(ĐHVO). Ngày 12/11, tại phòng họp, Hội Người khuyết tật (NKT) thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi chia sẻ kết quả dự án thu thập thông tin về hội Người khuyết tật và cơ sở hạ tầng phục vụ phòng chống thiên tai có tính tiếp cận với NKT trên địa bàn Hà Nội. Dự án được sự tài trợ bởi Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt theo Quyết định số 5561/QĐ-UBND ban hành ngày 23/10/2024.
Bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; ông Aldo De Luca, Tham tán, Phó Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam; ông Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội.
Tham dự buổi chia sẻ có bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội; bà Đoàn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội; ông Phạm Quang Khoát và ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội; ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Mỹ Đức; ông Aldo De Luca, Tham tán, Phó Đại sứ Đại diện Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam; ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai quốc gia; và bà Đỗ Thị Hồng Nhung, tư vấn, cán bộ Trung tâm Chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai quốc gia, cùng nhiều đại biểu khác.
Các đại biểu, khách mời tham gia tại buổi chia sẻ
Trong bài phát biểu khai mạc, bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, nhấn mạnh rằng Hội đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa trong các lĩnh vực như giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn thừa nhận rằng ở lĩnh vực biến đổi khí hậu, các hoạt động vẫn còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào việc tập huấn bộ tài liệu về phòng chống rủi ro thiên tai được xây dựng từ trước.
Bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, cho rằng nhận thức chưa đầy đủ là một trong những nguyên nhân khiến việc lồng ghép người khuyết tật vào công tác phòng chống rủi ro thiên tai chưa được chú trọng. Nhiều người vẫn xem đây là trách nhiệm riêng của các cơ quan chức năng, dẫn đến sự thiếu quan tâm toàn diện. Từ thực tế cơn bão Yagi, bà Huyền nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hòa nhập người khuyết tật vào các kế hoạch phòng chống thiên tai, không chỉ trong giai đoạn chuẩn bị mà cả khi thiên tai xảy ra và sau đó, nhằm đảm bảo quyền lợi và an toàn cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.
Bà Huyền cho biết, Dự án thu thập thông tin về hộ người khuyết tật và cơ sở hạ tầng phục vụ phòng chống thiên tai có tính tiếp cận với NKT trên địa bàn Hà Nội tuy là một dự án nhỏ thí điểm ở huyện Mỹ Đức để tìm hiểu thông tin từ thực tế trong phòng chống thiên tai có lồng ghép người khuyết tật nhưng thông qua dự án sẽ giúp mọi người biết đến khi nào cần hỗ trợ, hỗ trợ như thế nào trong phòng chống thiên tai.
Nhân dịp này, bà Huyền gửi lời cảm ơn đến Đại sứ quán Thụy Sỹ, Hội Người khuyết tật và gia đình người khuyết tật tại huyện Mỹ Đức, cùng cơ quan phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đồng thời, bà bày tỏ hy vọng dự án sẽ tiếp tục được mở rộng và nhận thêm sự hỗ trợ từ phía Đại sứ quán.
Đại diện Đại sứ quán Thụy Sỹ phát biểu tại buổi chia sẻ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án ngay từ thời điểm nhận được đề xuất từ Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đầu năm 2024. Đại sứ quán đánh giá dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội mà còn ứng dụng công nghệ số hiện đại vào việc thu thập thông tin, mang lại ý nghĩa lớn dù nguồn lực còn hạn chế. Dự án càng có ý nghĩa hơn nữa khi không chỉ ở Việt Nam mà ở chính Thụy Sỹ và nhiều quốc gia khác vì đôi khi các vấn đề của người khuyết tật chưa thực sự được quan tâm đầy đủ. Ông cũng chia sẻ sự đồng cảm sâu sắc trước những hậu quả thiên tai gây ra và khẳng định rằng, dù không có giải pháp nào hoàn toàn hiệu quả, nhưng làm tốt công tác phòng chống sẽ giúp nhận diện rõ hơn các nhóm đối tượng và vấn đề cần quan tâm.
Ông Aldo De Luca, Tham tán, Phó Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam.
Đại diện Đại sứ quán đánh giá cao quá trình thực hiện dự án của Hội, thể hiện cam kết mạnh mẽ và sự tận tâm trong triển khai dự án. Ông tin tưởng rằng, dự án thành công và sẽ được nhân rộng không chỉ ở Hà Nội mà ở các địa phương khác, phù hợp với định hướng của Việt Nam và Thụy Sỹ trong việc đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Với tư cách chuyên gia, tư vấn của Dự án, ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm đã chia sẻ những vấn đề, những tồn tại hạn chế, khó khăn trong phòng chống thiên tai trước đây khi chưa lồng ghép vấn đề khuyết tật; những cơ sở, căn cứ pháp lý về phòng chống thiên tai có lồng ghép người khuyết tật hiện nay; những thực trạng, sự cần thiết, vai trò của người khuyết tật khi tham gia công tác phòng chống thiên tai; tầm quan trọng của dữ liệu, quản lý cơ sở dữ liệu trong phòng chống thiên tai….
Ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm phát biểu tại buổi chia sẻ.
Chia sẻ những nội dung, kết quả của dự án, thay mặt Hội Người khuyết thành phố Hà Nội, ông Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội đã báo cáo khái quát kết quả chung, quá trình thực hiện dự án và một số khuyến nghị sau khi hoàn thành dự án; đại diện nhóm chuyên gia tư vấn, bà Đỗ Thị Hồng Nhung cũng đã chia sẻ về phương pháp thu thập thông tin, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ trong thu thập thông tin, xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu…. cùng báo cáo về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện của ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Mỹ Đức.
Dự án của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội với những kết quả đạt được đã trở thành điểm sáng, đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ người khuyết tật tham gia vào công tác phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng, đồng thời thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật vào các hoạt động xã hội khác.
Kết quả đạt được
– Dự án đã thu được 594 điểm so với dự kiến là 450 điểm GPS trên cơ sở dữ liệu không gian phục vụ vụ phòng chống thiên tai (PCTT).
– Dữ liệu được thu thập và quản lý thông qua phần mềm cơ sở dữ liệu không gian phục vụ PCTT do Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật Phòng chống thiên tai quốc gia phát triển.
Ý nghĩa của phần mềm cơ sở dữ liệu không gian phục vụ PCTT
* Đối với công nghệ và xã hội:
– Dữ liệu từ phần mềm GPS là nền tảng để xây dựng các ứng dụng công nghệ số phục vụ PCTT và phát triển kinh tế – xã hội (KTXH).
– Là nguồn dữ liệu số quan trọng để phát triển và ứng dụng công nghệ trong hoạt động cá nhân và tổ chức.
– Góp phần phát triển nguồn nhân lực số, tạo lập môi trường số, phù hợp định hướng của Chính phủ và yêu cầu thực tế trong phát triển KTXH, đặc biệt trong lĩnh vực PCTT.
* Đối với Hội Người khuyết tật:
– Quản lý hội viên hiệu quả: Xác định số lượng và phân bố hội viên Hội NKT theo địa bàn quản lý.
– Thống kê thông tin: Phân tích số người khuyết tật theo dạng khuyết tật, giới tính, độ tuổi, nhu cầu và trình độ văn hóa.
– Xác định nhu cầu hỗ trợ: Đánh giá nhu cầu cụ thể của từng hộ gia đình có NKT để lên kế hoạch hỗ trợ phù hợp.
* Đối với công tác PCTT:
– Xác định số hộ gia đình có NKT trong vùng ảnh hưởng của thiên tai để chủ động báo cáo Ban chỉ huy PCTT&TKCN. Qua đó, xây dựng kế hoạch ứng phó, đặc biệt trong cảnh báo sớm và sơ tán ưu tiên.
– Là dữ liệu nền tảng để phát triển công cụ hỗ trợ NKT nhận cảnh báo sớm, chủ động sơ tán sớm và cập nhật thông tin thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ trước, trong và sau thiên tai theo thời gian thực.
Phương Linh