Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội: Chương trình hưởng ứng Ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4

(ĐHVO). Ngày 13/4/2021, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã tổ chức Chương trình hưởng ứng Ngày người khuyết tật Việt Nam 18.4, đây là hoạt động thường niên của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện quyền của người khuyết tật, thúc đẩy người khuyết tật tham gia vào các hoạt động xã hội…

Đến dự chương trình có bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam; bà Phạm Thị Hoàn, Phó Vụ trưởng vụ Đào tạo thường xuyên; ông Phạm Tiến Hưng, Phó phòng dạy nghề Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội; bà Dương Thị Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; bà Phan Bích Diệp, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; ông Đỗ Huy Hùng, Phó Trưởng ban Truyền thông Liên hiệp hội; bà Isa Belle Windhorst, cố vấn kỹ thuật tổ chức GIZ; bà Nguyễn Thùy Hương, phu nhân cố Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Hùng cùng hơn 150 đại biểu là hội viên và nhiều cơ quan báo đài trung ương, địa phương đã đến dự và đưa tin….

Phát biểu khai mạc Chương trình hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam, Thay mặt Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đã gửi những lời chúc tốt đẹp, sức khoẻ, bình an, luôn được sống trong yêu thương, hạnh phúc, vượt qua khó khăn trong cuộc sống và khó khăn do đại dịch covid-19 gây ra.

Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội cho biết: Ngày 18/4 hàng năm được Quốc hội phê chuẩn trong Luật Người khuyết tật là ngày Người khuyết tật Việt Nam – được đổi tên từ Ngày bảo vệ, chăm sóc Người tàn tật theo Pháp lệnh Người tàn tật (1998-2010). Thông qua góc nhìn về sự chuyển đổi cách dùng ngôn từ trong văn bản pháp luật cũng như trong đời sống hàng ngày, cụm từ “Người khuyết tật” được thay cho “Người tàn tật” và “Ngày Người khuyết tật Việt Nam” thay cho “Ngày bảo vệ, chăm sóc Người tàn tật”, chúng ta nhận thấy rằng nhận thức của toàn xã hội và của NKT về vấn đề hoà nhập khuyết tật đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn trong nhiều năm qua.


Cách tiếp cận vấn đề khuyết tật được chuyển dần từ tiếp cận theo mô hình từ thiện sang cách tiếp cận theo mô hình xã hội, dựa trên quyền của NKT, toàn xã hội chung tay dỡ bỏ rào cản đối với NKT và bản thân NKT chủ động xoá bỏ mặc cảm, tự ti, vượt qua định kiến, kỳ thị NKT vẫn còn đâu đó trong cộng đồng để vươn lên hoà nhập xã hội. Sự quan tâm của Nhà nước đối với NKT thể hiện bằng việc phê chuẩn và thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, Luật NKT 2010 cùng nhiều chính sách trên tất cả các lĩnh vực: y tế, giáo dục, đào tạo, việc làm, trợ giúp pháp lý, công trình và giao thông công cộng, văn hoá, thể dục thể thao, du lịch … Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng sẽ được hưởng mức trợ cấp hàng tháng từ 1,5-2 lần theo mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ 1/7/2021 là 360.000đ/tháng (Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội) – Bà Vân nhấn mạnh thêm.

Chia sẻ về chủ đề hưởng ứng chủ đề ngày NKT Việt Nam 18/4 năm nay do Liên hiệp hội về NKT Việt Nam đưa ra: “An toàn và Bình đẳng”, bà Dương Thị Vân thông tin: Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội là tổ chức của gần 16 ngàn hội viên khuyết tật với 48 tổ chức thành viên, DP Hanoi đã và đang phối hợp với các tổ chức đoàn thể của thành phố tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội của thành phố, đóng góp ý kiến của mình trong nhiều văn bản liên quan đến NKT. Cán bộ, hội viên của DP Hanoi đã cùng nhau xây dựng và phát triển hội với tầm nhìn đến năm 2030, Hội trở thành tổ chức hoạt động hiệu quả trong việc thúc đẩy sự tham gia toàn diện của NKT vào đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là quyền kinh tế.


2 MC chương trình

Năm 2021 Hội NKT TP. Hà Nội chủ động, sáng tạo, tập trung tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, kế hoạch hỗ trợ NKT của Nhà nước và thành phố tới NKT; vận động và tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện Luật NKT; nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp; chủ động tổ chức các hoạt động thiết thực để hỗ trợ các tổ chức của NKT và NKT thành phố thông qua các chương trình tập huấn, trau dồi kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các Ban công tác nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội; tăng cường hỗ trợ dạy nghề và tìm kiếm việc làm cho hội viên NKT, phối hợp với các tổ chức hỗ trợ vốn vay cho NKT làm kinh tế; tham gia các phong trào thi đua do thành phố phát động… Bên cạnh đó, một hoạt động có ý nghĩa đối với hội viên của DP Hanoi là các cuộc thi viết, thi thuyết trình, thi ảnh và video clip để hưởng ứng kỷ niệm 15 năm thành lập Hội vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam.

Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tự hào về sự lớn mạnh của Hội với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền thành phố, của các đơn vị đã đồng hành cổ vũ, động viên hỗ trợ Hội chúng ta, và đặc biệt với sự tự tin, nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ, đóng góp tích cực của toàn thể hội viên và 48 tổ chức thành viên cho sự phát triển bền vững của Hội. DP Hanoi của chúng ta đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của hội viên, gia đình hội viên, của các cấp chính quyền thành phố, các tổ chức đối tác và của các nhà tài trợ.

Cũng tại Chương trình, bà Nguyễn Thùy Hương, vợ cố Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Hùng đã dành tặng 10 phần quà ý nghĩa cho 10 người khuyết tật có điều kiện khó khăn trên địa bàn. Đây cũng là việc làm hàng năm của bà Hương với mong muốn chia sẻ với người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thùy Hương tặng 10 phần quà ý nghĩa cho 10 người khuyết tật có điều kiện khó khăn trên địa bàn

Có thể nói, Chương trình là một hoạt động thường niên đầy ý nghĩa nhằm góp phần tôn vinh, nâng cao nhận thức của người khuyết tật và cộng đồng xã hội về người khuyết tật Việt Nam, về khả năng và những đóng góp của NKT, qua đó người khuyết tật sẽ từng bước được hòa nhập một cách bình đẳng và đầy đủ vào xã hội.

Hải Phong

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang