và tại thành phố Hà Nội nói riêng, bao gồm:

Thứ nhất, dự án Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin công trình tại các cơ sở cung cấp dịch vụ hòa nhập cho người khuyết tật tại Hà Nội, Việt Nam do bà Đinh Thị Thụy – Trưởng Phòng Người khuyết tật (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) cùng các đại diện khác lên kế hoạch với mục tiêu xây dựng môi trường không rào cản đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật tham gia vào các dịch vụ xã hội, thụ hưởng các chính sách, tạo bình đẳng trong các hoạt động xã hội, phát huy khả năng, năng lực của người khuyết tật. Trong đó, dự án sẽ thực hiện cải tạo cơ sở vật chất tại các đơn vị cung cấp dịch vụ người khuyết tật thiết yếu như đường xá, nhà vệ sinh… thí điểm trên 02 cơ sở, đánh giá, rút ra bài học, nhân rộng mô hình, sau đó sẽ thể chế thành luật và các quy định.

Bà Đinh Thị Thụy – Trưởng Phòng Người khuyết tật (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) chia sẻ tại Hội thảo

Thứ hai, dự án Xây dựng Trung tâm dịch vụ hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật do bà Đoàn Thị Ngọc Lan – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội cùng đại diện Sở Nội vụ TP. Hà Nội, Nhóm Vì tương lai tươi sáng lên kế hoạch với mục đích tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong bối cảnh tại Việt Nam chưa có một Hội người khuyết tật nào có trung tâm trực tiếp hỗ trợ người người khuyết tật về đào tạo việc làm và nhu cầu việc làm của người khuyết tật ngày càng cao, việc Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội thành lập trung tâm hỗ trợ việc làm cho các hội viên là điều vô cùng cần thiết, nếu thành công, đây sẽ là tiền đề, thí điểm cho các địa phương khác thực hiện, nhằm hướng tới người khuyết tật sẽ có công việc ổn định, phù hợp với năng lực của bản thân. Cũng theo bà Lan, theo đề án, trung tâm sẽ không những là nơi người khuyết tật được đào tạo, nâng cao tay nghề mà còn là cầu nối, kết nối người khuyết tật với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Ngoài ra, sau chuyến đi Hàn Quốc, Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội dự định sẽ mở một quán café do người khuyết tật vận hành (học tập mô hình của Trung tâm phúc lợi cho người khuyết tật Dongdeamun & Trung tâm phúc lợi Seongdong) và cung cấp dịch vụ sửa chữa xe lăn do người khuyết tật đảm trách (học tập mô hình của Trung tâm phúc lợi Seongdong)…

Bà Đoàn Thị Ngọc Lan – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo

Thứ ba, dự án Truyền thông nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân vì một xã hội không rào cảm với người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội do bà Kiều Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội lên kế hoạch với mục đích nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về năng lực của người khuyết tật, giúp người khuyết tật tự tin, phát huy thế mạnh, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đối tượng truyền thông dự án hướng tới gồm 300 doanh nghiệp lớn, 10.000 người dân (trong đó có 500 người khuyết tật),…, nhằm lan tỏa hình ảnh tích cực về người khuyết tật. Truyền thông chính là công cụ hữu hiệu để chuyển tải thông tin, hình ảnh, giúp cộng đồng thay đổi nhận thức, tư duy tích cực về năng lực của người khuyết tật. Bên cạnh đó, bà Hương cũng mong muốn rằng, Nhà nước sẽ có sự hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ thông qua cơ chế, chính sách cụ thể.

Bà Kiều Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, trực thuộc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội chia sẻ tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra những đóng góp, ý kiến mang tính xây dựng để các dự án nêu trên được triển khai trong thực tế hiệu quả hơn, đảm bảo người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực việc làm, lao động.

Các đại biểu chia sẻ, đóng góp ý kiến

Đợt tập huấn về vận hành dịch vụ hòa nhập người khuyết tật tại Hàn Quốc diễn ra từ ngày 15-20/10 vừa qua đã thu được các kết quả đáng khích lệ, đạt được mục tiêu đề ra ban đầu của Đề án. Dựa trên mô hình của các trung tâm dịch vụ dành cho người khuyết tật tại Hàn Quốc, hy vọng rằng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sẽ triển khai được nhiều dự án thiết thực, phù hợp với thực trạng đời sống xã hội của người khuyết tật tại Việt Nam.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang