Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội: Sự chuyển giao đầy ý nghĩa – Vững tin cánh chim đầu đàn

(ĐHVO). Trong những ngày cuối cùng của năm 2022 chuẩn bị bước sang năm mới 2023, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội đại biểu lần thứ V nhiệm kỳ 2022-2027. Đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa nhất đó là sự chuyển giao giữa các thế hệ, hứa hẹn cho một nhiệm kỳ mới đồng thời mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho công tác người khuyết tật không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà còn tác động tích cực vào phong trào, hoạt động của người khuyết tật trên khắp cả nước.

Là một trong những tổ chức đi đầu trong công tác về người khuyết tật trên cả nước, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội luôn xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong các hoạt động về người khuyết tật. Là tổ chức hội đại diện cho hơn 16 nghìn hội viên với 48 tổ chức hội viên ở 30 quận huyện, thị xã, trong những nhiệm kỳ qua, Hội luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu được giao phó và đã đề ra.

Cùng với những thay đổi mạnh mẽ trong công tác, hoạt động của người khuyết tật như cách tiếp cận chuyển dần từ “từ thiện” sang “quyền” đã đem đến sự thay đổi lớn về quyền và vị thế của NKT trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam; với sự hỗ trợ của Uỷ ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền, sở ban ngành thành phố Hà Nội, trong những năm qua, với vai trò là tổ chức của người khuyết tật, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội không chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao mà còn làm tốt các hoạt động như công tác phát triển tổ chức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao nhận thức, năng lực cho người khuyết tật; hỗ trợ vay vốn ưu đãi; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm…. – là những hoạt động mang sắc thái riêng, có ý nghĩa, để cộng đồng nói chung, các cơ quan của Thành phố nói riêng hiểu rõ hơn về nghị lực, sức sáng tạo vươn lên của người khuyết tật.

Có thể kể đến như: Tổ chức các chương trình hội thảo, tập huấn, tọa đàm, các cuộc thi trực tuyến nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Thành phố; tham mưu đóng góp ý kiến về chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến người khuyết tật; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức sàn giao dịch việc làm có lồng ghép cho người khuyết tật, tư vấn hướng nghiệp và tìm kiếm việc làm cho NKT. Quan tâm kết nối các Doanh nghiệp để tiếp nhận thanh niên khuyết tật vào làm việc, hỗ trợ sinh kế cho thanh niên khuyết tật đặc biệt khó khăn đang làm việc sinh sống tại Hà Nội. Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở LĐTBXH tổ chức giám sát, đánh giá và hỗ trợ các tổ chức hội NKT quận, huyện nhằm nâng cao năng lực quản lý và trợ giúp các tổ chức hội cơ sở và người khuyết tật; chủ động xây dựng các đề xuất dự án, kết nối các nhà tài trợ và tiến hành các chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức thành viên, hội viên; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội để người khuyết tật khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên trở thành những người có ích, hoà nhập đầy đủ và bình đẳng vào xã hội, hướng tới “Xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của người khuyết tật”.

Tại Đại hội, các đại diện đến từ Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đều đánh giá rất cao những kết quả, hoạt động của hội trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như trong suốt thời gian, quá trình hoạt động Hội từ ngày thành lập cho đến nay. Những đánh giá, nhận xét đó một lần nữa khẳng định, minh chứng Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội luôn là địa chỉ tin cậy của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, là thành viên, đối tác tin cậy của các tổ chức hội của và vì người khuyết tật quốc gia và các tỉnh thành cũng như các tổ chức quốc tế, phi chính phủ đang hoạt động trong lĩnh vực người khuyết tật.

Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội luôn là cánh chim đầu đàn trong các hoạt động của người khuyết tật không chỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ít có tổ chức nào phát triển một cách toàn diện như Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, bên cạnh các tổ chức hội viên thì còn rất nhiều các câu lạc bộ, mạng lưới của thanh niên, phụ nữ, các dạng khuyết tật khác nhau… Hội cũng là thành viên rất tích cực của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, đóng góp vào nhiều thành công của Liên hiệp hội nói chung, công tác người khuyết tật nói riêng. Bên cạnh đó cũng là đối tác uy tín của các tổ chức hội bạn, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong việc triển khai các hoạt động đối với người khuyết tật.

