(ĐHVO). Tháng Năm về, mùa hoa sen nở, cũng là dịp để người dân mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài, một lòng tưởng nhớ đến Bác Hồ, bằng tất cả tấm lòng thành kính, tự hào và biết ơn trước công lao trời biển của Người đối với dân tộc, non sông Việt Nam.
Ngày 19/5/2021, ngày hết sức đặc biệt của đất nước ta nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam cũng là dịp hướng tới sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công Đại hội XIII của Đảng: Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Được sự nhất trí của Quận ủy, HĐND, UBND, Ban Thường trực Hội NKT Hà Nội, Hội NKT quận Thanh Xuân phối kết hợp với Ban Chủ nhiệm Bộ môn Luật Nhân quyền – Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế Quốc dân; tổ chức chương trình truyền thông “Giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với Phụ nữ khuyết tật thông qua các sáng kiến nghệ thuật”.
Tham dự chương trình có Lãnh đạo Hội NKT quận, Tiến sỹ Nguyễn Thu Trang, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Nhân quyền và hơn 100 sinh viên năm thứ 3; với mục đích nâng cao nhận thức cho sinh viên của Bộ môn nói riêng và giảng viên, sinh viên của Trường với người khuyết tật.
Tiến sỹ Nguyễn Thu Trang (thứ 4 trái), Diễn giả Nguyễn Minh Châu cùng sinh viên và Nhóm Dự án
Diễn giả Nguyễn Minh Châu, Ủy viên Thường trực Hội NKT quận Thanh Xuân, chia sẻ về chính bản thân mình và đã để lại ấn tượng, tình cảm sâu sắc trong lòng các bạn trẻ sinh viên.
“…Khi còn nhỏ, trong các buổi khai giảng đầu năm học, chị luôn phải đứng tần ngần trước cửa lớp và suy nghĩ về việc làm thế nào để vượt qua năm học này mà không phải rơi nước mắt. Chị đi đâu cũng thu hút ánh nhìn, là trung tâm của những lời giễu cợt, bị gọi với nhiều nickname và ngay cả đến bây giờ, sau hơn 30 năm… khi nhắc đến chị vẫn cảm thấy rất buồn.
… Chính vì mang trong mình những nỗi buồn đó, nên chị có một mong mỏi là những bạn trẻ khuyết tật sẽ không phải mất nhiều thời gian trải nghiệm, vất vả vượt qua những thách thức trong cuộc sống như mình. Điều này đã thôi thúc chị trở thành tình nguyện viên, giảng viên kỹ năng sống, kỹ năng tìm và giữ việc làm, kỹ năng tự vệ, kỹ năng viết báo, kỹ năng tổ chức sự kiện và là nhà hoạt động, người vận động thúc đẩy thực thi; quyền của NKT tại Việt Nam trong hơn 13 năm qua.
Với Nguyễn Minh Châu: Tất cả đều được bắt đầu từ sự tự tin, khát khao được sống hết mình và mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người khác, nhất là các bạn nữ khuyết tật trên mọi miền đất nước…
Tại chương trình, các nghệ sỹ ảo thuật (người không sử dụng ngôn ngữ nói mà nói bằng tay với khán giả của Bộ môn Luật Nhân quyền), mời các anh chị sinh viên lên sân khấu tham gia tương tác. Các chú Hề không chỉ có tài biến hóa, thực hiện các phép thuật mà còn là những nhà thông thái trẻ tuổi, làm cho các anh chị sinh viên rất xúc động và cảm phục.
Với các trò chơi tương tác cùng các bạn sinh viên, nghệ sỹ Kịch đã chuyển tải thông điệp đến với khán giả: Người khuyết tật có quyền có việc làm và quyền được yêu. Đây còn là bài học về lòng nhân ái và vẻ đẹp trong sự đa dạng…
Phát biểu tại chương trình, cô giáo – Tiến sỹ Nguyễn Thu Trang chia sẻ: Biết chị Châu hơn 10 năm, nhưng giờ em mới hiểu hết những tâm sự sâu kín của chị. Em rất tiếc, mãi đến hôm nay, chị em mình mới có điều kiện để cùng hỗ trợ nhau truyền lửa cho lớp trẻ (sinh viên của em). Qua lời chia sẻ của Chị , đúng là một bài học thực tế đáng giá.
Bằng những sáng kiến nghệ thuật, Người khuyết tật Thanh Xuân đã tiếp thêm ngọn lửa tự tin cho sinh viên của Trường, giúp các bạn trẻ hiểu hơn về kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT và phụ nữ khuyết tật. Và đây cũng là cơ hội để sinh viên của Bộ môn hiểu đầy đủ về Luật NKT. Khi được gặp gỡ và tiếp xúc với các anh chị em NKT, để sinh viên cùng sẻ chia nhưng cũng giúp các em học tập được rất nhiều ở ý chí, nghị lực của những diễn viên không chuyên người khuyết tật.
Để tạo điều kiện cho Hội thực hiện tốt sự kiện thứ 10 của Dự án, trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19, Hội luôn được sự quan tâm của Lãnh đạo quận Thanh Xuân và Hội NKT Hà Nội, Văn phòng Quỹ Abilis/Việt Nam; đặc biệt sự giúp đỡ nhiệt tình, tích cực hết lòng vì NKT và Hội NKT Thanh Xuân của cô giáo – Tiến sỹ Nguyễn Thu Trang và hơn 100 sinh viên Bộ môn Luật Nhân quyền, Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế quốc dân nên chương trình “Nghệ thuật truyền thông giảm kỳ thị phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật” đã thành công và có sức lan tỏa làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và để nói không với kỳ thị người khuyết tật (trong đó có phụ nữ khuyết tật).
Nguyễn Thúy Ngân