Sáng ngày 2-10 Hội sách Hà Nội lần thứ VI chính thức khai mạc tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 – 10/10/2019.
Hội sách Hà Nội là hoạt động thường niên tại Hoàng thành Thăng Long mỗi độ thu về và ngày kỉ niệm Giải phóng thủ đô. Đặc biệt hơn năm nay Hội sách diễn ra đúng dịp kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô và tròn 20 năm Hà Nội vinh dự đón nhận danh hiệu UNESCO “Thành phố vì hòa bình” nên được tổ chức với qui mô lớn hơn các kỳ hội sách trước đây với sự tham gia của các nhà xuất bản sách lớn trong và ngoài nước. Tổng số có khoảng 200 gian hàng.
Trung tâm chính của hội sách năm nay là khu trưng bày “Hà nội – 20 năm thành phố vì hòa bình”, tập trung trưng bày, giới thiệu về sách, tư liệu về truyền thống văn hiến Thăng Long – Hà Nội, truyền thống Thủ đô anh hùng – Thành phố vì hòa bình.
Về phía các đơn vị trong nước có sự góp mặt của các nhà xuất bản đã khẳng định được tên tuổi như: Kim đồng, Văn học, Phụ nữ… Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các nhà sách mới như Nhã nam, Thái Hà Books, Đinh Tị Books..
Khu trưng bày sách quốc tế có 14 doanh nghiệp xuất bản đến từ Nhật Bản, Singapore, Malaysia … Ngoài trưng bày, giới thiệu nguồn sách quý giá, tiêu biểu cho lịch sử, văn hóa và KHKT của các nước, tại đây còn có các hoạt động giao lưu với tác giả – tác phẩm của một số nước có cơ quan ngoại giao đặt tại Hà Nội như Đại sứ quán: Ấn Độ, Indonesisa, Pháp…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định “Từ xa xưa, cha ông ta luôn nêu cao tinh thần hiếu học: Học để làm người, học để có kiến thức góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh những cách thức chủ yếu để học và nâng cao tri thức là “Học ở trường, trong sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”. Đọc sách là một trong những cách thức quan trọng để giúp chúng ta nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết, phát triển tư duy và giáo dục, rèn luyện nhân cách con người. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân chính là động lực và công cụ chủ yếu để tiến tới xây dựng một xã hội học tập”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, với sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Hội sách Hà Nội đến nay đã qua 5 lần tổ chức. Qua mỗi lần tổ chức, Hội sách đều mang một dấu ấn thành công riêng, thu hút được sự tham gia đông đảo của các đơn vị xuất bản, phát hành, truyền thông trong nước, quốc tế; sự hưởng ứng, đón nhận của bạn đọc không chỉ trên địa bàn Thành phố mà còn có sức hút với bạn đọc các địa phương trong khu vực khẳng định được thương hiệu của Hội sách Hà Nội…
Ông cũng hy vọng các địa phương khác trong cả nước tiếp tục quan tâm thiết thực hơn đến văn hóa đọc, đầu tư tổ chức nhiều hơn nữa các Hội Sách, Phố Sách, Đường Sách… để nhân dân có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với sách; những người viết, những người tham gia công tác xuất bản, in và phát hành có cơ hội giao lưu, quảng bá và phát triển thương hiệu. Để văn hóa đọc trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, mỗi người hãy dành một khoảng thời gian quý báu trong ngày, trong tuần để đọc sách, để làm giàu thêm vốn sống cho mình, làm giàu thêm kho tàng tri thức của đất nước và nhân loại.
Trong thời gian diễn ra Hội sách năm nay (2-6/10), ban Quản lý dic tích Hoàng thành Thăng Long còn phối hợp Sở TT&TT Hà Nội tổ chức chương trình “Ký ức mùa thu” với các hoạt động trưng bày triển lãm “Hà Nội mùa thu năm ấy“, tái hiện Lễ chào cờ lịch sử tại sân Đoan Môn, giao lưu các nhân chứng lịch sử và ra mắt cuốn sách “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”
Theo Việt Hoàng – Báo Tầm nhìn