(ĐHVO). Sáng ngày 11/01/2024, tại Nhà khách La Thành số 226 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội, Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội phối hợp với Đại học Monash – Úc tổ chức Hội thảo “Biến đổi khí hậu, tiếp cận nguồn nước và hòa nhập người khuyết tật tại Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan Nhà nước cấp TW có bà Vũ Quỳnh Hương, Phó Trưởng phòng – Uỷ ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam; bà Đỗ Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng phòng phụ trách Đào tạo – bồi dưỡng nghiệp vụ, Trung tâm chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT. Về phía đơn vị tài trợ, đơn vị hỗ trợ Quốc tế có Ông James Deane, Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; TS. Laura Beckwith, Điều phối vùng Mê Kông, Tổ chức Đối tác về Nước của Úc; ông Michael Simon, Trưởng Chương trình quốc tế, Tổ chức Thành phố nhạy cảm Nước của Úc (WSCA) và nghiên cứu sinh Đại học Monash, Úc; TS. Nguyễn Trung Kiên, Trưởng nhóm nghiên cứu Đại học Monash; bà Trịnh Thị Thu Thủy, DP Hanoi. Về phía Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội có bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội cùng đại diện đến từ các tổ chức UNDP và UN Women tại Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Huyền – Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội (bên trái) phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc chương trình, Bà Đỗ Thị Huyền – Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội chia sẻ, những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu không tương xứng đến dân số. Người khuyết tật luôn có những sáng kiến sáng tạo nhằm thích ứng và làm chậm biến đổi khí hậu, nhưng lại không được công nhận, kéo dài sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Biến đổi khí hậu đang có tác động lớn nhất tới những người nghèo nhất thế giới và những người dễ bị tổn thương nhất (trong nhóm này, 20% là người khuyết tật). Bà cũng cho biết, người ta dự đoán biến đổi khí hậu sẽ gây ra khó khăn ngày càng tăng cho người dân khuyết tật (và các nhóm dễ bị tổn thương khác), đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Ông James Deane – Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bà Laura Beckwith – Điều phối vùng Mê Kông, Tổ chức Đối tác về Nước của Úc (bên trái) phát biểu tại Hội thảo
TS. Laura Beckwith – Điều phối vùng Mê Kông, Tổ chức Đối tác về Nước của Úc phát biểu tại Hội thảo cho biết, tổ chức Đối tác về nước của Úc tự hào xây dựng quan hệ đối tác giữa Úc và khu vực sông Mê Kông để hỗ trợ quản lý bền vững tài nguyên nước. Nhờ có sự hợp tác đó mới học hỏi được từ những thành công và khó khăn của nhau để giải quyết tốt hơn những thách thức hiện tại cũng như các vấn đề mới nổi liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái, nền kinh tế và xã hội. Nhiều người bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cả người khuyết tật. Do đó, việc hỗ trợ chương trình nghiên cứu về việc người khuyết tật bị ảnh hưởng cũng như ứng phó và phục hồi như thế nào với biến đổi khí hậu là điều vô cùng quan trọng.
Ông Michael Simon, Trưởng Chương trình quốc tế, Tổ chức Thành phố nhạy cảm Nước của Úc, Đại học Monash phát biểu tại Hội thảo
Ông Michael Simon – Trưởng Chương trình quốc tế, Tổ chức Thành phố nhạy cảm Nước của Úc, Đại học Monash cũng chia sẻ tại Hội thảo, được hợp tác với DP Hanoi tại Việt Nam là một vinh dự, mục đích để tìm hiểu mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước và người khuyết tật. Ông cho rằng, người khuyết tật có nhiều điểm dễ bị tổn thương trong thời điểm xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và kéo dài, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Đại học Monash chia sẻ tại Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng nhóm nghiên cứu Đại học Monash chia sẻ về tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa nhập của người khuyết tật tại Việt Nam. Biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần cho người khuyết tật; đồng thời làm trầm trọng hóa tình trạng mất an ninh nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cho người khuyết tật.
Ông Kiên cho rằng việc hòa nhập khuyết tật trong quản trị rủi ro thiên tai chỉ mới tập trung vào ứng phó với tình huống khẩn cấp, ngắn hạn chứ chưa xây dựng năng lực thích ứng và lập kế hoạch lâu dài. Ngoài ra, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn thách thức trước, trong và sau khi thảm họa tự nhiên xảy ra. Trước thảm họa, người khuyết tật gặp khó khăn khi tiếp cận với thông tin cảnh báo sớm thiên tai do không có tài liệu/thông điệp truyền thông phù hợp. Trong thảm họa, người khuyết tật gặp khó khăn trong hiểu và phản ứng với tình huống khẩn cấp, giao tiếp với đội cứu trợ, di tản hoặc khó khăn vì không có điều kiện phù hợp trong nhà tránh trú. Sau thảm họa, người khuyết tật gặp khó khăn trong phục hồi từ thảm họa do thiếu nền tảng kinh tế và tiếp cận sinh kế phù hợp.
Bà Trịnh Thị Thu Thủy, DP Hanoi cũng chia sẻ tại Hội thảo
Bà Trịnh Thị Thu Thủy, DP Hanoi chia sẻ về tác động của an ninh nước đối với hòa nhập của người khuyết tật tại Việt Nam. Bà cho rằng, việc thiếu nước sinh hoạt do thiên tai và biến đổi khí hậu, việc thiếu tiếp cận tới nước sạch khiến người khuyết tật ở nông thôn gặp phải rủi ro cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người khuyết tật như phải đối diện với rủi ro ô nhiễm do hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Từ những tác động bất lợi trên, đại diện nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị để hỗ trợ người khuyết tật ứng phó với biến đổi khí hậu và giải pháp tiếp cận nguồn nước, đó là: Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai và rủi ro cho những người khuyết tật ở các dạng khác nhau; nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức và kỹ năng về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai cho bản thân người khuyết tật và gia đình họ; nâng cao nhận thức về vai trò của an ninh nước đối với người khuyết tật…
Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các tổ chức UNDP và UN Women tại Việt Nam; Hội người mù Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội, Hội Người khuyết tật các tỉnh Nghệ An, Hà Nam, Thái Bình… cùng tham gia thảo luận sôi nổi về dự án được hai đại diện Đại học Monash chia sẻ; đồng thời Hội thảo cũng nhận được rất nhiều những ý kiến đóng góp tích cực liên quan đến các giải pháp để cải thiện việc hòa nhập người khuyết tật trong bối cảnh của biến đôi khí hậu và tiếp cận nguồn nước.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Người khuyết tật tại Việt Nam về việc thực hiện nghiên cứu và thúc đẩy lồng ghép vấn đề khuyết tật trong các chương trình giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khi hậu của quốc gia và thành phố. Đây là cơ hội để Hội Người khuyết tật tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức thảo luận và thúc đẩy xây dựng các chính sách hỗ trợ người khuyết tật ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hồng Liên