Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội: Hội thảo “Bình đẳng giới trong hoạt động của tổ chức người khuyết tật: Thuận lợi, thách thức và giải pháp”

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm về bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ khuyết tật trong các hoạt động giữa các tổ chức hội, câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật thuộc mang lưới 10 tỉnh phía bắc, được sự hỗ trợ của Quỹ Abilis (Phần Lan) tại Việt Nam, ngày 01/11/2021, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo – Tọa đàm với chủ đề “Bình đẳng giới trong hoạt động của tổ chức người khuyết tật: Thuận lợi, thách thức và giải pháp”. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho các cán bộ chủ chốt của hội người khuyết tật và mạng lưới phụ nữ khuyết tật nhằm thúc đẩy bình đẳng giới” đã được Quỹ Abilis phê duyệt và UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện.

Các đại biểu chủ trì buổi Hội thảo trực tuyến

Tham dự Hội thảo – Tọa đàm có ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội,  quản lý Dự án; ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; bà Đỗ Thị Huyền, Giám đốc Quỹ Abilis tại Việt Nam; Tiến sỹ Trần Thị Thu Hiền, Phó Trưởng khoa  Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam; bà Đàm Thị Mai, Điều phối viên quốc gia Quỹ Abilis tại Việt Nam; đại diện các tổ chức hội của người khuyết tật tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Giang, Ninh Bình, Hà Nội cùng đại diện Ban Vận động thành lập Hội Người khuyết tật thành phố Hải Phòng, CLB NKT huyện Đông Triều, Hội Người khuyết tật thành phố Thái Nguyên và Hội Người khuyết tật thành phố Sông Công.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phan Thị Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, quản lý Dự án cho biết: Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có tới 58% là phụ nữ. Do định kiến, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thường phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” bởi giới tính và tình trạng khuyết tật. Do đó, họ phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, quan hệ xã hội và ngay cả trong hoạt động của các tổ chức người khuyết tật. Để khắc phục tình trạng đó, Hội Người khuyết tật các tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm tạo điều kiện để chị em phụ nữ tham gia các hoạt động Hội.

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội nhấn mạnh, để góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới khuyết tật tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các hoạt động vì lợi ích của người khuyết  tật, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và năng lực của cán bộ chủ chốt các hội người khuyết tật cũng như CLB phụ nữ khuyết  tật về thúc đẩy bình đẳng giới trong tổ chức của NKT…. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng của mạng lưới CLB phụ nữ khuyết tật các tỉnh phía bắc được thành lập từ năm 2018 nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của phụ nữ trong các hoạt động hội.

Bà Diệp hy vọng với hàng loạt hoạt động của dự án trong 1 năm qua cùng những ý kiến, những kinh nghiệm và giải pháp được các đại biểu chia sẻ tại đây sẽ là câu trả lời quý giá đối với các hội người khuyết tật, các CLB phụ nữ khuyết tật tham gia mạng lưới phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, trở ngại để lồng ghép giới trong mọi hoạt động, từng bước thực hiện bình đẳng giới thực sự và hiệu quả, giúp cho nam giới và nữ giới khuyết tật có điều kiện tiếp cận các cơ hội phát huy năng lực cho sự phát triển của tổ chức, cũng như thụ hưởng những thành quả của sự phát triển đó.

Thay mặt Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội chia sẻ về chủ đề và một số hoạt động trong việc thực hiện bình  đẳng giới trong các hoạt động của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và mạng lưới phụ nữ khuyết tật một số tỉnh phía bắc, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội nhấn mạnh thêm: Các hoạt động của dự án đã trang bị cho các lãnh đạo hội, các CLB phụ nữ khuyết tật của 10 tỉnh phía các các kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động của hội. Mục đích của hội thảo là để cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các hội viên, đặc biệt là các nữ hội viên để hội người khuyết tật, các CLB phụ nữ khuyết tật hòa nhập với phong trào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, gắn kết với các cơ quan chính quyền, đoàn thể tại địa phương; hỗ trợ người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng vượt qua những khó khăn, thách thức. Bà Vân cũng mong muốn các ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm tại chương trình sẽ mang đến những điều tốt đẹp nhất đối với người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói chung. Đồng thời đề nghị Quỹ Abilis sẽ tiếp tục đồng hành với tổ chức hội và nhiều tổ chức khác…

Đại diện cho Quỹ Abilis, bà Đỗ Thị Huyền cũng chia sẻ về Dự án nâng cao năng lực cho phụ nữ các tỉnh phía bắc. Quỹ Abilis nhận thấy vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam cần có thời gian để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động hội. Hy vọng những tiếng nói trong Hội thảo có thể là một kênh để Abilis thấy được những khó khăn của phụ nữ khuyết tật, cũng như là cơ sở để xây dựng và triển khai các hoạt động về dự án trong giai đoạn 2022-2025. Và đây cũng là một cơ hội lắng nghe tiếng nói, chia sẻ của phụ nữ khuyết tật và tổ chức hội của người khuyết tật để có những chương trình, hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới đây.