Cũng theo ông Thanh, để có những kết quả như ngày hôm nay phải kể đến người đặt nền móng đầu tiên cho Hội, khởi nguồn từ một nhóm người khuyết tật như: ông Nguyễn Mạnh Hùng, bà Dương Thị Vân, bà Phan Thị Bích Diệp, ông Tú… đều là những tri thức, những con người tâm huyết đối với công tác người khuyết tật từ những thập niên 90 của thế kỷ 20. Và tại Đại hội này, với sự phát triển mạnh mẽ của Hội, cùng với đội ngũ lãnh đạo trẻ cho nhiệm kỳ 2022- 2027, có trình độ chuyên môn cao như chị Đỗ Thị Huyền, anh Phạm Quang Khoát cũng những người có kinh nghiệm như anh Dũng, chị Lan, chị Hường cùng sự đoàn kết, dân chủ, tự tin, phát triển trên cơ sở nền móng vững chắc của các thế hệ đi trước, Hội sẽ tiếp tục thành công với các mục tiêu đề ra; hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch, phương hướng trong thời gian tới; tiếp tục là cánh chim đầu đàn trong công tác người khuyết tật tại địa phương cũng như trên cả nước; là địa chỉ tin cậy, đối tác uy tín, thành viên tích cực của các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức của và vì người khuyết tật trong đó có Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam. Cuối cùng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng đề nghị Hội luôn tri ân các thế hệ đi trước, lấy đó làm nguồn động lực, động viên, là áp lực để phấn đấu, cố gắng xứng đáng với những thành quả của các thế hệ đi trước. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của các cấp chính quyền, đặc biệt là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đặc biệt trong công tác bảo vệ quyền của người khuyết tật và an sinh xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cũng đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND và các sở ban ngành chức năng thành phố, nhất là Sở LĐTBXH, Sở Nội vụ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội trong công tác người khuyết tật.


Ban lãnh đạo mới Hội Người khuyết tật TP Hà Nội nhiệm kỳ 2022- 2027

Thay mặt Sở LĐTB&XH thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở đánh giá: Hội Người khuyết tật Thành phố đã có những bước phát triển rất chắc chắn, bền vững, đặc biệt có những đóng góp thiết thực cho chính sách an sinh xã hội nói chung và chăm lo cho hội viên là người khuyết tật. Đã có hàng triệu lượt người khuyết tật được nhận sự trợ giúp trực tiếp từ chính sách của Trung ương, Thành phố và các chương trình do Hội tổ chức. Từ đó đã có rất nhiều người khuyết tật đã vượt lên chính mình, vượt qua sự tự ti để sống một cuộc sống có ý nghĩa, nhiều người khuyết tật trở thành những tấm gương về sự kiên trì, vươn lên trong bcuộc sống, trở thành động lực của rất nhiều người. Cùng với đó, công tác kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch tạo niềm tin cho cán bộ, hội viên vào tổ chức Hội.

Đại diện Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội cũng cho biết UBND thành phố Hà Nội đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực và thành tựu của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội trong công tác thúc đẩy thực hiện quyền và hòa nhập xã hội cho người khuyết tật. Hội đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan nhà nước trong việc triển khai các chương trình, đề án, hoạt động liên quan đến người khuyết tật. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện, thúc đẩy thực hiện công ước của liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật và các văn bản, chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật. Trên cơ sở đó, Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội đề nghị Hội Người khuyết tật Thành phố trong thời gian tới tập trung thực hiện tốt một số nội dung: 1. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng công tác tuyên truyền vận động hội viên và những người khuyết tật chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quán triệt đường lối phương hướng hoạt động, tôn chỉ và Điều lệ hoạt động của Hội, từ đó góp phần thiết thực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố; 2. Xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể để hoạt động của Hội thực sự thiết thực, phù hợp với thực tế. Đồng thời đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật, sự hướng dẫn quản lý của các cơ quan nhà nước, của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với các thành viên của UBMTTQ phát huy sức mạnh của cả xã hội chăm lo, hỗ trợ góp phần nâng cao đời sống người khuyết tật của Thành phố. Đẩy mạnh các hoạt động nâng cao dân trí cho hội viên, hỗ trợ giúp đỡ người khuyết tật tham gia sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện và giúp đỡ người khuyết tật gặp khó khăn có cuộc sống ổn định; 3. Tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của người khuyết tật, vận động người khuyết tật tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động với những chỉ tiêu rõ ràng, nhằm thu hút hội viên tham gia sinh hoạt, củng cố niềm tin, ý chí vươn lên hòa nhập trong cuộc sống cho hội viên; 4. Phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được của BCH khóa IV nhiệm kỳ 2017-2022, BCH khóa mới tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của các thành viên là một tập thể gương mẫu, đoàn kết, tập trung trí tuệ để lãnh đạo hội phát triển vững mạnh. Tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của hội viên, người khuyết tật. Nâng cao chất lượng công tác đề xuất chính sách liên
quan đến người khuyết tật.

Có thể nói, ít đơn vị nào nhận được nhiều sự quan tâm và là đối tác tin cậy của nhiều cơ quan chức năng nhà nước và tư nhân, là địa chỉ uy tín của các tổ chức cá nhân như Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ 2022 – 2027, bên cạnh việc đánh giá những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ cũ, đề ra phương hướng, nnhiệm vụ hoạt động nhiệm kỳ mới; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế để có những giải pháp cho các hoạt động trong tương lai; Đại hội còn ghi dấu mốc chuyển giao quan trọng giữa các thế hệ. Các lãnh đạo nhiệm kỳ mới được Ban Chấp hành sáng suốt lựa chọn đảm bảo sự đa dạng hơn về dạng tật; vừa đảm bảo có kinh nghiệm nhưng cũng đảm bảo yêu cầu chuyên môn trình độ, nghiệp vụ cũng như xây dựng, bồi dưỡng các thế hệ kế cận. Chủ tịch mới của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, chị Đỗ Thị Huyền, sinh năm 1976, trình độ Thạc sỹ, nguyên là Phó Chủ tịch Hội, hiện cũng đang là Chủ tịch một hội NKT cấp quận. Các Phó Chủ tịch đã có thêm đại diện dạng khuyết tật nghe nói, hầu hết đều là chủ tịch các hội người khuyết tật địa phương (cấp huyện), có nhiều kinh nghiệm làm lãnh đạo, trong hoạt động hội, công tác người khuyết tật, người cao tuổi nhất đã ngoài 60, người ít tuổi nhất mới ngoài 30.

Bằng kinh nghiệm của những người đi trước, sức khỏe, sự sáng tạo của tuổi trẻ, những thế hệ tiếp bước cha anh, tin tưởng rằng lãnh đạo nhiệm kỳ mới cùng Ban Chấp hành Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2022-2027 tiếp tục đoàn kết, đồng lòng chia sẻ các giá trị của Hội về sự tự tin, chủ động và đồng cảm trên cơ sở dân chủ, minh bạch cùng sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, cấp chính quyền đặc biệt là thành phố Hà Nội, Hội sẽ vẫn tiếp bước truyền thống của DP Hanoi với Tầm nhìn “Trong tương lai không xa người khuyết tật Việt Nam hoà nhập bình đẳng và đầy đủ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội”, thực hiện Sứ mệnh “Thúc đẩy thực hiện quyền của người khuyết tật”, đồng thời đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội của thành phố Hà Nội nói riêng, của đất nước nói chung, hoà nhập với phong trào NKT trong nước, khu vực Châu Á- TBD và quốc tế…

Thành công tốt đẹp của Đại hội là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn cho Hội và toàn thể hội viên tiếp tục vững bước đi lên, phát triển trong hành trình vì một thế giới hòa nhập và bình đẳng cho tất cả mọi người. Mặc dù, trước mắt sẽ là những thách thức đòi hỏi Ban chấp hành Hội khóa V tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đề ra, đáp ứng lòng mong đợi của hội viên và cộng đồng NKT.

Từ đó, bản thân mỗi người khuyết tật cần phát huy tinh thần tự lực, tự tin chủ động vươn lên, hòa nhập cộng đồng, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội V. Bởi làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật, mỗi ngày đều là một thử thách nhưng mỗi ngày cũng đều có phần thưởng riêng. Buổi sáng thức dậy, bạn biết rằng bạn đang giúp ai đó sống cuộc sống tốt nhất của mình, tự nó đã là một phần thưởng. Điều này đã đúng với quá trình của Hội Người khuyết tật TP HN. Mỗi ngày là một cơ hội để làm điều gì đó khác biệt và tạo ra sự khác biệt như những chia sẻ của Tân Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội trong bài phát biểu bế mạc Đại hội.

PV

Bài viết được đăng trên Tạp chí Đồng Hành Việt số 01, tháng 01 năm 2023

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang