Hội Người mù huyện Ý Yên hiện có 312 hội viên, trong đó có hơn 100 hội viên đang trong độ tuổi lao động. Những năm qua, Hội Người mù huyện đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp hội viên có công việc ổn định, nâng cao đời sống.
Dịch vụ tẩm quất, bấm huyệt đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hội viên Hội Người mù huyện Ý Yên. |
Cùng với việc tuyên truyền, vận động hội viên nỗ lực vươn lên vượt qua mặc cảm, để lao động sản xuất, Hội Người mù huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp dạy nghề làm tăm tre, xoa bóp bấm huyệt, các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên. Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Người mù huyện đã khảo sát cụ thể nhu cầu học nghề, vay vốn của từng hội viên, đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn. Với nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nhiều hội viên đã được vay vốn, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ. Hội viên Ngô Nguyên Quang, xã Yên Lợi được vay 30 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã phát triển chăn nuôi và kinh doanh phân bón theo thời vụ. Hàng năm ông Quang thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Ông Ngô Quốc Biên cũng từ nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã đầu tư, chuyển đổi hàng chục ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá chép, cá trắm đen, nuôi vịt… Mỗi năm, gia đình ông Biên có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ hợp tăm, mây tre đan cũng duy trì hoạt động, giúp hội viên có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Hiện tổ hợp có 5 lao động nữ, tuy thu nhập không cao nhưng cũng là một phần động viên khích lệ để hội viên hòa nhập cộng đồng. Tổ xoa bóp, bấm huyệt do Hội thành lập cũng đang hoạt động hiệu quả với 5 thành viên, cùng quản lý, giúp đỡ nhau, thu nhập bình quân hàng tháng mỗi hội viên từ 3,5-4 triệu đồng. Ngoài ra, một số người đã tự mở cơ sở xoa bóp hoạt động hiệu quả như các hội viên Trần Thanh Tâm, Phạm Thị Hạnh, với doanh thu bình quân mỗi tháng từ 40-45 triệu đồng. Bên cạnh tạo việc làm tăng thu nhập cho hội viên, Hội Người mù huyện cũng chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên. Hội đã tổ chức chương trình học chữ nổi, học nghề và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút khá đông hội viên tham gia. Hội đã xuất bản 2 tập thơ “Người mù ơn Đảng” và “Niềm tin và ánh sáng” giúp hội viên xua đi mặc cảm, tự tin hơn trong cuộc sống. Từ đầu năm đến nay, Hội Người mù huyện đã được các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm tặng 60 chiếc đài cho hội viên cao tuổi. Bên cạnh đó nhiều người khiếm thị đã sử dụng được máy vi tính, điện thoại thông minh để tiếp cận hoà nhập với cộng đồng. Ngoài ra, Hội Người mù huyện duy trì việc thăm hỏi, động viên hội viên khi ốm đau, hoạn nạn. Trên địa bàn huyện có 139 hội viên khiếm thị không có cha mẹ được hưởng chế độ trợ cấp xã hội từ 270 nghìn đến 720 nghìn đồng/người/tháng.
Thời gian tới, Hội Người mù Ý Yên tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng nền nếp sinh hoạt, làm việc khoa học, hiệu quả; bám sát tình hình thực tế để nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu tổ chức, phương pháp hoạt động, quy chế, nội quy… cho phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục khảo sát, vận động, kết nạp người khiếm thị trên địa bàn huyện vào Hội. Tiếp tục làm thủ tục cho các hội viên có nhu cầu học chữ, học nghề tại Hội Người mù tỉnh; động viên, khuyến khích hội viên trẻ rèn luyện kỹ năng đọc viết chữ nổi và vận dụng vào sinh hoạt đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, tổ chức theo định kỳ các loại hình câu lạc bộ thu hút hội viên tham gia, tạo môi trường giúp người khiếm thị phục hồi chức năng, rèn luyện, nâng cao trí lực và thể lực. Tích cực tìm hiểu, nắm bắt các chương trình, dự án dạy nghề dành cho người khuyết tật để phối hợp Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội giúp đỡ hội viên học các ngành nghề phù hợp với người khiếm thị./.
Theo Báo Nam Định