Chia sẻ thêm về các hoạt động của Quỹ, bà Huyền cho biết một trong những mục tiêu của Abilis là sinh kế đối với người khuyết tật, do vậy vấn đề phụ nữ khuyết tật làm kinh tế càng được quan  tâm và chú ý. Bên cạnh đó, Quỹ có thể hỗ trợ trực tiếp đối với các đơn vị trên địa bàn các tỉnh mà Quỹ đang triển khai dự án; đối với các địa phương không thuộc địa bàn dự án, Quỹ không thể tài trợ trực tiếp nhưng các đơn vị này có thể tham gia vào mạng lưới các câu lạc bộ cũng như các hoạt động chung của các dự án do Quỹ hỗ trợ. Quỹ cũng mong muốn đồng hành và hỗ trợ nhiều hơn đối với các địa phương trên địa bàn của dự án – Bà Huyền nhấn mạnh.

Thay mặt Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực chia sẻ tại buổi Hội thảo vai trò của Liên hiệp hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới

Thay mặt Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chia sẻ về vai trò của Liên hiệp hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực cho biết: Vấn đề bình đẳng giới luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và được quan tâm từ rất sớm, cũng như đã được hiện thực hóa bằng các quy định của pháp luật từ trong Hiến pháp đến các Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Ông Thanh cũng cho biết, hiện nữ giới được tham gia vào nhiều hoạt động chính trị, kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề bình đẳng giới vẫn còn nhiều hạn chế. Những vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới, bạo lực giới vẫn là một vấn đề cần nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt là nhóm nữ khuyết tật và trẻ em gái khuyết tật. Đây là nhóm đối tượng yếu thế nay lại càng yếu thế hơn…

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội cũng khẳng định, các tổ chức của Hội NKT luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và có nhiều chương trình hoạt động liên quan đến các vấn đề của bình đẳng giới. Chia sẻ thêm về vai trò của Liên hiệp hội, ông Đặng Văn Thanh nhấn mạnh: Liên hiệp hội xác định vấn đề bình đẳng giới là một trong những vấn đề trọng tâm để thúc đẩy quyền của NKT trong đó phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật…. Với tỷ lệ 58% trong tổng số người khuyết tật cả nước, phụ nữ khuyết tật và trẻ em gái khuyết tật đang phải đối diện những tác động kép về cả giới lẫn tình trạng khuyết tật. Và với vai trò là tổ chức đại diện của tổ chức của NKT ở cấp quốc gia, vấn đề bình đẳng giới luôn được chú trọng trong mọi chương trình, hoạt động của Liên hiệp hội. Qua đó, phát huy vai trò và khẳng định vị thế của nữ giới. Đặc biệt, đối với Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam hay Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, cũng như nhiều tổ chức của và vì người khuyết tật, tỷ lệ nữ giới trong các hoạt động cũng như việc phụ nữ tham gia vào lãnh đạo của các tổ chức là rất lớn, thậm chí chiếm tới 60% lực lượng.

Cùng với những chia sẻ về các chủ đề “Thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong các tổ chức xã hội” của TS. Trần Thị Thu Hiền, “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ khuyết tật vào các hoạt động của Hội NKT tỉnh Hà Nam: thuận lợi, khó khăn và giải pháp” của Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam, “Những giải pháp của Hội NKT tỉnh miền núi Hà Giang nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của phụ nữ khuyết tật các dân tộc thiểu số” của Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Giang, nhiều câu hỏi, vấn đề được các đại biểu chia sẻ để cùng trao đổi, tìm ra những giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở các tổ chức của người khuyết tật và tăng cường kết nối mạng lưới.

Tin tưởng rằng, với sự sôi nổi, hào hứng trao đổi của các đại biểu bên cạnh những chia sẻ khá cụ thể, thực tế về các nội dung liên quan đến bình đẳng giới của các khách mời, cùng nhiều giải pháp được Hội thảo đưa ra đặc biệt nhấn mạnh đến sự tham gia của cả hai giới, tỷ lệ tham gia trong các hoạt động…. để phát huy khả năng, ưu thế cũng như vai trò của các giới. Qua đó, đảm bảo bình đẳng giới thể hiện qua việc thực hiện các nội dung về vấn đề bình đẳng giới hay lồng ghép bình đẳng giới trong các hoạt động hội người khuyết tật sẽ ngày càng rõ ràng và hiệu quả./.

Đỗ Văn

Bài viết liên quan

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Hình ảnh tại chương trình

Nam Định: Trao học bổng cho học sinh vượt khó

bí thư tỉnh ủy

Nam Định: Công bố quyết định thành lập Đảng bộ thành phố và Đảng bộ các phường sau sáp nhập

Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Nam Định: Chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất

Bảo hiểm thương tật, cứu cánh cho người lao động nếu không may tai nạn

Picture1

HOA ĐÀO NỞ MUỘN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang