Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai: Hỗ trợ hội viên tiếp cận Luật Bảo vệ môi trường

Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã và đang ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đối tượng của việc phổ biến, giáo dục pháp luật là mọi tầng lớp nhân dân, trong đó, bao gồm người khuyết tật. Đối với người khuyết tật nói riêng, việc phổ biến nhận thức pháp luật là bước đi ban đầu có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện hiệu quả pháp luật về người khuyết tật.

Buổi sinh hoạt của Ban dự án với CLB Yêu môi trường của Hội

Phụ nữ và người khuyết tật có lẽ không còn xa lạ với những chính sách pháp luật như: Luật bình đẳng giới năm 2006, Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007… Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát nhỏ có liên quan tới Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn quận thuộc thành phố Hà Nội, đa số phụ nữ và người khuyết tật tham gia khảo sát đều cho đáp án là “chưa biết đến hoặc chưa được tiếp cận” khi nhận được câu hỏi “Anh, chị đã có biết về Luật bảo vệ môi trường hoặc các nghị định liên quan đến môi trường không?”.

Đối với cộng đồng, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, việc nhận thức pháp luật dù ở khía cạnh nào của xã hội cũng đều rất cấp thiết. Chính vì vậy, khi một văn bản luật hay các chính sách mới được ban hành, bên cạnh việc tự tìm hiểu thông tin của người dân thì càng cần nhận sự quan tâm, chú trọng trong việc phổ biến hơn nữa với mục đích cập nhật kiến thức pháp luật cho người dân, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành luật và giảm số vụ việc vi phạm pháp luật.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương và 171 điều chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022. Luật đề cao tầm quan trọng của bảo vệ môi trường song song với phát triển kinh tế, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Luật thể hiện rõ quan điểm và tư duy đổi mới trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường hiện nay.

Việc đa số phụ nữ và người khuyết tật được khảo sát chưa biết hoặc chưa được tiếp cận Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng những vấn đề về môi trường vẫn đang tồn tại trên địa bàn Quận đã thúc đẩy Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai tham gia viết và thực hiện sáng kiến “Nâng cao nhận thức pháp luật và thúc đẩy tư vấn, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ (đặc biệt phụ nữ khuyết tật về Luật Bảo vệ môi trường tại quận Hoàng Mai” do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (EU JULE JIFF, gọi tắt là Quỹ JIFF).

Năm 2022 là năm triển khai hoạt động các sáng kiến thuộc đợt tài trợ lần 3 của Qũy JIFF  với chủ đề “Tăng cường tiếp cận pháp luật và tư pháp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo ở Việt Nam”. Là một trong mười hai sáng kiến chất lượng, mang tính thiết thực được phê duyệt cấp tài trợ, sáng kiến của Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai sẽ được triển khai với mục tiêu chính là nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và thúc đẩy trợ giúp pháp lý về bảo vệ môi trường cho phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ khuyết tật).

Buổi làm việc giữa Hội Người khuyết tật quận, Hội Liên hiệp phụ nữ quận và Hội Luật gia quận

Điểm mới của Sáng kiến là phụ nữ và phụ nữ khuyết tật trực tiếp tham gia phân tích và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường họ đang phải đối mặt. Sáng kiến được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả cụ thể như sau: (1) Xây dựng và phát triển 01 mạng lưới tư vấn viên, tuyên truyền viên, thúc đẩy trợ giúp pháp lý tại cộng đồng; (2) Có 01 bộ công cụ quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin ban đầu cho phụ nữ và người khuyết tật; (3) Có 140 phụ nữ khuyết tật được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua đào tạo, hội thảo và được thúc đẩy trợ giúp pháp lý với những hình thức trực tiếp, điện thoại, online; (4) Có 840 phụ nữ được tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường (trực tiếp); (5) Có hơn 3.200 phụ nữ và người khuyết tật được nâng cao hiểu biết về Luật bảo vệ môi trường (gián tiếp); (6) Xử lý thông tin ban đầu cho 90% các phản ánh liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường hoặc các vấn đề liên quan đến môi trường.

Sáng kiến dự kiến được triển khai từ tháng 11 năm 2021 đến tháng 10 năm 2022. Tuy nhiên, mạng lưới trợ giúp pháp lý cộng đồng sẽ duy trì và phát triển nhằm tiếp tục hỗ trợ thông tin ban đầu giúp phụ nữ và người khuyết tật tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý. Việc thực hiện dựa trên sự phối hợp giữa Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hoàng Mai và Hội Luật gia quận Hoàng Mai. Ba tổ chức hội sẽ cùng xây dựng nội dung đào tạo liên quan đến văn bản pháp luật về môi trường và xây dựng bộ quy trình tư vấn pháp luật tại văn phòng và cơ sở./.

Đinh Quỳnh Mai


Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang