(ĐHVO). Hội NKT Thanh Xuân nhận lời mời của Ban Giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Nghĩa Lộ,Yên Bái đến thăm Mường Lò nhân dịp Xòe Thái – Tây Bắc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Vào 6h00 ngày 23/9/2022, xe chuyển bánh rời Văn phòng Hội, chỉ ít phút sau đã có mặt trên đường cao tốc Hà Nội – Lao Cai. Hai bên đường nhà cửa cây cối lao vun vút. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã cách xa trung tâm Thủ đô để ngược lên vùng cao Tây Bắc. Sớm tháng 9, trời se lạnh, chúng tôi gặp nhau thì không khí như nóng lên; bởi trên xe có tới 11/15 người phụ nữ là cán bộ Hội NKT Thanh Xuân và người thân; anh cán bộ Đường lối thi thoảng trả lời những câu hỏi, còn thì tập trung cho tay lái.
Sáng Thu nay, sương mờ vẫn còn giăng giăng như khói. Thấp thoáng trong sương là những cánh đồng, những dãy núi xanh đậm, rồi những vạt rừng trải dài như vô tận… Trước cảnh thiên nhiên đẹp thì mọi người cùng reo lên! Thế là anh Lương Hữu Hải, Phó Ban Truyền thông của Hội lại hướng máy tới. Cảnh vật hai bên đường luôn đổi thay. Rồi bất chợt tầng tầng lớp lớp, ngang dọc những ngôi nhà sàn quây quần bên nhau trên các sườn núi xa xa hiện ra; bởi ông mặt trời đang chui lên để báo hiệu một ngày nắng đẹp.
Tới Nghĩa Lộ đã hơn 11 giờ trưa, ngồi trên xe thi thoảng Chủ tịch Hội lại nhận được điện thoại của các anh chị trong Ban Giám đốc Ngân hàng hỏi thăm: Đoàn đi tới đâu và mong được gặp Đoàn cùng cô giáo Chủ nhiệm của Giám đốc (đã ra trường THPT hơn 28 năm), tại bữa cơm trưa ở Nhà hàng Giang Bính. Hầu hết thành viên của Đoàn chưa đi Tây Bắc bao giờ, lần này đến với Mường Lò vì lời mời gọi của câu hát: “Anh có về Nghĩa Lộ với em không?…”, thế là lên đường.
Chuẩn bị cho Lễ đón Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì dọc hai bên đường biết bao loài hoa, nhất là hoa chi pâu đều khoe sắc thắm, cùng với cờ, biểu ngữ, băng rôn… treo từ phía ngoài của đèo Ách, đến cầu Nhì, rồi khắp mọi ngả đường của Mường Lò… đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa. Cái không khí ấy đem đến cho chúng tôi cảm giác ấm áp, thân thuộc và yêu thương như thể Mường Lò – Nghĩa Lộ là quê hương mình vậy.
Tại trụ sở Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Nghĩa Lộ, cán bộ, nhân viên đón tiếp Đoàn rất thịnh tình, mọi người xem cán bộ Hội NKT Thanh Xuân như người thân yêu của mình. Thay mặt Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn, học trò cũ của Chủ tịch Hội; đồng chí Đinh Trọng Tiến, Phó Giám đốc chúc mừng Đoàn đến với Nghĩa Lộ, đến với Mường Lò, cùng chia niềm vui với đồng bào vùng cao Tây Bắc và cùng hòa mình trong Lễ hội có một không hai. Đáp lời anh Tiến, ông Dương Ngọc Kiên – Phó Chủ tịch Hội thay mặt Đoàn chỉ nói lời cảm ơn sự đón tiếp ân tình sâu nặng của anh chị em cán bộ Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Nghĩa Lộ với Đoàn của Hội NKT quận Thanh Xuân, Hà Nội.
…Buổi chiều, Đoàn đi thăm đồi Pú Trạng, đứng trên đỉnh đồi ngắm nhìn toàn cảnh của thị xã Mường Lò đẹp hút hồn được thu vào tầm mắt các thành viên, nhất là trong ống kính của cán bộ truyền thông Hội.
16h00, Đoàn đến Homestay Hồng Chung của bản Thái, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ với nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái để nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn dân tộc rất ngon (đặc biệt món trứng kiến). Sau đó là chương trình giao lưu văn nghệ do Đoàn và các cô gái Thái xinh đẹp, duyên dáng rất chuyên nghiệp nhưng vẫn giữ được nét đẹp bản sắc văn hóa của người địa phương thực hiện. Với những điệu múa của con gái Thái làm say đắm lòng người. Ấn tượng nhất là tiết mục: Nhảy sạp – Điệu nhảy dân gian của các dân tộc Tây Bắc có sức cuốn hút kỳ lạ, khiến cả Đoàn rất hào hứng, say mê với từng bước nhảy.
Đêm 24/9, Đoàn được chứng kiến toàn cảnh Lễ đón nhận Bằng Di sản Văn hóa của UNESCO ghi danh “ Xòe Thái Tây Bắc”. Thật vinh dự và tự hào cho đồng bào Thái Nghĩa Lộ được cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và với 4 tỉnh Tây Bắc: Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La long trọng tổ chức Lễ đón nhận.
Tại Lễ đón nhận “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – Xòe Thái”, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng: “…Xòe Thái là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của mọi người Việt Nam…”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Lễ hội 24/9/2022 “Xòe Thái Tây Bắc”
Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO chính thức ghi danh Xòe Thái vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Đây là di sản Thứ 14 của Việt Nam, là niềm tự hào của người Việt và khẳng định sự đóng góp quan trọng của Kho tàng di sản Văn hóa Việt Nam với nhân loại.
Múa xòe là nét sinh hoạt đặc sắc, điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái Tây Bắc. Xòe còn có tên gọi khác “Xe khăm khen” (Múa cầm tay). Múa xòe biểu hiện sự đoàn kết thân thiện, gắn bó và tính tập thể cao nên người Thái ở Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và nhiều người trên đất Việt biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe. Xòe là di sản văn hóa quý giá của người Thái và có sức sống vững bền trong nhân dân.
Với người Thái “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Xòe còn là biểu tượng tình yêu của người Thái: Con người yêu cuộc sống lao động, rồi tình yêu lứa đôi… Vì thế, cứ mỗi độ Xuân về, hay Hội mùa, Lễ cưới…đều có múa xòe.
Đón tiếp Đoàn: Anh Đinh Trọng Tiến, Phó Giám đốc (số 1 phải), anh Nguyễn Anh Tuấn,
Giám đốc (số 7 phải) cùng với Đội văn nghệ của Homestay Hồng Chung.
Từ xa xưa, người ta đúc kết có 36 điệu xòe nhưng phổ biến nhất có 6 điệu xòe nhưng “Khăm khen” là cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái được hình thành trong lao động từ thuở sơ khai.
Đạo cụ của Xòe là quạt, nón, khăn; nên con gái Thái mang khăn piêu là mang chuyện vui, chuyện mừng đến cho bản làng. Nghệ thuật xòe là ngôn ngữ giao tiếp, là kết nối cộng đồng và biểu tượng của tình đoàn kết, là tư duy sáng tạo, là cầu nối giúp cho 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S hiểu hơn về con người Tây Bắc và góp phần làm giàu đẹp cho nghệ thuật múa dân gian Việt Nam.
Thật vui mừng, trong dịp này, cán bộ Hội NKT Thanh Xuân được đến với Mường Lò, Yên Bái không chỉ được ngắm cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, trữ tình của non ngàn Tây Bắc mà còn được hòa mình trong Lễ hội đón Bằng Di sản nhân loại “Xòe Thái – Bản sắc Văn hóa dân tộc Thái”, với những vòng xòe ấm áp, mê hoặc như đón chào, như mời gọi, như níu bước chân ta.
Trong đêm Thu trên mảnh đất Mường Lò đậm sắc màu huyền thoại, cùng hàng triệu trái tim Việt Nam hội tụ chứng kiến thời khắc ý nghĩa trong Lễ đón Bằng của UNESCO vinh danh “Nghệ thuật Xòe Thái” và cùng hân hoan với không gian Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022.
CLB Phụ nữ khuyết tật Thanh Xuân cùng với Đội văn nghệ của Homestay Hồng Chung
Thị xã Mường Lò lung linh dưới hàng triệu ánh đèn lồng, góp phần làm cho bầu không khí của Đêm vùng cao Tây Bắc càng thêm rực rỡ, cùng với những con tim hòa chung nhịp đập. Với lời ca tiếng hát của các ca sỹ chuyên nghiệp, không chuyên của người Thái 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La cùng hát về quê hương, đất Việt anh hùng, ngàn năm văn hiến… Tiếng hát vang lên như mời gọi bạn bè năm Châu bốn biển đoàn kết và thắp sáng niềm tin yêu với một dân tộc yêu chuộng hòa bình vốn là truyền thống từ ngàn đời nay.
Tạm biệt nhé! Tạm biệt mảnh đất của ca dao và huyền thoại! Tạm biệt những ánh mắt yêu thương để trở về Thủ đô nhưng vẫn làm cháy lên ý chí của Người khuyết tật.
Mường Lò – Nghĩa Lộ ngày 24/9/2022
PV